Thứ Tư, 24/04/2013 23:10

Cạn kiệt cầu tiêu dùng và niềm tin thị trường

Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng sức mua cạn kiệt, niềm tin thị trường giảm sút, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay.

Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nói: “Tôi không tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm trong 4 tháng đầu năm nay như công bố của các cơ quan nhà nước”.

“Ngay bát phở ăn sáng đã lên tới 50.000 đồng, giá rửa xe máy lên 20.000 đồng ở Hà Nội mà vẫn nói chỉ số giá tiêu dùng giảm thì chẳng thuyết phục được ai”, ông nói tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013 và các thách thức” do Viện Kinh tế Tài chính, thuộc Học viện Tài chính tổ chức ngày 24-4 tại Hà Nội.

Ông Phú cho rằng, một hộ gia đình trung bình đã phải tăng chi tiêu cho lương thực thực phẩm lên tới 60% thu nhập hàng tháng từ mức 45% trước đây.

“Cuộc sống của hầu hết người dân đều đi xuống vì đã phải thắt chặt hầu bao để chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu như ăn uống”, ông nói.

Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng một hộ gia đình trung bình đã phải tăng chi tiêu cho lương thực thực phẩm lên tới 60% thu nhập hàng tháng từ mức 45% trước đây.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đồng ý điểm này khi cho rằng niềm tin của thị trường đã cạn kiệt.

“Người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu, nhà đầu tư không đưa vốn vào sản xuất chứng tỏ niềm tin đang cạn kiệt” “Khủng hoảng niềm tin trên thị trường bất động sản là đáng sợ nhất so với rất nhiều khó khăn khác”, ông nói thêm.

Sức mua và niềm tin tiêu dùng cạn kiệt đã ghi dấu ấn mạnh vào nền kinh tế với lượng tồn kho rất cao.

Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính Nguyễn Ngọc Tuyến, cho biết, tỷ lệ giá trị hàng tồn kho so với giá trị sản xuất hàng tháng của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ tháng 7-2012 đến cuối tháng 2-2013 luôn ở mức cao khoảng 69 - 93%.

Ông cho biết, tỷ lệ tồn kho ở mức an toàn trong điều kiện sản xuất và tiêu thụ bình thường phải là 65%.

“Hiểu nôm na, doanh nghiệp sản xuất ra 100 chiếc áo, chỉ bán được 7 chiếc, còn lại 93 chiếc đang ế”, ông Tuyến giải thích.

Theo ông Tuyến, những ngành có tồn kho cao nhất là sản xuất xe có động cơ tăng 147,3%, sản xuất giường, tủ, bàn ghế 144,9%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 142%, sản xuất và chế biến thực phẩm 102,3%.

Trong khi đó, sức sản xuất lại giảm sút mạnh thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp trong quí 1-2013 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm.

Ông nói: “Hàng hóa không bán được khiến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thương mại bị ảnh hưởng, ngân sách bị thất thu… cái vòng luẩn quẩn của nền kinh tế rất đáng lo ngại”.

Trong khi đó, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, năm 2013 là năm tích tụ tất cả những khó khăn kinh tế kéo dài suốt từ 2008.

Ông cho rằng, nút thắt của nền kinh tế vẫn là nợ xấu, hàng tồn kho, sản xuất trì trệ trong khi nguy cơ lạm phát vẫn thường trực dù sức cầu đang gần như cạn kiệt.

Tuy nhiên, những gợi ý chính sách đưa ra tại hội thảo gần như không có gì đột phá so với những kiến nghị của các chuyên gia khác đưa ra gần đây.

Ông Long nói: “Theo tôi đã đến lúc Việt Nam cần chuyển từ chính sách ổn định tổng cầu sang chính sách trọng cung để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2013 và những năm tiếp theo”.

Ông giải thích, chính sách trọng cung, dựa trên 3 nền tảng cơ bản.

Thứ nhất, giảm mạnh các mức thuế và phí để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và mở rộng thị trường, còn người tiêu dùng tăng tiết kiệm và tiêu dùng.

Thứ hai, tiến hành mạnh mẽ các biện pháp cải thiện thị trường vốn thông thoáng, chính sách điều tiết giá phù hợp với cơ chế thị trường tạo điều kiện cho cung cầu gặp nhau, từ đó duy trì trang thái cân bằng cung cầu trên thị trường.

Và cuối cùng, chính sách tiên tệ vừa phải - không mở rộng “nới lỏng” liên tục hay thu hẹp” thắt chặt” quá mức, nhưng phải ổn định.

Ông Long nói: “Chuyển từ chính sách ổn định tổng cầu sang chính sách trọng cung sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn trong khi vẫn duy trì lạm phát ở mức thấp”.

Theo các chuyên gia, tình trạng kinh tế hiện nay là hệ luỵ của chính sách phát triển quá nóng trong thời gian dài vừa qua. Chẳng hạn, các doanh nghiệp nhà nước có tổng dư nợ tín dụng tới 1,3 triệu tỉ đồng đến cuối năm 2012, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82.

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là 8,6%; nợ của nền kinh tế tồn đọng trong bất động sản là hơn 1 triệu ngàn tỉ đồng (50 tỉ đô la Mỹ, gần bằng 50% GDP của cả nền kinh tế).

Tư Hoàng

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Hiệu quả bình ổn giá (24/04/2013)

>   CPI tháng 4 làm ngân hàng ngoại bất ngờ (24/04/2013)

>   Tiền ít vẫn ham dự án mới (24/04/2013)

>   CPI cả nước tháng 4 tăng 0.02% (24/04/2013)

>   CPI thấp chưa hẳn đã mừng (24/04/2013)

>   Nợ công có đáng ngại ? (23/04/2013)

>   Đổi mới để tồn tại và phát triển (23/04/2013)

>   CPI hai thành phố lớn tiếp tục giảm (22/04/2013)

>   Tỉ lệ thất nghiệp TP.HCM cao nhất nước (22/04/2013)

>   “Không bất thường GDP quý 1” (22/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật