Thứ Năm, 25/04/2013 07:46

'Săn mỏ vàng' Myanmar: DN Việt lạc quan trong thận trọng

Với việc Mỹ và Phương tây đang từng bước tháo dỡ bao vây cấm vận đối với Myanmar, cùng với những cải cách ấn tượng của Chính phủ, “mảnh đất màu mỡ cuối cùng của Châu Á” đang trở thành “điểm nóng” trong thu hút đầu tư từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Tiềm năng “mảnh đất vàng”

Thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Myanmar đã được tăng cường, đặc biệt là từ năm 2010 cả ở cấp độ Nhà nước, Hiệp hội và DN. Theo ông Chu Công Phùng – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại CHLB Myanmar, muốn đánh giá thị trường Myanmar một cách thật khách quan cần xem xét tổng thể những yếu tố thuận lợi và kông thuận lợi, những cái bất biến và những cái khả biến.

Ông Chu Công Phùng cho biết, đất nước này có nhiều điểm khá hấp dẫn. Gần 2 năm qua Chính phủ mới Myanmar đang cải cách và đổi mới chính sách và cơ chế kinh tế theo hướng từng bước tư nhân hóa nền kinh tế quốc dân, nhất là trong lĩnh vực: viễn thông, năng lượng, điện, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, tài chính; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi các nguồn viện trợ quốc tế; cải tổ luật đất đai; phát triển nguồn nhân lực; ….

Với mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình trong kế hoạch 5 năm (2011-2015) là 7,7%/năm; Chính phủ Myanmar hy vọng GDP đầu người sau 5 năm nữa sẽ tăng 1,7 lần, đạt khoảng 850 triệu/người so với hiện nay (500 USD/người) và có thể cao hơn nữa. Chính phủ Myanmar cũng đã thiết lập xong được 3 khu kinh tế trọng điểm là khu kinh tế trọng điểm Dawei; khu công nghiệp trọng điểm Thilawa; khu kinh tế trọng điểm Kyaukphyu.

“Mảnh đất màu mỡ cuối cùng của Châu Á” đang trở thành “điểm nóng” trong thu hút đầu tư từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam

Người dân Myanmar có đặc điểm cần cù thông minh, sống giản dị. Chữ "tín" trong giao dịch kinh doanh được đặc biệt coi trọng, họ cũng chấp hành luật pháp rất tốt.

Ông Soe Thet Naung - Tham tán Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam cho rằng, kinh tế Myanmar năm 2013 hứa hẹn sẽ khả quan hơn năm 2012, các cơ hội đầu tư mới vào Myanmar dự kiến sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi cơ chế vận hành, thể chế được hỗ trợ và triển khai hiệu quả hơn. Ông Soe Thet Naung nhấn mạnh, Luật Đầu tư nước ngoài mới của Myanmar được xem là một giải pháp về cải cách trong lĩnh vực đầu tư.

Ủy ban kinh tế hỗn hợp của hai nước Việt Nam - Myanmar đặt mục tiêu đến năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 500 triệu USD, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Myanmar đạt 1 tỷ USD.

Rào cản không nhỏ

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã cấp phép cho 7 dự án đầu tư sang Myanmar với tổng vốn đăng ký khoảng 460 triệu USD, đứng thứ 6 trong tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, dự án dầu khí tại vùng biển Tây Nam của Myanmar với tổng vốn đăng ký 135,9 triệu USD, dự án khai thác đá màu tại Rakhine của công ty Simco Sông Đà, với tổng vốn đầu tư 18m1 triệu USD. Dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ trên diện tích 8ha ngay tại Yangon-Myanmar, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 300 triệu USD. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm với tổng vốn đăng ký 10 triệu USD của Công ty cổ phần dược phẩm Ánh sao Việt….

Ngoài các dự án nêu trên, còn một số dự án đầu tư quan trọng đang trong giai đoạn nghiên cứu và đàm phán với Chính phủ và các Bộ, ngành của Myanmar để triển khai đầu tư như dự án mở đường bay quốc tế và nội địa của VietnamAirline, dụa án mở ngân hàng tại Myanmar của BIDV….

Ông Soe Thet Naung – Tham tán-Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam cho biết, hiện nay, Myanmar đã thu hút được 477 công ty nước ngoài đến từ 32 quốc gia và hoạt động trên 12 lĩnh vực đầu tư vào Myanmar. Tính tới tháng 2/2013, tổng giá trị đầu tư vào Myanmar được cam kết là 42.095 triệu USD, trong đó, Việt Nam đang đứng thứ 9 với 0.37 triệu USD, chiếm 1% tổng vốn đầu tư vào thị trường này.

Trong nhiều năm qua nhiều hoạt động giữa hai nước đã tích cực, tuy nhiên, khó khăn khi thâm nhập vào thị trường Myanmar cũng không phải nhỏ. Ông Lê Phụng Thắng – Tổng giám đốc Citicom - một trong những DN đang thực tế tham gia đầu tư vào thị trường Myanmar chia sẻ, thị trường Myanmar nếu biết cách khai thác sẽ là một trong những “mỏ vàng” cho các DN Việt, tuy rằng sẽ có không ít khó khăn.

Bằng thực tế của DN mình, ông Thắng nêu bật những khó khăn lớn mà các DN, đặc biệt là các DNVVN muốn đầu tư vào thị trường này đó là: Chi phí cao (chi phí tìm hiểu thị trường, duy trì thị trường, ăn ở, thủ tục hành chính…); Tính cách con người Myanmar rất an phận, chuyên môn tay nghề còn thấp, tính thích nghi chưa cao,… Đặc biệt, việc tìm kiếm nguồn nhân sự cấp cao để quản lý DN tại thị trường Myanmar là rất khó khăn.

Một kinh nghiệm rút ra theo ông Thắng là, DN khi tham gia vào thị trường mới nổi này cần phải chọn lọc những mặt hàng mang tính lợi thế của Việt Nam. “Những hàng hóa bán tốt ở hội chợ chưa chắc đã kinh doanh tốt trên thị trường sản xuất” – ông Thắng nói. Vì thế, DN nên tiến hành khảo sát bằng thực tiễn bằng việc thuê những người chuyên khảo sát thị trường Châu Á hơn là bằng những cảm nhận chủ quan. Điều quan trọng tiếp theo là phải tìm được đối tác tốt.

Ông Hoàng Thịnh Lâm - nguyên Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar nêu rõ, thông tin về thị trường Myanmar không nhiều, hệ thống viễn thông quốc tế tại đây còn lạc hậu. Môt đặc điểm là do chuyển đổi từ chính phủ quân sự sang chế độ dân chủ tự do, nên tư duy quản lý phần nào vẫn bị quân sự hóa.

Một khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Myanmar là do chưa có ngân hàng nước ngoài nào hoạt động, cùng với sự thiếu ngoại tệ trầm trọng nên việc thanh toán, chuyển tiền ra vào Myanmar gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chủ yếu thanh toán qua ngân hàng Singapore. Tuy nhiên, ông Hoàng Thịnh Lâm cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam không nên quá lo lắng bởi dự án mở ngân hàng tại Myanmar của BIDV sắp tới sẽ khắc phục điều này.

Cơ chế quản lý xuất - nhập khẩu ở Myanmar còn nhiều thủ tục hành chính. Thủ tục đầu tư nước ngoài, mở Văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại Myanmar chậm và phiền phức. Luật Đầu tư do mới ban hành nên quá trình thực hiện bước đầu sẽ cũng vấp phải những khó khăn chưa lường hết.

Để đầu tư kinh doanh thành công ở Myanmar, cần nghiên cứu ký thị trường Myanmar trước khi thâm nhập. Ông Chu Công Phùng nhấn mạnh, những mặt hàng không thuộc thế mạnh của Việt Nam, không phải là "100% Made in Vietnam" (như lắp ráp ôtô, xe máy, điện thoại di động, máy tính điện tử...) khó tiêu thụ được ở Việt Nam thì cũng khó tiêu thụ được ở Myanmar. Vì vậy, cần phát huy những sản phẩm của nổi bật của Việt Nam.

Ông Vũ Văn Chung – Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: trong thời gian tới, về định hướng và giải pháp thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước sẽ là đẩy mạnh các hoạt động thông qua các Hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam tại Myanmar, xúc tiến và tạo điều kiện thuận lợi để các DN Việt mở các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm tại Myanmar; đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp hpeps, bảo đảm đúng tiến độ, sớm đi vào hoạt động, đem lại hiệu quả thiết thực và động lực để thúc đẩy gia tăng mạnh mẽ các hoạt động hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar…

Một vài điểm nổi bật trong luật đầu tư mới của Myanmar:

- Các nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mà không cần tới sự huy động vốn của các đối tác trong nước

- Tỷ lệ sở hữu giữa các đối tác liên doanh cũng có thể do các đối tác quyết định

- Ủy ban đầu tư Myanmar có quyền cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực không được phép (như ngành thủy sản và nông nghiệp)

- Nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê đất từ Chính phủ hoặc từ các chủ sở hữu được cấp phép trong vòng 50 năm căn cứ vào loại hình đầu tư, quy mô đầu tư và việc cấp phép này có thể được gia hạn 2 lần mỗi lần cấp hpeps có thể kéo dài 10 năm

- Công ty nước ngoài có thể được hưởng chính sách ưu đãi về thuế trong 5 năm đầu tiên và các hình thức giảm thuế khác cũng có thể được áp dụng phụ thuộc vào lĩnh vực đầu tư đem lại lợi ích cho đất nước

- Các công ty sản xuất nước ngoài có thể được giảm thuế tới 50% lợi nhuận từ xuất khẩu. Miễn thuế hay giảm thuese có thể được áp dụng miễn là số tiền đó được tái đầu tư vào kinh doanh trong vòng 1 năm.


N.Phương

Diễn đàn DN

Các tin tức khác

>   Dồn vốn sang thị trường Myanmar (24/04/2013)

>   Myanmar-Indonesia ký nhiều thỏa thuận về kinh tế (24/04/2013)

>   Doanh nghiệp Việt khó chen chân tại 'mỏ vàng' Myanmar (23/04/2013)

>   Vinamilk sẽ xây nhà máy sữa ở Campuchia (22/04/2013)

>   IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Campuchia đạt 6,7% (19/04/2013)

>   ADB và WB lạc quan về nền kinh tế của Campuchia (15/04/2013)

>   Viettel 'đấu' với tỷ phú George Soros tại Myanmar (12/04/2013)

>   ADB: Kinh tế Campuchia tăng trưởng 7.2% năm 2013 (10/04/2013)

>   DMC: Lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Myanmar (09/04/2013)

>   Đại gia viễn thông chen chân vào Myanmar (05/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật