Thứ Ba, 23/04/2013 15:48

Nợ công có đáng ngại ?

Ngày 15/4, đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang báo The Economist.com chỉ chỉ số nợ công của VN hiện đang chiếm 49,2% GDP toàn quốc. Theo đó, với tổng mức nợ công hiện là 72,523 tỉ USD, tính theo mức dân số VN mà Global debt clock cung cấp là 89.740.893 người, mỗi người dân đang "gánh" 808,1 USD nợ công. Con số này có đáng ngại?

Nợ công trong tầm kiểm soát

Ông Nguyễn Thành Đô - Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính: Đã đến lúc việc cắt giảm đầu tư công phải được thực hiện quyết liệt hơn đồng thời với việc nâng cao chất lượng đầu tư công.
Bản tin số 1 về nợ công của VN đã được Cục chúng tôi công khai, bao gồm các bảng về số liệu nợ tại từng thời điểm, số liệu nợ theo thời kỳ trên thực tế cũng như dự báo.

Chỉ tiêu an toàn nợ công theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2020 (trong đó, bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó, dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Với mức nợ công tương đương 54,9% GDP của năm 2011 hiện tại là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn về nợ theo thông lệ quốc tế. Bởi lẽ, tôi được biết, Quỹ Tiến tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) trong báo cáo đánh giá tháng 6 đầu năm 2012 cũng tính nợ công của VN chỉ ở mức là 48,3% GDP vào cuối năm 2012 và 48,2% GDP vào năm 2013.

Trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội lớn, khả năng huy động nguồn nội lực chưa đáp ứng đầy đủ nên việc huy động từ các nguồn vốn vay nợ trong và ngoài nước là cần thiết và có vai trò hết sức quan trọng. Đồng thời, việc huy động vốn vay và trả nợ phải nằm trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, đã đến lúc việc cắt giảm đầu tư công phải được thực hiện quyết liệt hơn đồng thời với việc nâng cao chất lượng đầu tư công. Bởi lẽ, nó không chỉ làm giảm áp lực lạm phát mà còn hạn chế rủi ro của các khoản nợ công.

Bài học hữu ích về quản lý

Ông Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế: Cần chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư xã hội...
Thực tiễn của cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu thời gian qua giúp chúng ta rút ra những bài học cảnh tỉnh cần thiết về yêu cầu quản lý nhà nước trong quá trình phòng ngừa và vượt qua khủng hoảng, trong đó có sự minh bạch thông tin, quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư công, duy trì hiệu lực, hiệu quả các giám sát vĩ mô, bảo đảm yêu cầu an sinh xã hội và tìm kiếm, phối hợp các nguồn lực cho phát triển đất nước theo yêu cầu phát triển bền vững…

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu đã củng cố quyết tâm tái cấu trúc kinh tế nói chung, đầu tư công của VN nói riêng, theo hướng về dài hạn, cần chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư xã hội; chuyển trọng tâm đầu tư công ra ngoài lĩnh vực kinh tế, để tập trung vào phát triển các lĩnh vực hạ tầng và xã hội; phòng ngừa và giảm thiểu những hoạt động đầu tư công gắn với sự chi phối của ý chí chủ quan và ngắn hạn, "tư duy nhiệm kỳ", bệnh thành tích, hay "lợi ích nhóm".

Chúng ta cũng cần có sự đổi mới quy trình và tiêu thức phù hợp và chuẩn hóa để tạo căn cứ lựa chọn và thông qua các dự án đầu tư theo lĩnh vực và yêu cầu đầu tư, mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, cũng như các lợi ích quốc gia và địa phương, ngành, cụ thể và dài hạn, có phân biệt 2 loại mục tiêu và 2 loại tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư công - đầu tư vì lợi nhuận và đầu tư phi lợi nhuận, khắc phục sự nhập nhằng giữa nguồn vốn hoạt động vì lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động phi lợi nhuận, cũng như giữa trách nhiệm xã hội của các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với ổn định kinh tế vĩ mô với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dễ dẫn đến đầu tư của tập đoàn vừa bị phân tán, vừa dễ bị lạm dụng, kém hiệu quả.

Công cụ giám sát đầu tư công

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư VN – VID Group, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Việc đưa Luật Đầu tư công vào chương trình nghị sự lần này cho thấy tính cấp thiết của dự Luật này.
Bản tin số một về nợ công của VN giai đoạn 2010 - 2011 do Bộ Tài chính vừa công bố cho biết tổng số dư nợ công của VN trong hai năm 2010 và 2011 tương đương 56,3% GDP và 54,9% GDP. Tôi không bình luận về sự khác biệt trong các công bố cũng như các con số bởi thực ra thực trạng nợ công đã được đưa ra bàn trước diễn đàn Quốc hội khá nhiều và các đại biểu rất quan tâm đến hiệu quả của đầu tư công...

Tuy nhiên, theo tôi để giảm bớt áp lực nợ công thì hoạt động đầu tư công phải có hiệu quả, mà muốn có hiệu quả thì phải có công cụ giám sát.Trên thực tế, hoạt động đầu tư công thời gian vừa qua vẫn thiếu các chế tài cụ thể để đảm bảo chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư. Điều này là nguyên nhân của việc đầu tư phân tán, hiệu quả thấp, lãng phí, thất thoát vốn nhà nước. Đây cũng chính là lý do để Chính phủ đề nghị bổ sung Luật Đầu tư công vào chương trình chính thức năm 2013 của Quốc hội.

Dự thảo Luật Đầu tư công này đã được đưa ra bàn thảo góp ý kiến tương đối nhiều lần ở UB kinh tế cũng như diễn đàn Quốc hội chứ không không phải đến bây giờ mới nhắc tới. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn còn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của luật và do chất lượng của Luật chưa đáp ứng được nhu cầu nên tạm thời rút lại để điều chỉnh. Nhưng với việc đưa Luật Đầu tư công vào chương trình nghị sự lần này cho thấy tính cấp thiết vì nó gắn liền với việc tái cơ cấu đầu tư của nhà nước và việc sử dụng vốn của nhà nước tại các tập đoàn, TCty.

Đầu tư công là lĩnh vực chưa có Luật để điều chỉnh, nếu được thông qua chắc chắn sẽ tạo cơ sở hành lang pháp lý để hoạt động trong lĩnh vực này hiệu quả hơn.

Nhiều rủi ro VN đang đối mặt

Ông Dominic Mellor - Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Nếu đầu tư công hiệu quả, thì với một nền kinh tế như VN với tăng trưởng khoảng 8% có thể chấp nhận mức nợ 55% GDP.
Trên thực tế, con số nợ cụ thể là bao nhiêu không quan trọng, mà vấn đề là tăng trưởng kinh tế của VN nhanh hơn bao nhiêu so với tốc độ tăng trưởng nợ?

Thực tế, có những quốc gia trên thế giới có nợ công cao hơn nhiều mức 55% GDP, nhưng không bị căng thẳng về nợ. Nhưng có những quốc gia khác có khoản nợ trên GDP thấp hơn 55% lại có vấn đề. Những khoản nợ này phải được đầu tư vào những ngành có hiệu quả, có năng suất nhất. Nếu không, tăng nợ về lâu dài có nghĩa tăng chi tiêu công. Như vậy, tốc độ tăng trưởng cao cũng chỉ để dùng trả nợ cho Chính phủ mà thôi và nó sẽ khiến tỉ lệ nợ của chính phủ trên GDP sẽ thay đổi nhiều dòng đầu tư công đã không được dành cho những khu vực hiệu quả nhất trong những năm qua. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, trong lúc tốc độ tăng trưởng nợ tăng lên khiến tỉ lệ nợ trên GDP tăng lên. Do vậy, nếu đầu tư công hiệu quả, thì với một nền kinh tế như VN với tăng trưởng khoảng 8% có thể chấp nhận mức nợ 55%.

Ngoài ra, một trong những rủi ro mà VN đang đối mặt là liệu các ngân hàng có đủ vốn cung cấp cho nền kinh tế hay không, cần phải chú ý đến nợ tiềm ẩn của DN nhà nước, vì nó có thể khiến nợ công tăng trong tương lai.

Tôi cho rằng, rủi ro đối với triển vọng nói trên xoay quanh sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng và quy mô nợ xấu. Vấn đề nợ xấu bắt đầu lan rộng sang thị trường tiền tệ liên ngân hàng từ cuối năm 2011, khi một số ngân hàng không thể thu hồi vốn đã cho vay đối với cho các ngân hàng nhỏ hơn có tỉ lệ nợ xấu cao....

Cần phải chú ý đến nợ tiềm ẩn của DN nhà nước, vì nó có thể khiến nợ công tăng trong tương lai.

Tuấn Anh, Mai Thanh, Phan Nam, Phương Hà thực hiện

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Đổi mới để tồn tại và phát triển (23/04/2013)

>   CPI hai thành phố lớn tiếp tục giảm (22/04/2013)

>   Tỉ lệ thất nghiệp TP.HCM cao nhất nước (22/04/2013)

>   “Không bất thường GDP quý 1” (22/04/2013)

>   Việt Nam tiếp tục đứng trước thách thức cải cách thực sự (19/04/2013)

>   ESCAP: “Nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng” (18/04/2013)

>   Hàng thiết yếu đã tăng theo xăng (18/04/2013)

>   Những nhân tố gây áp lực tới CPI tháng 4 (18/04/2013)

>   Tổng cục trưởng Thống kê nói về con số GDP (15/04/2013)

>   Tăng trưởng GDP của quý 2 có thể thấp hơn quý 1 (15/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật