Niềm hy vọng kéo doanh nghiệp trở lại thị trường
“Chính phủ cần nhanh chóng thành lập Quỹ phát triển DNNVV (có thể trích một phần từ nguồn vốn của SCIC) để tạo nguồn vốn ủy thác cho các NHTM tập trung vốn dài hạn cho DNNVV”, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI đưa ra khuyến nghị.
DN thêm lạc quan
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong quý I/2013, có 7.645 DN đã quay trở lại hoạt động (bằng 58% của tổng số 13.011 DN ngừng hoạt động cả nước trong thời gian này).
Nhìn lại năm 2012, có 54.261 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 6,29% so với năm 2011, trong đó, giải thể 9.355 DN tăng 22,9%, ngừng hoạt động là 44.906 DN.
Theo kết quả khảo sát trực tuyến của Viện Phát triển DN (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI), trong năm 2012, thời gian ngừng hoạt động trung bình của DN là 3,6 tháng, DN có thời gian phải ngừng ít nhất là nửa tháng và DN phải ngừng nhiều nhất là 1 năm. Ba lý do chính khiến DN phải ngừng hoạt động là do không tìm được thị trường đầu ra (28,6%), do thiếu vốn (21,4%), do giá vật liệu cao (17,9%).
Ủy thác nguồn vốn Quỹ phát triển DNNVV cho các NHTM để tập trung vốn dài hạn cho DNNVV
|
“Rõ ràng, khó khăn lớn nhất của DN là vấn đề giải quyết hàng tồn kho, vấn đề thị trường đầu ra”, TS. Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI phát biểu. Theo VCCI, với dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn, 58,3% số DN có xu hướng giữ nguyên quy mô sản xuất kinh doanh; trong năm 2013 30,5% DN có thể mở rộng quy mô kinh doanh; 10,4% DN có thể giảm quy mô kinh doanh. Nhưng con số DN dự kiến có thể ngừng hoạt động hoặc đóng cửa giải thể rơi vào khoảng 1%. “Đây là xu hướng tương đối lạc quan của DN về năm 2013 so dự cảm của DN hồi năm 2012”, theo bà Hằng.
VCCI cho rằng, cho dù dự báo “còn tiếp tục khó khăn”, nhưng với sự phục hồi ban đầu, DN đã nhìn thấy cơ hội nên quyết định mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Đó là cơ hội xuất khẩu gia tăng, cải thiện thị trường đầu ra và sẵn có lao động có tay nghề với chi phí cạnh tranh.
Lý do thứ hai khiến DN quyết định mở rộng quy mô, đó là nhờ chính sách ưu đãi thuế và các chương trình hỗ trợ DN.
Lý do thứ ba mới là triển vọng kinh tế và mở cửa thị trường có nhiều thuận lợi, môi trường pháp lý và cơ sở hạ tầng được cải thiện, thị trường trong nước có dấu hiệu phục hồi, là nguyên nhân tiếp theo.
Mong thêm trợ lực tài chính
Quay trở lại “nỗi ám ảnh hàng tồn kho” của DN và tình trạng tổng cầu suy giảm của nền kinh tế, VCCI cho biết, những DN được khảo sát đều đã tìm mọi cách để giải quyết. 49% số DN đã tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, điều này cũng phù hợp với dự cảm cơ hội xuất khẩu gia tăng. 34,7% DN giảm giá bán và 13,2% DN đưa hàng về nông thôn.
Trong khi tự xoay sở để đẩy hàng ra, DN cũng luôn luôn mong chờ những giải pháp trợ giúp từ Chính phủ. Theo DN, biện pháp mà DN mong chờ đó là hạn chế tối đa nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết, 24,1% DN cho rằng Chính phủ nên thiết lập các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu, 23,2% cho rằng cần có các chương trình xúc tiến thương mại và có 8,3% DN cho rằng Chính phủ nên tăng cường mua tạm trữ hàng hóa.
Giải pháp lúc này là Nhà nước cần có một cách tiếp cận phù hợp hơn khi thiết kế các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là đối với DNNVV, cần tăng cường hơn nữa các chính sách về trợ giúp, khởi sự DN để mỗi đồng vốn và sức lao động của doanh nhân bỏ ra được sinh sôi nảy nở. Cần xác định rõ mục tiêu chính sách và nhóm đối tượng hỗ trợ cần được xác định rõ ràng, để từ đó chính sách sẽ tạo điều kiện kinh doanh chứ không chỉ dừng lại những ưu đãi hậu kinh doanh như giãn, giảm thuế thu nhập DN.
Cho dù cơ hội đã xuất hiện, các giải pháp của Chính phủ đã tạo động lực cho DN quay trở lại hoạt động nhưng khó khăn về vốn vẫn còn đó. Trong khi đó, không ít các NHTM đang dư thừa thanh khoản. Và giải pháp rất hữu ích lúc này đó là cần củng cố hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng; đồng thời đa dạng hóa các hình thức thế chấp, tín chấp (thuê mua, thấu chi, thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay...) để khu vực DNNVV dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, qua đó tạo đà tăng trưởng tín dụng.
“Chính phủ cần nhanh chóng thành lập Quỹ phát triển DNNVV (có thể trích một phần từ nguồn vốn của SCIC) để tạo nguồn vốn ủy thác cho các NHTM tập trung vốn dài hạn cho DNNVV”, bà Hằng đưa ra khuyến nghị.
“Nhiều khả năng sản xuất kinh doanh sẽ dần lấy lại nhịp độ. Cộng thêm điều kiện hạ tầng tiện ích như điện, nước, xử lý chất thải tốt hơn, nhiều con đường mới hoàn thành, giao thông thuận tiện, hàng hóa vận chuyển nhanh chóng và sự cải thiện lớn trong khả năng tiếp cận thông tin thị trường và công nghệ đã giúp DN giảm thời gian và chi phí. Và DN tự tin hơn khi mở rộng quy mô”.
Ông Đỗ Ngọc Quan – Giám đốc Công ty Đông Quan
“Chính sách ưu đãi thuế và các chương trình hỗ trợ DN của Chính phủ được xếp thứ hai chứng tỏ những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua đã có những tác động tích cực. Rất nhiều DN xem đó là một trong những lý do để họ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2013.
TS. Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI
|
Linh Đan
thời báo ngân hàng
|