Thứ Tư, 24/04/2013 09:48

Bối rối chọn mặt gửi tiền

Sau cú “rơi tự do” của thị trường vàng quốc tế và diễn biến giá phi lý của thị trường vàng trong nước, tâm lý giữ vàng như một kênh trú ẩn an toàn của nhiều nhà đầu tư đã trở nên lung lay.

Sau hàng chục phiên đấu thầu liên tiếp cung cấp tới hơn 11 tấn vàng trong một thời gian rất ngắn của ngân hàng Nhà nước (NHNN), diễn biến trên thị trường vàng vẫn gây thất vọng lớn cho các nhà đầu tư.


Thời gian gần đây, người giữ vàng miếng lo lắng khi chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng quá cao, nên mua hay bán đều phải chịu thiệt nhiều

Vàng: sức hấp dẫn đã giảm?

Cụ thể, sáng hôm qua (23.4), NHNN tung ra thị trường 26.000 lượng (tương ứng với 1 tấn vàng), mức giá chào là 41,97 triệu đồng/lượng, cao hơn gần 200.000 đồng/lượng so với giá mua vào và thấp hơn chừng đó so với giá bán ra của các doanh nghiệp niêm yết cùng thời điểm. Toàn bộ 1 tấn vàng đã được các thành viên đấu thầu mua trọn, giá thấp nhất là 42,02 triệu đồng/lượng, cao nhất là 42,12 triệu đồng/lượng. Như vậy, đến thời điểm này, NHNN đã chào thầu tới 328.000 lượng vàng và bán được 289.400 lượng vàng, xấp xỉ 11,1 tấn vàng. Khách hàng của NHNN, vẫn chủ yếu là khối ngân hàng, để phục vụ cho nhu cầu tất toán trạng thái trước thời điểm 30.6.

Sau phiên đấu thầu, giá vàng SJC bán ra có thời điểm tăng lên 42,2 triệu đồng/lượng và giảm nhẹ vào cuối giờ chiều. Chốt phiên giao dịch buổi chiều, giá vàng SJC mua vào dao động từ 41,820 – 41,94 triệu đồng/lượng; bán ra 42,1 – 42,15 triệu đồng/lượng tuỳ doanh nghiệp. Chênh lệch giá mua – bán, cao nhất tại SJC là 300.000 đồng/lượng. So với giá vàng quốc tế (giá giao ngay, tại thị trường New York cùng thời điểm), giá vàng trong nước hiện đắt hơn khoảng 6,2 triệu đồng/lượng giá mua vào và 6,3 triệu đồng/lượng giá bán ra.

Mở cửa giao dịch trở lại phiên đầu tuần (22.4), giá vàng quốc tế đã tăng hơn 10 USD/ounce và tiếp tục tăng gần 20 USD/ounce sáng 23.4, sau đó điều chỉnh giảm nhẹ. Diễn biến khó lường của thị trường vàng quốc tế cộng với mức chênh lệch quá lớn của giá trong nước khiến cho nhà đầu tư dè dặt. Theo đại diện công ty vàng bạc Bảo Tín – Minh Châu, khởi đầu tuần mới, thị trường có dấu hiệu bình lặng hơn khi người dân và nhà đầu tư chờ đợi hướng đi rõ ràng hơn của giá vàng. Hôm qua (23.4), giao dịch đã sôi động hơn, cán cân mua – bán cân bằng song vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm bình thường.

Tuy nhiên, trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp vàng, cho biết, khách hàng bán vàng ra phần lớn vì sợ vàng còn tiếp tục giảm giá, trong khi khách mua vàng chủ yếu để đáp ứng nhu cầu cần thiết, như thanh toán, trả nợ. Điều đó cho thấy, kỳ vọng giữ vàng như một tài sản đảm bảo đã có xu hướng giảm xuống. Chị Nguyễn Mai Hoa, một nhà đầu tư mang vàng đi bán tại công ty vàng bạc Phú Quý, chia sẻ, ngoài những nhận định về xu hướng giảm của giá thế giới, chị còn cảm thấy đầu tư vàng quá nhiều rủi ro do giá trong nước không ngừng tăng khoảng cách với giá thế giới. “Khi mình cần bán thì các doanh nghiệp ghìm giá mua vào rất rẻ. Khi mình cần mua thì họ đẩy giá bán ra quá đắt”, chị Hoa nhận xét.

Gửi tiết kiệm: ít còn hơn không

Sức hấp dẫn của thị trường vàng giảm xuống, những người có chút tiền nhàn rỗi không khỏi bối rối lựa chọn kênh đầu tư. Bất chấp những bàn thảo về chính sách hỗ trợ, giá bất động sản, nhà ở vẫn tiếp tục rơi, điển hình là loại nhà ở đất nền và biệt thự và liền kề ở các đô thị vùng ven trung tâm, song thanh khoản vẫn gần như không có. Nhiều dự án căn hộ cùng tìm cách hạ giá bán sản phẩm và xu hướng giảm giá căn hộ vẫn chưa dừng lại, do vậy đầu tư bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa kể đòi hỏi lượng vốn khá dày. Dòng vốn vào thị trường chứng khoán có xu hướng giảm: khối lượng giao dịch trung bình trong tháng 3 tại sàn TP.HCM chỉ đạt 49,39 triệu đơn vị/phiên, giảm 35% so với bình quân của tháng 2 (76 triệu đơn vị/phiên) và giảm 40% so với tháng 1; giá trị giao dịch bình quân đạt 851 tỉ đồng/phiên, giảm lần lượt 26% và 27%. Tại sàn Hà Nội, so với tháng 2 và tháng 1, khối lượng giao dịch giảm lần lượt 42% và 50%; giá trị giao dịch giảm 45% và 46%. Ngoại hối cũng không nhiều hứa hẹn, khi thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình mới đây đã tuyên bố mục tiêu điều hành tỷ giá chỉ tăng tối đa 2% cả năm. Từ đầu năm 2013 tới nay, đồng USD cũng có hai đợt biến động là hồi cuối tháng 1 và tuần trước, song chỉ trong một thời gian ngắn với mức biến động không lớn.

Do vậy, lãi suất tiết kiệm dù đã liên tục giảm song vẫn là một sự lựa chọn phổ biến hiện nay. Tính đến 21.3, so với cuối năm 2012, tăng trưởng vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ đạt 0,1%, song tăng trưởng vốn huy động vẫn tăng 3,86%.

Nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính Lê Xuân Nghĩa, cho rằng, với tỷ suất lợi nhuận có thể tới trên dưới 10% (huy động kỳ hạn dài), tiết kiệm cũng vẫn là một kênh đầu tư “ổn” nhất hiện nay. Ông Nghĩa nói: “Dù lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm, gửi tiền vào ngân hàng vẫn là sự lựa chọn hợp lý, bởi lãi suất vẫn cao hơn lợi nhuận trung bình của tất cả các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng; cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Và gửi tiền tiết kiệm đặc biệt không rủi ro”.

Thảo Nguyễn

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Báo động chất lượng vàng nữ trang (24/04/2013)

>   Vàng giảm gần 1% lần đầu trong 4 phiên, bạc sụt 2.2% (24/04/2013)

>   Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới: "Rửa" vàng bằng cơ chế ? (24/04/2013)

>   Sai lầm trong quản lý thị trường vàng (24/04/2013)

>   Chuyên gia kêu gọi lập sàn vàng quốc gia (23/04/2013)

>   Chào thầu 1 tấn vàng vào ngày 24/4 (23/04/2013)

>   Một tấn vàng giá cao vẫn bán hết (23/04/2013)

>   Giá vàng trong nước dè dặt tăng (23/04/2013)

>   Vàng nhảy vọt qua mốc 1,420 USD/oz (23/04/2013)

>   Thanh tra Chính phủ “soi” thị trường vàng (22/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật