Thứ Sáu, 12/04/2013 21:49

Ngành điều thích nhập “rác”

Liên tục những năm gần đây, các doanh nghiệp VN đua nhau nhập điều thô về chế biến xuất khẩu, dù điều thô nhập từ châu Phi vẫn bị xếp vào loại “rác điều” do chất lượng xấu và nhiều tạp chất.

Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã nhập gần 60.000 tấn điều thô và dự kiến sẽ nhập 400.000 tấn trong năm 2013. Trong khi đó, nguyên liệu điều trong nước bị chê có giá cao, lại không đủ cung ứng khi diện tích điều ngày càng thu hẹp.

Nhiều vườn điều tại Bình Phước bị phá bỏ để chuyển sang trồng cao su

Tăng nhập khẩu

Cuối năm 2012, Công ty TNHH chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (Tanimexco) ký hợp đồng với khách hàng châu Phi mua 1.500 tấn điều thô nguyên liệu. Tuy nhiên, khi hàng về đến nơi mới phát hiện hàng có chất lượng kém, chưa kể có hiện tượng điều cũ trộn với điều mới, khác xa với thỏa thuận ban đầu.

“Chỉ riêng lô hàng này, sau khi đem chế biến xuất khẩu, chúng tôi bị lỗ khoảng 4 tỉ đồng” - ông Nguyễn Đức Thanh, giám đốc Tanimexco, cho biết.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Đồng Nai cho biết các lô điều nhập từ châu Phi có chứa rất nhiều tạp chất như vỏ điều, cành cây mục và hạt điều đã mọc mầm. “Khi mở lô hàng ra trông như một đống rác. Nếu không có biện pháp kiểm soát điều nhập khẩu thì VN không nhập điều mà nhập rác, đổ rác giùm cho châu Phi” - vị giám đốc này cho biết.

Tuy nhiên, việc hạn chế nhập khẩu điều của châu Phi rất khó khăn do công suất của ngành điều VN đã vượt quá 800.000 tấn/năm, tức là vượt hơn hai lần sản lượng điều trong nước. Ông Phạm Văn Công, phó chủ tịch Hiệp hội điều VN (Vinacas), cho biết so với điều VN thì đúng là chất lượng điều nhập thấp hơn nhưng để ngăn chặn nhập khẩu điều thô về VN là rất khó. VN thiếu điều để chế biến nên các doanh nghiệp buộc phải ký nhập khẩu.

Hơn nữa, theo ông Thanh, hiện giá điều trong nước cao hơn nhiều so với giá điều nhập khẩu nên chủ trương của Vinacas là cố gắng nhập khẩu điều nguyên liệu với giá rẻ để cân đối với giá mua trong nước. “Theo tính toán của chúng tôi, với giá điều thô trong nước nhập kho ở mức 27.000-29.000 đồng/kg hiện nay thì doanh nghiệp xuất khẩu điều đang bị lỗ 330 USD/tấn. Trong khi đó, nếu nhập khẩu điều thì các doanh nghiệp sẽ có lời 180 USD/tấn” - ông Thanh nói.

Theo một chuyên gia ngành điều, nhiều nước châu Phi có nguồn điều nguyên liệu chất lượng tốt nhưng số nguyên liệu tốt đều được xuất sang Ấn Độ để chế biến, còn hàng thải mới bán cho các doanh nghiệp VN. Do đó, càng nhập khẩu nguyên liệu điều nhiều thì chất lượng điều xuất khẩu của VN sẽ giảm sút. “Sự thật là điều nhập khẩu chất lượng xấu, tỉ lệ nguyên liệu nhập khẩu càng cao thì chất lượng điều VN càng xấu” - ông Thanh nói.

“Thủ phủ điều” chặt điều

Theo ông Hồ Ngọc Cầm - nguyên chủ tịch Vinacas, nếu ngày càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu mà không có chiến lược duy trì và phát triển vùng nguyên liệu trong nước thì nguy cơ VN đánh mất lợi thế cạnh tranh cũng như ngôi vị xuất khẩu số 1 thế giới là rất cao. Hiện nay các nước châu Phi đang tăng cường phát triển ngành chế biến tại chỗ thay vì xuất điều thô. “Họ đã tích cực mua máy móc và công nghệ chế biến điều của VN, thậm chí thuê các chuyên gia ngành điều của VN với mức lương rất cao để phát triển ngành chế biến điều của họ. Tương lai họ sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu điều nhân của VN” - ông Cầm cho biết.

Trong khi đó, VN vẫn chưa có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu một cách hiệu quả, không có doanh nghiệp nào liên kết với người dân đầu tư vùng nguyên liệu điều mà chỉ mua qua hệ thống thương lái. Năng suất thấp nên khó cạnh tranh với các loại cây công nghiệp khác như cà phê, cao su, hồ tiêu. Dù giá năm nay cao hơn năm ngoái nhưng chỉ ở mức 23.000-25.000 đồng/kg điều tươi ở đầu vụ nên dù chưa hết vụ, nhiều nông dân đã bán củi cả vườn điều để lấy đất trồng cao su.

Sau hơn 12 năm gắn bó với cây điều, đầu tháng 3-2013, ông Ba ở tỉnh Bình Phước quyết định phá trắng hơn 1,2ha điều để trồng cao su. Mặc dù đã đầu tư hơn 3 triệu đồng để chăm sóc vụ vừa qua nhưng vườn điều của ông Ba chỉ thu được hơn 700kg. Với giá 23.000-24.000 đồng/kg, ông Ba nhẩm tính 1,2ha điều của ông chỉ cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/năm. “Mấy năm qua điều thất mùa, giá thấp trong khi các nông sản khác đều tăng nên tôi quyết định chặt điều để trồng cao su” - ông Ba giải thích.

Cách ông Ba không xa, ông Lê Văn Ngọc đang dọn đất trong vườn rộng 2ha trước đây trồng điều chờ mưa xuống trồng cao su. “Tôi đã định chặt điều để trồng cao su hai năm trước nhưng còn lưỡng lự vì vẫn mong giá cả tăng nhưng nay đành phải bỏ” - ông Ngọc phân trần. Hiện tượng phá trắng vườn điều chuyển sang trồng cao su và các loại cây trồng khác diễn ra rầm rộ, rộng khắp ở thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập - những địa phương chuyên canh điều của “thủ phủ điều” Bình Phước.

Gần một tháng qua, ông Nguyễn Văn Ngọc (thị xã Phước Long, Bình Phước) bận túi bụi vì ngày nào cũng có người gọi điện đến kêu bán nguyên vườn điều. Mọi năm ông Ngọc còn phải đi tận các vườn hỏi mua củi điều thì năm nay cưa không kịp do người dân bán quá nhiều. “Chỉ trong vòng một tháng qua đã có hàng trăm hecta điều thuộc địa bàn thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập được người dân đốn hạ để trồng cao su” - ông Ngọc cho biết.

Trần Mạnh - Bùi Liêm

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   OFID cho VN vay vốn phát triển hạ tầng nông thôn (12/04/2013)

>   FTA và cuộc rượt đuổi của xuất khẩu - nhập siêu (12/04/2013)

>   Doanh nghiệp Việt vì sao không lớn được? (12/04/2013)

>   Niềm hy vọng kéo doanh nghiệp trở lại thị trường (12/04/2013)

>   Chính sách vốn cá tra triển khai như thế nào (12/04/2013)

>   Liên kết trong công cuộc “mang chuông đi đánh xứ người” (12/04/2013)

>   Nhiều DN phản đối mức khống chế chi phí quảng cáo (12/04/2013)

>   Tổng giám đốc Peugeot: 'Bỏ ngỏ Việt Nam là thiếu sót' (12/04/2013)

>   Sớm áp dụng thuế suất mới cho báo chí (12/04/2013)

>   5 năm nữa, dệt may chủ động nguyên phụ liệu (11/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật