Hiệu quả bình ổn giá
TPHCM có 4 chương trình bình ổn thị trường thực hiện đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau và gắn với 4 nhóm mặt hàng thiết yếu, giúp cho giá cả hàng hóa luôn ổn định
Năm 2013, có đến 64 doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình với tổng số mặt hàng (thuộc 4 nhóm lương thực - thực phẩm, sữa, dược phẩm và mặt hàng phục vụ mùa khai giảng) lên đến 350.
Vì người tiêu dùng
Hơn 10 năm qua, chương trình bình ổn thị trường TP trải qua một số giai đoạn. Từ năm 2002-2007: bình ổn giá trong những tháng cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, khởi đầu chương trình với 2 DN Nhà nước là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Lương thực TP, số DN tham gia tăng lên qua từng năm. Từ năm 2007-2009, chuyển từ cơ chế tạm ứng sang cơ chế cho vay không lãi ủy thác thông qua Quỹ Đầu tư phát triển đô thị (nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP).
Đến năm 2010, chương trình được triển khai trong cả năm. Cũng từ năm này, số vốn các DN vay rất nhỏ so với phần vốn DN tự đầu tư cho cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị và tạo nguồn hàng thiết yếu. Đặc biệt, một số DN không nhận vốn hỗ trợ từ chương trình. Càng về sau, chương trình càng được xã hội hóa cao, nhiều DN hoàn toàn không nhận vốn vay lãi suất ưu đãi hoặc chỉ nhận một phần vốn vay khi tham gia chương trình.
Khách hàng mua trứng gà bình ổn giá tại Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM)
|
Hằng năm, TP phải chi từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng hỗ trợ vốn vay lãi suất 0% cho DN. Đỉnh điểm là năm 2011, TP phải chi ngân sách hơn 410 tỉ đồng lãi suất 0% cho chương trình bình ổn thị trường. Càng về sau, các DN càng chủ động giảm nhận vốn ưu đãi: năm 2012, 25 DN tham gia chương trình (tăng 5 DN so với năm 2011) nhưng chỉ nhận tổng cộng gần 270 tỉ đồng và đến năm 2013, DN hoàn toàn không nhận vốn lãi suất 0%. Thay vào đó, từ sự kết nối của chương trình, 5 ngân hàng Agribank, Eximbank, Sacombank, BIDV và VietinBank sẽ cho các DN vay 1.960 tỉ đồng (trong đó, nguồn vốn dành cho việc tổ chức sản xuất - kinh doanh và dự trữ hàng hóa cung ứng thị trường được tính lãi suất 6%, nguồn vốn hỗ trợ DN đầu tư các dự án sản xuất, chăn nuôi trung dài hạn lãi suất 10%). Đây là nỗ lực lớn của các DN và cả TP.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết mục tiêu của chương trình bình ổn là tạo điều kiện đưa nguồn hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng nên khuyến khích các DN phát triển hệ thống phân phối, nhất là mở điểm bán ở các chợ truyền thống, KCX-KCN, các quận - huyện vùng ven. Hiện TP có hơn 6.400 điểm bán hàng bình ổn, song song đó là gần 700 chuyến bán hàng lưu động, kết hợp tổ chức các phiên chợ công nhân, sinh viên…
Cũng từ đó, đã xuất hiện các mô hình liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, góp phần nâng cao quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa TP và các địa phương; giúp các DN an tâm đầu tư con giống, công nghệ và trang thiết bị hiện đại cho quá trình sản xuất, chăn nuôi; tạo điều kiện cho các DN chủ động phối hợp, liên kết với các DN tỉnh bạn để có thêm nguồn hàng thực hiện bình ổn.
Theo bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, cái lợi lớn nhất của DN tham gia chương trình không phải là được cung ứng vốn, giới thiệu mặt bằng kinh doanh… mà là được quảng bá thương hiệu, tuyên truyền sản phẩm.
Căng như dây đàn!
Các DN tham gia bình ổn thị trường TP cho biết họ thường xuyên căng như dây đàn bởi trách nhiệm với chính quyền và với cộng đồng: Bảo đảm nguồn cung ứng bằng hoặc hơn mức cam kết để có thể chi phối thị trường (chiếm 12%-30% thị trường ngày thường và 30%-40% thị trường trong tháng Tết), đầu tư chiều sâu để vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất - kinh doanh.
Không chỉ liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu, đầu tư trang trại chăn nuôi, các DN bình ổn còn gắn chặt với hệ thống phân phối để đưa hàng bình ổn giá ra thị trường. Trong những đợt sốt giá gạo, đường diễn ra trước đây, cả DN sản xuất - kinh doanh và DN phân phối đã nỗ lực lớn trong việc cung ứng nguồn hàng giá bình ổn làm đối trọng với hàng cùng chủng loại đang sốt giá trên thị trường, góp phần “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” các cơn sốt.
Gần đây nhất, đầu tháng 1-2013, trứng gà trên thị trường đột ngột tăng giá 30% do một công ty (nước ngoài) tự ý đẩy giá bất hợp lý, làm xảy ra hiện tượng thu gom trứng và khan hàng cục bộ. Trước diễn biến đó, với sự chỉ đạo sát sao của TP, 2 DN trứng tham gia bình ổn là Ba Huân và Vĩnh Thành Đạt không những không tăng giá mà còn tăng cung gấp 2-3 lần so với ngày thường. Ba Huân còn tổ chức các chuyến xe lưu động bán trứng tại các chợ, khu dân cư. Saigon Co.op thì một mặt tăng đặt hàng từ các DN bình ổn, mặt khác từ chối nhận phân phối trứng của công ty ngoại nói trên. Nhờ đó, chỉ trong 1 tuần, giá trứng đã trở về mức bình thường.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, kể: Vào mùa cao điểm, siêu thị, cửa hàng báo hết hàng, cần phải “châm” gấp. Gặp phải giờ cấm xe tải, Vissan phải chữa cháy bằng cách gọi taxi chở thịt đem giao. Ba Huân cũng vậy, đội xe 30 chiếc của công ty không kịp giao hàng, phải thuê taxi hoặc nhờ nhà phân phối (Saigon Co.op) đưa xe đến kho công ty chở trứng về các điểm tiêu thụ.
“Gắn bó với chương trình đã nhiều năm, hiểu được ý nghĩa của chương trình nên chúng tôi sẵn sàng tăng ca làm hàng, tăng bán hàng để góp phần bình ổn thị trường. Nhiều người gặp tôi, khen làm bình ổn vậy là tốt. Tôi vui lắm” - bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, thổ lộ.
Lan tỏa rộng, chuyên nghiệp hơn
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chương trình bình ổn thị trường TP đã đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa lớn, ngày càng hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn, đã trở thành một trong những công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, thiết thực, định hướng, dẫn dắt thị trường. Hiệu quả của chương trình bình ổn, cộng với việc triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách gỡ khó cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp DN thành công trong việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) TPHCM ở mức 4,07%, thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân cả nước là 6,81%.
|
Thanh Nhân
Người Lao động
|