Không cho tăng giá hàng hóa không liên quan đến xăng
Các mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá sẽ không được cơ quan chức năng cho phép tăng giá nếu không liên quan trực tiếp hoặc có mức tăng cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua.
Nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh tự ý tăng giá sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Bản thân doanh nghiệp, người kinh doanh cũng đang phải nỗ lực giữ giá bán sau khi xăng tăng vì sức mua hiện đang rất thấp
|
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh những mặt hàng thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, gas… sẽ tiếp tục là đối tượng được cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá.
Cơ quan chức năng ở đây là sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng phải theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa, gas, cước vận tải… để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố có biện pháp thích hợp để bình ổn giá.
Ngoài ra, còn phải chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, sản xuất có sử dụng nhiều nhiên liệu từ xăng dầu cải tiến công nghệ, áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động... để giảm giá thành, hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu đến giá bán sản phẩm.
Các đơn vị này cũng phải báo cáo giá cả thị trường định kỳ và đột xuất; báo cáo về việc thực hiện các công tác kể trên trên địa bàn vệc Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính trước ngày 5-4 để bộ này nắm tình hình.
Toàn bộ các nội dung trên là thực hiện công văn số 3847 /BTC-QLG về việc tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá mà Cục Quản lý giá ban hành sau khi giá xăng vượt 24.500 đồng hôm 28-3.
Mục tiêu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và hạn chế các hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá dây chuyền, tăng giá không phù hợp.
Minh Tâm
tbktsg
|