Thúc đẩy xuất khẩu 2013
Để có thể đạt được mục tiêu tổng kim ngạch XK 126,1 tỉ USD năm 2013, tăng 10% so với năm 2012, kiểm soát nhập siêu ở mức 8% kim ngạch XK, cần phải nhận diện những khó khăn, thách thức và cơ hội của năm 2013… Đó là những nội dung được các chuyên gia đề cập tại diễn đàn XK 2013 “Đối thoại cùng Tham tán thương mại”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức vừa qua.
Các DN tìm kiếm đối tác tại diễn đàn XK năm 2013.
|
Cơ hội và thách thức
Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khó khăn đầu tiên cho XK năm 2013 nằm trong khâu phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, đầu ra cho XK. Nguyên nhân là do hầu hết các thị trường XK trọng điểm của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều phải đối mặt với những vấn đề nội tại.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm, xu hướng bảo hộ dự kiến sẽ gia tăng, Chính phủ các quốc gia sẽ tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ DN trong nước thông qua chính sách tỉ giá, các biện pháp kĩ thuật, các biện pháp chống bán phá giá. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Lãi suất bình quân cho vay tuy đã giảm xuống còn 12-13%/năm nhưng vẫn còn quá cao so với nguồn vốn vay của các DN FDI. Nợ xấu và hàng tồn kho tiếp tục là hai điểm nghẽn của nền kinh tế, ảnh hưởng đến tăng XK của các DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, vẫn còn nhiều thuận lợi cho hoạt động XK của Việt Nam trong năm 2013. Về thị trường XK, các nước như Mỹ, EU và Nhật đều đã và đang tung ra các gói kích cầu tiêu dùng, gián tiếp tạo thuận lợi cho XK của Việt Nam. Ở trong nước, kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ, ngoại hối ổn định. Việc triển khai tích cực của các bộ, ngành về nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, XK đã từng bước phát huy được tác dụng.
Cần chuyên nghiệp hơn
Phân tích về từng thị trường cụ thể, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, với tiềm năng thị trường lớn và môi trường pháp lí, kinh tế ngày càng thuận lợi, các DN Việt Nam có thể tìm thấy nhiều cơ hội XK sang thị trường Nhật Bản.
Mặc dù vậy, yêu cầu khắt khe về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường này cũng như sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác đã và đang là những thách thức đối với các DN Việt Nam. Do vậy, trong năm 2013, để có thể đạt được 29 tỉ USD kim ngạch XK vào thị trường Nhật, bên cạnh việc thực hiện các thỏa thuận và hiệp định thương mại giữa hai bên, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) nhằm đẩy mạnh lộ trình giảm thuế đối với hàng nông lâm, thủy sản, cần tiếp tục xây dựng kí kết các thỏa thuận hợp tác về vệ sinh an toàn thực phẩm giữa cơ quan quản lí hai nước, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thỏa thuận chấp nhận các phòng kiểm tra chất lượng của nhau nhằm đơn giản hóa thủ tục XNK…
Từ một góc nhìn khác, ông Vũ Cường, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar cho biết, người tiêu dùng Myanmar rất ưa chuộng các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam nhờ chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mất thương hiệu quốc gia do trong thời gian qua nhiều DN Việt Nam đã đội lốt hàng Trung Quốc để tiêu thụ tại Myanmar nên uy tín của các DN Việt Nam đang dần giảm sút.
Ngoài ra năng lực tiếp cận thị trường của DN Việt Nam còn yếu. DN Việt Nam sang Myanmar mới chỉ chủ yếu tìm nhà phân phối, chưa có chiến lược tiếp cận bài bản, chưa chú trọng xây dựng hình ảnh sản phẩm. Do vậy, nếu không có chiến lược dài hạn và cách tiếp cận bài bản, không xây dựng được hình ảnh thương hiệu DN, quốc gia thì sẽ không thể thúc đẩy được hoạt động XK tại thị trường này.
Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Bảo, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia cho rằng, các DN làm ăn ở nước ngoài nếu không có chiến lược làm ăn lâu dài, bài bản sẽ rất dễ xẩy ra tranh chấp. Trong thời gian qua, tình trạng gian lận thương mại của các DN Việt Nam tại nước ngoài xảy ra khá phổ biến, trong đó chiếm đa số các vụ khiếu nại là từ các DN của Australia. Điều này đang ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh DN Việt Nam đối với các DN nước ngoài.
Từ những thách thức và cơ hội của hoạt động XNK trong năm 2013, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đẩy mạnh XK bao gồm các giải pháp về tài chính, tín dụng, đầu tư; các giải pháp về phát triển thị trường, đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các giải pháp tăng cường quản lí nhà nước, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động XK, kiểm soát NK.
Về phía Bộ Công Thương, sẽ theo dõi sát những diễn biến của thị trường thế giới cũng như môi trường kinh doanh trong nước để hỗ trợ cho DN một cách kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, tín dụng, lãi suất... Đặc biệt, để hạn chế tối đa thiệt hại cho các DN XK khi xảy tranh chấp thương mại, Bộ Công Thương sẽ chú trọng đến việc cung cấp các thông tin về cảnh báo sớm về nguy cơ tranh chấp thương mại, cũng như những hướng dẫn liên quan đến quy trình, cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Nguyễn Huế
Hải Quan
|