Thứ Tư, 24/04/2013 06:27

Sai lầm trong quản lý thị trường vàng

Việc độc quyền thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước đang làm phát sinh nhiều bất cập, không theo cơ chế thị trường và đi ngược với xu hướng thế giới

Ngày 3-4-2012, Nghị định 24/CP về quản lý thị trường vàng đã được ban hành thay thế Nghị định 174/CP (có hiệu lực từ ngày 25-5-2012). Theo đó, Ngân hàng (NH) Nhà nước sẽ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. Gần 1 năm sau, thị trường vàng ngày càng đầy rẫy xáo trộn, bất ổn. Vì sao?

Theo Nghị định 24/CP, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng

Độc quyền ngược xu thế

Theo NH Nhà nước, Nghị định 24 nhằm khắc phục những bất cập về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tăng cường quản lý, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại thị trường vàng theo hướng phát triển ổn định, bền vững…

Độc quyền vàng để khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cụ thể, NH Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và tiến hành kinh doanh vàng với vai trò người kiến tạo thị trường, mua bán cuối cùng. Từ 8 thương hiệu vàng miếng đang sản xuất, lưu thông trên thị trường, NH Nhà nước tuyên bố chỉ duy nhất SJC là thương hiệu vàng quốc gia.

Lý giải của một lãnh đạo NH Nhà nước, trong suốt 10 năm trước khi có nghị định, các tổ chức tín dụng được phép huy động, cho vay vàng và đầu tư vàng. Cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Mỗi khi giá vàng biến động, người dân đổ xô mua vàng làm một lượng tiền lớn chảy vào vàng nhưng không tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Hoạt động gom ngoại tệ nhập lậu vàng diễn ra, tỉ giá bị ảnh hưởng và tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ rất lớn. “Nhà nước phải lấy ngoại tệ nhập khẩu vàng để ổn định thị trường, tâm lý người dân và cuối cùng làm tăng lạm phát bởi Việt Nam là nước nhập khẩu lạm phát” - vị này phân tích.

Chính sách độc quyền thị trường vàng được kỳ vọng là sẽ giải quyết những bất cập trên. Không thể phủ nhận hiệu quả của nghị định là tỉ giá ổn định trong suốt năm 2012 và đầu năm 2013 đến nay. Hiện tượng nhập lậu vàng cũng được kiểm soát trong năm qua khi vàng lậu không còn “cửa” chuyển hóa thành vàng miếng SJC…

Tuy nhiên, bất cập phát sinh từ việc độc quyền một thương hiệu vàng, độc quyền thị trường vàng của NH Nhà nước đã và đang gây không ít xáo trộn thị trường, thiệt hại cho DN, người dân.

Hệ lụy

Không một NH trung ương nào trên thế giới độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng, bán vàng ra thị trường như cách Việt Nam đang áp dụng.

Khi chỉ còn SJC là thương hiệu duy nhất được tiếp tục sản xuất, các thương hiệu vàng còn lại phải đóng cửa sau nhiều năm gầy dựng. Hệ thống máy móc thiết bị hàng chục tỉ đồng phục vụ sản xuất vàng phải “đắp chiếu”. Giá các thương hiệu vàng miếng như Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, vàng AAA của Tổng Công ty Vàng Agribank… “rơi tự do” khi người dân lo ngại không được lưu thông đã rủ nhau bán tháo.

Tiệm vàng, DN quay sang ép giá mua vàng phi SJC của người dân. Ngay vàng SJC bao bì cũ, móp méo, cong vênh cũng bị tiệm vàng từ chối mua, đến Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) có lúc cũng không thu lại vàng của chính mình... Đến cuối năm 2012, theo số liệu của riêng Công ty SJC, đã có hơn 300 lượng vàng nhái, giả thương hiệu SJC được phát hiện. Không chỉ người mua vàng, cả NH thương mại cũng bị “dính quả” vàng SJC nhái.

