Tăng trưởng GDP của quý 2 có thể thấp hơn quý 1
Mặc dù kinh tế quý 1 năm nay duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (NCEIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố trong Báo cáo kinh tế quý 1, tăng trưởng kinh tế quý 2 năm nay sẽ ở mức thấp hơn so với quý 1, ước đạt khoảng 4,8%.
Còn nhiều thách thức
Báo cáo của NCEIF cho thấy trong quý 1 kinh tế vẫn còn hàng loạt các khó khăn thách thức như sản xuất công nghiệp giảm; tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu đến từ khu vực FDI; thu chi ngân sách đạt mức thấp; tăng trưởng tín dụng yếu; nợ xấu vẫn ở mức cao… Các khó khăn này đang gây cản trở đến đà phục hồi kinh tế trong các quý tiếp theo.
Theo NCEIF, do lực cầu yếu, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thấp, chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng chậm, hàng tồn kho cao. Trong quý 1, ngành khai khoáng, khai thác dầu thô chiếm tỷ trọng lớn nhưng chỉ số sản xuất cũng chỉ tăng rất thấp (3,8%); sản xuất, chế biến thực phẩm là ngành lớn nhất của công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chỉ tăng 3,1% (cùng kỳ năm trước tăng 11,8%).
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm như sản xuất đồ uống không cồn, sản xuất giấy nhăn và bao bì, sản xuất sợi và dệt vải. Đối với khu vực xây dựng, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng đã có tác động tiêu cực đến ngành sản xuất có liên quan trực tiếp như vật liệu xây dựng, sắt thép, ximăng…
Về xuất khẩu, mặc dù có mức tăng trưởng nhưng các chuyên gia của NCEIF cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu do khu vực FDI. Nếu tính theo khu vực kinh tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu là 19,2 tỷ USD, chiếm tới trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tăng 25,6% so với cùng kì năm trước. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này có thấp hơn so với tốc độ tăng của quý 1/2012 (44,3%) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về phía nhập khẩu, doanh nghiệp FDI cũng chiếm tới 55% tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt mức 16,1 tỷ USD. Khu vực này xuất siêu gần 1,31 tỷ USD. Điều này thể hiện kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng, cán cân thương mại được cải thiện chủ yếu là do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi khu vực sản xuất trong nước vẫn trì trệ.
Trong báo cáo, NCEIF nhận định, dòng vốn FDI đang có xu hướng giảm. Mặc dù quý 1 năm nay, tỷ lệ vốn của khu vực FDI chiếm khoảng 26,16% tăng 1,37% so với quý 1/2012 nhưng so với hai quý cùng kỳ trước đó (quý 1/2010 và quý 1/2011) thì tỷ lệ này giảm tương ứng là 6,33 điểm % và 2,7 điểm %.
Về tình hình tài chính ngân sách, trong quý 1, tình hình thu chi ngân sách đạt mức thấp gây thâm hụt ngân sách. Tính đến 15/1 năm nay, tổng thu ngân sách ước chỉ đạt khoảng 16,7% dự toán thu ngân sách cả năm. Thu ngân sách đạt thấp nhất tính từ năm 2008, cụ thể, thu ngân sách chỉ đạt 16,7% dự toán năm; trong khi đó, con số này đều lớn hơn 18,5% từ năm 2009 đến 2012. Giá trị thu và chi ngân sách tính đến 15/3 ước đạt lần lượt là 136.300 tỷ đồng và 171.900 tỷ đồng. Như vậy, tính đến giữa tháng 3/2012, thâm hụt ngân sách ước đạt (-) 35.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn ở mức rất cao (trung bình trên 14%/năm). Theo đó, tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế chưa có dấu hiệu gia tăng, thể hiện ở mức tăng trưởng dư nợ âm trong quý 1 năm nay. Cùng với đó, nợ xấu vẫn chưa giảm (6% trong quý 1 vừa qua), đặc biệt là nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản.
Tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn thể hiện nền kinh tế chưa hấp thụ được vốn. Rõ ràng vòng “luẩn quẩn: lãi suất, nợ xấu, tín dụng” đã và đang làm giảm khả năng lưu thông dòng tiền cũng như quá trình phục hồi của nền kinh tế. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn vẫn còn tiếp tục. Đây là một trong những lý do khiến tăng trưởng kinh tế quý I/2013 đạt ở mức thấp,” theo báo cáo.
Nhanh chóng cụ thể hóa các chính sách của Chính phủ
Đánh giá nguyên nhân của những khó khăn thách thức trên, Báo cáo của NCEIF cho rằng, nhiều chính sách của Chính phủ mặc dù được ban hành sớm, tuy nhiên việc triển khai, cụ thể hóa các chính sách trong thực tế còn chậm, không đáp ứng yếu cầu hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02-NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chính sách vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ, một số vấn đề chưa được giải quyết, vẫn đang là nhân tố làm cản trở quá trình phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.
Trước tình hình đó, để ổn định nền kinh tế, tiến tới phục hồi sản xuất kinh doanh, trong thời gian tới, NCEIF cho rằng cần triển khai nhanh các chính sách của Chính phủ vào thực tế. Theo đó, rà soát lại các chính sách và văn bản pháp luật của các cấp, loại bỏ các quy định bất hợp lý, sửa đổi, bổ sung và triển khai ngay trong thực tế các cơ chế chính sách có hiệu quả và liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần tập trung phá vỡ vòng xoáy “nợ xấu, lãi suất, tín dụng” nhằm khơi thông dòng tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp thúc đẩy sức mua của nền kinh tế.
Báo cáo nhấn mạnh: “Hiện nay, cầu tiêu dùng đang suy giảm là một trong những nguyên nhân chính làm tăng trưởng kinh tế trì trệ, các doanh nghiệp khó khăn. Để vực dậy nền kinh tế cần phải có những biện pháp kích thích tiêu dùng như giảm giá cả, tạo thêm việc làm mới, tăng lương cho cán bộ, nhân viên, công nhân.”
Dự báo về tăng trưởng quý 2, các chuyên gia của NCEIF cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới là không nhiều, trong khi các khó khăn trong nước chưa giảm, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn, sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại…
Chính vì vậy, GDP quý 1 sẽ có mức tăng trưởng thấp, thậm chí là thấp hơn mức tăng trưởng của quý 1, nếu không tận dụng được các yếu tố thuận lợi của quốc tế. Tăng trưởng GDP quý 2 này sẽ ở mức khoảng 4,8%; trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,6%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,1%, khu vực dịch vụ tăng 5,7%. Dự báo quý 2 CPI tăng khoảng 3,2% so với tháng 12/2012.
Quốc Huy
vietnam+
|