Xuất siêu, khối doanh nghiệp FDI vẫn đang thắng thế
Quý I/2013 cả nước xuất siêu 482 triệu USD, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì bên cạnh tín hiệu đáng mừng về khả năng phục hồi sản xuất thì năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước vẫn là bài toán nan giải.
* "Sản xuất công nghiệp sẽ khả quan hơn trong quý II"
Doanh nghiệp FDI vẫn xuất siêu
Tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác tháng Ba do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/4, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, kim ngạch xuất khẩu cả nước tháng ba ước đạt 11 tỷ USD, tăng gần 54% so với tháng trước. Tính chung quý I, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 19,7% so cùng kỳ năm 2012.
Theo người đứng đầu Vụ Kế hoạch, xuất khẩu hàng hoá quý I/2013 đạt được nhiều kết quả nổi bật, "Mặc dù nghỉ tết âm lịch kéo dài nhưng xuất khẩu mỗi tháng vẫn đạt gần 10 tỷ USD đồng thời tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 19,7% cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu Quốc hội thông qua là 10%," ông Vỵ nói.
Tỷ trọng của các nhóm hàng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, tăng dần nhóm hàng công nghiệp chế biến. Cụ thể, quý I năm 2013 tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 69,7%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm từ 10,45% xuống còn 8,84%; nhóm hàng nông lâm sản giảm từ 19% xuống còn 15,8%.
Đáng chú ý, quý I đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong đó mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện lần đầu tiên vượt qua dệt may vươn lên vị trí đứng đầu, đạt 4,48 tỷ USD; tiếp đến dệt may đạt 3,79 tỷ USD; máy vi tinh, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trên 2,42 tỉ USD; dầu thô đạt 1,89 tỷ USD; thuỷ sản đạt 1,26 tỷ USD...
Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, thủy sản đang có dấu hiệu chững lại; trong đó, xuất khẩu gạo tháng Ba đạt 706,438 nghìn tấn, tăng khoảng 3,6% so với cùng kỳ, nhưng lại giảm về giá trị là 3,1%. Còn mặt hàng thủy sản đạt giá trị 500 triệu USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, việc tạm trữ 1 triệu tấn gạo đã tác động tích cực, tạo điều kiện cho thị trường sôi động lên và giá cả thời điểm đó đã tăng từ 100-300 đồng/kg, nhưng chủ trương này chỉ mang tính tình thế và nhiều doanh nghiệp vẫn không mua trực tiếp của người dân nên lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay trung gian.
"Người nông dân hiện vẫn rất khó khăn, trong ba năm gần đây, giá gạo đã giảm 1.000 đồng/kg lúa, đời sống khó khăn do vậy liên bộ Tài chính-Công thương cần xem xét để đẩy giá sàn gạo lên, giúp nông dân cải thiện thu nhập," ông Toại nêu ý kiến.
Còn về nhập khẩu, quý I ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,1 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm tỷ trọng 55,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập khẩu ước đạt hơn 13 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 44,5%.
Như vậy, tính chung quý I cả nước xuất siêu 482 triệu USD. Và trong khi khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 2,6 tỷ USD, thì khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu hơn 3,1 tỷ USD.
Cần nhiều cú hích cho DN nội
Xét về tổng thể thì kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2013 có thể là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thì nội lực của doanh nghiệp 100% vốn trong nước vẫn yếu, trong khi "công" chính vẫn là của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) của khối này đạt 17,36 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2012 trong khi các doanh nghiệp 100% vốn trong nước so với cùng kỳ năm 2012 chỉ tăng 10,1%, ước đạt 10,4 tỷ USD, chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, cho biết xét về cơ cấu mặt hàng thì sự tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp trong khối FDI đóng góp đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện quý I đạt 4,48 tỷ USD; còn máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng đạt trên 2,42 tỷ USD...
"Nếu trừ đi mặt hàng điện thoại di động và linh kiện của Samsung thì quý I/2013 chỉ còn tăng trưởng xuất khẩu 13% so với cùng kỳ, điều này cho thấy xuất khẩu đang giảm tốc," thứ trưởng Khánh nhận xét.
Đánh giá bức tranh xuất nhập khẩu quý I/2013, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, qua quan sát cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, thì đóng góp nhiều nhất vẫn là mặt hàng điện tử, điện thoại di động, tiếp đến là dệt may...
Đây chủ yếu là các mặt hàng gia công, lắp ráp và doanh nghiệp FDI vẫn luôn mạnh hơn các doanh nghiệp vốn 100% trong nước. Chính vì vậy, theo ông Phong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, cụ thể là làm thế nào để tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cần phải được xem xét đẩy mạnh.
Tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh đến một loạt các giải pháp để giúp các doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn; trong đó tập trung mạnh vào các vấn đề về vốn, thủ tục hành chính và thị trường...
Bộ trưởng cho biết, bên cạnh Nghị quyết 01 và 02 đang triển khai thì các buổi làm việc với Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để lắng nghe những ý kiến phản hồi cũng sẽ được bộ tăng cường nhằm tìm ra các giải pháp kịp thời, cũng như cung cấp những thông tin về thị trường, chống bán phá giá giúp doanh nghiệp định hướng và có chiến lược kinh doanh phù hợp.
"Bộ sẽ đôn đốc các đơn vị theo dõi sát sao những biến động của thị trường thế giới để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hạn chế những rủi ro trong kinh doanh đồng thời thực hiện tốt việc mua tạm trữ hàng hóa để giữ giá xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đáo hạn ngân hàng...góp phần thúc đẩy xuất khẩu," Bộ trưởng nói.
Đức Duy
Vietnam+
|