Tại một hội thảo về vàng cuối năm ngoái, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đại Lai nhận xét: Nếu giá trị của vàng khắp nơi trên thế giới được đo bằng tuổi vàng thì Việt Nam do cơ chế cấm nửa vời nên tuổi vàng không quan trọng bằng miếng vàng đó mang logo gì! “Nhà nước cấm mọi loại vàng miếng nhưng trừ vàng miếng mang logo SJC (do được chọn làm thương hiệu vàng quốc gia - PV). Mọi loại vàng miếng khác muốn lưu thông hoặc phải biến thành đồ trang sức hoặc phải “đội mũ” SJC bất luận tuổi vàng đều là 99,99%” - TS Nguyễn Đại Lai bức xúc.

Chưa hết, từ cuối tháng 3 đến nay, NH Nhà nước tiếp tục can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng bằng cách nhập khẩu vàng, dập vàng miếng rồi cung ứng ra thị trường thông qua các phiên đấu thầu. Qua 10 phiên đấu thầu vàng, NH Nhà nước đã đưa ra thị trường 11,1 tấn nhưng giá vàng trong nước vẫn chênh lệch hơn 6 triệu đồng/lượng so với thế giới. Mục tiêu ban đầu là kéo sát chênh lệch giá đã bất thành!...

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng việc quản lý, kiểm soát và tiến tới thu hẹp thị trường vàng vật chất với hàng loạt thông tư theo chủ trương loại bỏ vàng ra khỏi hệ thống tín dụng, NH và tổ chức lại thị trường vàng là cần thiết. “Nhưng đến nay, hình ảnh dễ thấy vẫn là ngổn ngang thị trường vàng. Thay vì ở vai trò quản lý, kiểm soát, giám sát, cấp hạn ngạch nhập vàng… NH Nhà nước lại tiếp cận, điều hành việc sản xuất cung cầu vàng miếng cho thị trường, chỉ đạo hệ thống phân phối… mà lẽ ra để thị trường tạo lập trên nguyên tắc cung - cầu ” - ông Long nhìn nhận.

Thêm 1 tấn vàng được bơm ra thị trường

Ngày 23-4, phiên đấu thầu vàng miếng thứ 10 của NH Nhà nước với 26.000 lượng vàng (1 tấn vàng) tiếp tục được các đơn vị tham gia đấu thầu đặt mua hết. Mức giá sàn NH Nhà nước đưa ra là 41,97 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán ra trên thị trường cùng thời điểm khoảng 230.000 đồng/lượng. Giá trúng thầu thấp nhất là 42,04 triệu đồng/lượng và cao nhất 42,12 triệu đồng/lượng.

Gần cuối ngày, giá vàng miếng SJC ở mức 41,82 triệu đồng/lượng mua vào, 42,12 triệu đồng/lượng bán ra, giảm nhẹ so với cuối ngày hôm trước. Giá vàng thế giới ở mức 1.417 USD/ounce, tương đương mức 35,8 triệu đồng/lượng.


Kỳ tới: Huy động, cho vay vàng: Thiếu kiểm soát

Thái Phương

người lao động

Các tin tức khác

>   Chuyên gia kêu gọi lập sàn vàng quốc gia (23/04/2013)

>   Chào thầu 1 tấn vàng vào ngày 24/4 (23/04/2013)

>   Một tấn vàng giá cao vẫn bán hết (23/04/2013)

>   Giá vàng trong nước dè dặt tăng (23/04/2013)

>   Vàng nhảy vọt qua mốc 1,420 USD/oz (23/04/2013)

>   Thanh tra Chính phủ “soi” thị trường vàng (22/04/2013)

>   Bán thêm một tấn vàng (22/04/2013)

>   Bắt đầu thanh tra việc quản lý thị trường vàng (22/04/2013)

>   Vàng SJC vẫn cao hơn giá thế giới tới 6,3 triệu đồng (22/04/2013)

>   Bất chấp lỗ nặng, tỷ phú Paulson vẫn tin tưởng vàng (22/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật