Thứ Ba, 02/04/2013 09:41

Dừng các dự án xi măng: Không dễ!

Nhằm tránh viễn cảnh khủng hoảng thừa 40 triệu tấn xi măng năm 2020, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần xem xét, rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành xi măng. Tuy nhiên, việc dừng dự án đã trên đà triển khai không hề đơn giản.

Phân tích thực trạng ngành xi măng hiện nay, TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, chịu ảnh hưởng mạnh của khủng hoảng tài chính, nhu cầu xi măng nội địa trong giai đoạn 2011-2013 ước tính sẽ sụt giảm khoảng 14-15 triệu tấn, đến năm 2015, nhu cầu ước tính khoảng 60-65 triệu tấn (quy hoạch dự báo 75 - 76 triệu tấn). Bởi vậy, nếu tiếp tục đầu tư theo quyết định số 1488 của Chính phủ, đến năm 2015, tổng công suất các nhà máy xi măng sẽ đạt khoảng hơn 94 triệu tấn, thừa 25 triệu tấn và đến năm 2020, con số này lên tới gần 130 triệu tấn, dư thừa trên 40 triệu tấn.

 Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, sản lượng tiêu thụ xi măng trong tháng 2 đã giảm mạnh hơn 50% so với tháng 1-2013 và giảm 49% so với cùng kỳ, giá xi măng được giữ tương đối ổn định. Trong đó, thị trường miền Bắc có lượng tiêu thụ lớn nhất với 42%, tiếp đó là miền Nam 33% và miền Trung 25%. Dự kiến tiêu thụ trong tháng 3 có thể tăng mạnh trở lại.

Theo TS Trần Văn Huynh, ngoài lý do thuộc về kinh tế khó khăn, một phần lý do chính dẫn tới dư thừa xi măng là việc quy hoạch đầu tư, nhiều dự án không được phép song vẫn được đầu tư. Ở nhiều địa phương còn diễn ra tình trạng loạn dự án đầu tư nhỏ. Nhiều DN không có chuyên môn về xi măng nhưng vẫn chạy theo phong trào, không tính toán nhu cầu thị trường. Trên thực tế, hiện nay dù có 46 công ty sản xuất kinh doanh xi măng, nhiều thương hiệu, nhiều đầu mối song nhiều DN không có năng lực quản lý, thiếu vốn, sản xuất kinh doanh thua lỗ đã phá sản và đứng bên bờ vực phá sản.

Trong kế hoạch cho năm 2013, đa phần các DN đều nhận ra sự mất cân đối cung – cầu thị trường và áp dụng những chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh khá khiêm tốn.

Ngay với "ông lớn” Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) với 8 DN nhỏ, năm 2012 cũng kết thúc với tổng sản phẩm tồn kho là 1,39 triệu tấn. Do đó, trong năm 2013, mục tiêu sản xuất và tiêu thụ dừng ở 19 – 20 triệu tấn, doanh thu 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 500 tỷ đồng, duy trì thu nhập cho người lao động bằng năm 2012, tức là các chỉ tiêu đều tương đương hoặc chỉ tăng nhẹ so với năm 2012.

Kiến nghị dừng, đưa ra khỏi quy hoạch các dự án không phù hợp là điều hoàn toàn dễ hiểu. Những dự án được đề nghị là xem xét lại 9 dự án xi măng lò quay công suất 2500 tấn clanhke/ngày, dự kiến đầu tư giai đoạn 2016 - 2030, có công nghệ trung bình, không còn phù hợp với sự phát triển của ngành xi măng hiện đại. Đưa ra khỏi quy hoạch 9 dự án chuẩn bị đầu tư song công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng lớn, năng suất lao động thấp, ô nhiễm môi trường.

Song, cũng theo TS Trần Văn Huynh, không dễ để dừng lại các dự án xi măng đã lên "dây cót”. Với các dự án nhỏ, khi DN thấy không hiệu quả thì có thể dừng dự án, nhưng không loại trừ khả năng địa phương lại cố chấp muốn thực hiện tiếp vì quyền lợi. Những dự án đã được cấp phép, thông thường đã tiến hành san nền, đền bù giải phóng mặt bằng, nếu dừng lại tức là chấp nhận tiền bồi thường, tiền trả cho dự án sẽ mất. DN muốn dừng lại nhưng e ngại không thể xử lý hậu quả. Chuyển giao dự án cho DN khác cũng không dễ, nhất là với dự án nhỏ.

Bên cạnh đó, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo, hiện các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 33% công suất toàn ngành, có tình trạng DN bán dự án cho DN ngoại như xi măng Chinfon và xi măng Thăng Long đã bán cho Tập đoàn Semen Gresik Indonesia, bao gồm cả dự án xi măng Thăng Long mở rộng và dự án xi măng An Phú - Bình Phước (Nam Bộ). Xi măng là mặt hàng chiến lược quan trọng gắn với tài nguyên không tái tạo, vị trí mỗi nhà máy xi măng gắn với an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia, do đó, khi Nhà nước cho phép đầu tư, cần cân nhắc lựa chọn chủ đầu tư đủ năng lực tài chính, trình độ quản lý, vận hành, tránh tình trạng đầu tư xong không trả được nợ vay, đem bán cho nước ngoài, nhất là các dự án nằm ở vùng nguyên liệu đá vôi hiếm như vùng Đông Nam Bộ, vùng biên giới.

Với xuất khẩu, vốn được coi là một giải pháp khả thi để giải phóng hàng tồn kho cho DN, song, để tránh tình trạng phá giá, cạnh tranh kém lành mạnh giữa các DN, trong thời gian tới, nên có một đầu mối thống nhất thị trường, tạo mặt bằng giá xuất khẩu hợp lý theo nguyên tắc không phá giá, không thấp hơn giá bán nội địa.

Vũ Phong

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Thúc đẩy xuất khẩu 2013 (02/04/2013)

>   Chính sách đúng: Chìa khóa cho tăng trưởng ngành (02/04/2013)

>   Cho phép xuất khẩu 200.000 tấn đường (02/04/2013)

>   Không cho tăng giá hàng hóa không liên quan đến xăng (01/04/2013)

>   "Tháng Tư chưa có phương án điều chỉnh giá điện" (01/04/2013)

>   Tồn kho hàng hóa còn cao (01/04/2013)

>   Xuất siêu, khối doanh nghiệp FDI vẫn đang thắng thế (01/04/2013)

>   Cuộc chiến xử lý nợ của Vinashin: “Túm” từng đồng bạc cắc! (01/04/2013)

>   Da giày xuất khẩu vào EU được hưởng ưu đãi GSP trở lại (01/04/2013)

>   "Sản xuất công nghiệp sẽ khả quan hơn trong quý II" (01/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật