Thứ Sáu, 26/04/2013 18:30

Cải tổ là con đường tất yếu

Để tái cấu trúc DNNN đạt hiệu quả, chuyên gia TS. Matheson khuyến nghị, cần tập trung cải thiện sự minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của DNNN. Đồng thời, mục tiêu cải cách cần hướng tới việc tạo ra sân chơi bình đẳng thông qua việc chấm dứt hỗ trợ tín dụng cho các DNNN và khuyến khích cạnh tranh trong các ngành mang tính “độc quyền tự nhiên” hiện nay.

Lợi thế làm giảm động lực sáng tạo

Chiếm lĩnh các ngành công nghiệp chủ chốt; có mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ; được ưu ái trong việc tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, tài sản cố định và các yếu tố đầu vào cho sản xuất khác... đã và đang là những lợi thế rất lớn mà DNNN có.

Những tưởng với những lợi thế đó, khu vực DNNN sẽ khai thác hiệu quả và biến nó thành những sức mạnh nội lực để kinh doanh hiệu quả nhưng thực tế những năm qua cho thấy một thực tế trái ngược: Hiệu quả kinh doanh và sử dụng vốn thấp; quản trị yếu kém; trách nhiệm giải trình thấp; tạo ra những rủi ro tài khóa lớn; làm méo mó nguồn lực phân bổ đầu tư...

Tái cấu trúc là con đường duy nhất để DNNN hoạt động hiệu quả hơn

Bà Thornton Matheson, chuyên gia kinh tế cao cấp của IMF nhận xét, dù trong những năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân, nhờ đó đã giúp cải thiện đáng kể mức tăng trưởng về việc làm và đóng góp của khu vực này vào nền kinh tế. Nhưng thực tế cho thấy, các DNNN vẫn chiếm tỷ trọng lớn cả về nhân công, tài sản, doanh thu và thuế.

Đặc biệt từ những năm 2000, các khoản tín dụng có hỗ trợ từ Chính phủ cho các DNNN tăng đáng kể. Với khả năng tiếp cận vốn dễ dàng, nhiều DNNN đã “mạnh tay” vay mượn để đầu tư vào tài sản cố định, gia tăng sức mạnh về vốn và đẩy mạnh đầu tư ngoài ngành, nhất là vào các lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán...

Thế nhưng hiệu quả sử dụng vốn và các hoạt động đầu tư ngoài ngành ngày càng bộc lộ rõ những yếu kém, thể hiện ở tình trạng nợ nần của các DNNN ngày càng lớn, đặc biệt do hệ quả của đầu tư ngoài ngành vốn được xem là “mốt” trong thời gian trước đây.

Đến lúc này, có lẽ chỉ còn các DNNN có yếu tố “độc quyền tự nhiên” trong một số ngành như than, điện, nước, cao su... là vẫn duy trì được lợi nhuận tốt. Tuy nhiên theo TS. Matheson, điều này cũng chưa hẳn đã là yếu tố tích cực vì dẫn đến cạnh tranh ở các lĩnh vực này bị hạn chế, giá đưa ra không phản ánh đúng cung - cầu trên thị trường.

“Quan trọng hơn, chính vì có vị thế độc quyền tự nhiên như vậy nên nhiều DNNN không có nhu cầu phải sáng tạo, phải đổi mới, dẫn đến năng lực cạnh tranh thực tế sẽ không tốt lên”, bà Matheson nhận định.

Mục tiêu cải cách cần hướng tới việc tạo ra sân chơi bình đẳng thông qua việc chấm dứt hỗ trợ tín dụng cho các DNNN và khuyến khích cạnh tranh trong các ngành mang tính “độc quyền tự nhiên” hiện nay, bà Thornton Matheson, khuyến nghị.

Cải tổ là tất yếu

Những phân tích trên chỉ là một phần trong các lý do khiến các chuyên gia IMF hoan nghênh việc Việt Nam xác định tái cấu trúc DNNN là một trong những trọng tâm cải cách hiện nay.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của TS. Matheson, kế hoạch tái cơ cấu DNNN được đưa ra trong năm 2012 vẫn cần xem xét thêm bởi còn sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước đối với DNNN; chưa có sự phân định rõ ràng giữa trách nhiệm sở hữu và trách nhiệm điều tiết của Nhà nước; thiếu cơ chế kiểm soát hiệu quả các nhà quản lý của DNNN và các kế hoạch đầu tư của các DN này...

Để tái cấu trúc DNNN đạt hiệu quả, chuyên gia này khuyến nghị, cần tập trung cải thiện sự minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của DNNN. Đồng thời, mục tiêu cải cách cần hướng tới việc tạo ra sân chơi bình đẳng thông qua việc chấm dứt hỗ trợ tín dụng cho các DNNN và khuyến khích cạnh tranh trong các ngành mang tính “độc quyền tự nhiên” hiện nay.

Kế hoạch cải cách cũng cần đưa ra được những biện pháp mang tính vững chắc. Trong đó, cần làm rõ và đẩy mạnh việc giám sát của Chính phủ, quyết liệt buộc các DNNN thoái vốn khỏi các ngành nghề chuyên môn không phải là chính, cải thiện chế độ kiểm toán và kiểm soát. Đồng thời, cần hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của luật phá sản, có các biện pháp để làm rõ vấn đề pháp lý xử lý các khoản lỗ của DNNN và thúc đẩy cổ phần hóa mạnh mẽ hơn.

Một điểm quan trọng khác mà tái cơ cấu DNNN cần đặt ra liên quan đến vấn đề chi phí tái cơ cấu. Theo bà Matheson, nói đến chi phí là nói tới những gánh nặng về nợ xấu, về tư nhân hóa, về nguồn để tái cấp vốn cho DNNN...

Cũng liên quan đến vấn đề chi phí nhưng tiếp cận ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Từ, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, quan trọng nhất là phải có nguồn lực để khi đưa người lao động ra khỏi DNNN thì phải có đền bù, hỗ trợ phù hợp. Cũng theo ông Từ, vai trò của Nhà nước thường tập trung nhiều ở phần tạo công ăn việc làm mới cho người lao động sau tái cơ cấu.

Ngoài ra, khi tiến hành bất cứ cải cách nào thì những vấn đề trước hết cần quan tâm là cải cách về pháp luật. Theo đó, liên quan đến cải cách DNNN, các chuyên gia cho rằng sẽ cần sự điều chỉnh, sửa đổi của ít nhất 3 luật là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Lao động. Đơn cử, khi cải cách DNNN thì một vấn đề đặt ra là cơ chế trả lương, cơ chế tuyển dụng sẽ phải khác đi rất nhiều. Vậy chúng ta sẽ phải sửa đổi về Luật Lao động như thế nào để đảm bảo phù hợp?

Đỗ Lê

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Phân phối iPhone tại VN: Tranh "miếng táo cắn dở" (26/04/2013)

>   Cổ phần hóa cảng Sài Gòn (26/04/2013)

>   Vận tải hàng không VN nhường sân cho nước ngoài (26/04/2013)

>   Chỉ số niềm tin kinh doanh trong quý 1 tăng mạnh (25/04/2013)

>   Gần 3.000 doanh nghiệp ở Hà Nội ngừng hoạt động (25/04/2013)

>   Bốn tháng, cả nước thu hút hơn 8,2 tỷ USD vốn FDI (25/04/2013)

>   Tập đoàn bia lớn nhất thế giới sắp tiến vào Việt Nam (25/04/2013)

>   Xe ô tô 5 chỗ sắp đại hạ giá (25/04/2013)

>   'Săn mỏ vàng' Myanmar: DN Việt lạc quan trong thận trọng (25/04/2013)

>   Người Myanmar thích hàng "made in Vietnam" (24/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật