Thanh tra Chính phủ “soi” thị trường vàng
Có hay không lợi ích nhóm trong quá trình quản lý vàng, độc quyền một thương hiệu vàng có đem lại lợi ích cho nhóm đối tượng nào… là điều người dân quan tâm khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước
Ngày 22-4, tại trụ sở Ngân hàng (NH) Nhà nước, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra trách nhiệm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NH Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, huy động và cho vay vốn bằng vàng. Thời kỳ thanh tra từ tháng 1-2009 đến tháng 3-2013, nếu thấy cần thiết có thể quyết định thanh tra trước hoặc sau thời kỳ này. Thời hạn thanh tra là 60 ngày làm việc, kể từ ngày 22-4.
Chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua vẫn chưa bình ổn được thị trường vàng. Trong ảnh: Khách hàng mua vàng tại SJC.
|
Quá nhiều bất cập!
Lần đầu tiên việc quản lý thị trường vàng của NH Nhà nước nằm trong kế hoạch trọng tâm nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ năm nay. Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2012, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết sẽ thanh tra thị trường vàng, tập trung vào công tác quản lý của NH Nhà nước.
Thực tế từ trước và sau khi Nghị định 24 ra đời (có hiệu lực từ tháng 5-2012), thị trường vàng trong nước liên tục xáo trộn. Từ 8 thương hiệu vàng miếng trên thị trường, NH Nhà nước tuyên bố chỉ duy nhất thương hiệu SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) trở thành thương hiệu vàng quốc gia do có vị thế độc quyền tự nhiên, chiếm hơn 90% thị phần.
Sau đó, các loại vàng phi SJC liên tục bị ép giá khiến người dân phải bán tháo; vàng nhái, giả hiệu SJC tung hoành… Đến khi NH Nhà nước chính thức can thiệp thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu, thị trường càng bất ổn khi giá vàng trong nước liên tục cao hơn thế giới ở mức kỷ lục.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đạt Chí nhận xét: Việc NH Nhà nước cho phép các NH thương mại bán một phần vàng huy động tồn quỹ lấy tiền đồng cho vay hưởng lãi suất cao rồi sau đó yêu cầu đóng trạng thái đến nay vẫn còn để lại nhiều hậu quả.
Một bài học cho khối NH thương mại khi nghĩ rằng giá vàng trong nước không thể vượt qua 37 triệu đồng/lượng nên đã đem bán vàng huy động lấy tiền đồng cho vay hưởng lãi suất cao trên thị trường tự do, cho vay liên NH…
Đến khi giá vàng phá ngưỡng 37 triệu đồng/lượng khiến các NH gánh chịu thua lỗ, phải mua vàng giá cao để đóng trạng thái. Và nay NH Nhà nước lại tiếp tục nhập khẩu vàng về bán cho thị trường trong nước bất chấp giá vàng biến động khó lường.
Có lợi ích nhóm?
Dù thời điểm tất toán trạng thái vàng liên tục được dời lại, hạn chót là ngày 30-6, nhưng thị trường vàng trong nước tiếp tục gánh chịu hậu quả khi lực cầu vàng của các NH thương mại vẫn rất lớn. Vì vậy, việc thanh tra thị trường vàng thời điểm này nhận được sự ủng hộ của dư luận. Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long đặt vấn đề: Việc NH Nhà nước cho phép các NH thương mại bán vàng huy động, sau đó phải đóng trạng thái khiến nhiều NH thua lỗ nặng. Thanh tra Chính phủ cần làm rõ có lợi ích nhóm trong việc quản lý này hay không?
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhận xét dù Thanh tra Chính phủ có đề án cụ thể cho việc thanh tra hoạt động quản lý thị trường vàng của NH Nhà nước nhưng một trong những điều dư luận quan tâm thời gian qua là cơ chế quản lý vàng miếng trong đấu thầu. Mục tiêu, lợi ích của việc đấu thầu ra sao. “NH Nhà nước nói rằng không đặt ra mục tiêu giá vàng trong nước về sát giá thế giới, vậy bao giờ đặt ra? Rồi lợi ích thu được từ việc độc quyền vàng là bao nhiêu, vào ngân sách Nhà nước bao nhiêu cũng cần làm rõ” - TS Nguyễn Minh Phong nói.
Theo ông, hiện giá vàng trong nước và thế giới đã chênh lệch trên 6 triệu đồng/lượng nhưng không thấy NH Nhà nước đề cập hiện tượng nhập lậu vàng. Trong khi trước đây, chỉ cần chênh lệch trên dưới 2 triệu đồng/lượng là nhập lậu vàng đã xảy ra ồ ạt, liệu có gì bất cập đằng sau vấn đề này?
PGS-TS Ngô Trí Long đặt ra vấn đề có lợi ích nhóm hay không trong quá trình NH Nhà nước đưa thị trường vàng về độc quyền 1 thương hiệu, rồi tiến hành đấu thầu vàng miếng theo kiểu “vừa quản lý vừa là nhà buôn vàng”… Các chính sách quản lý vàng của NH Nhà nước thời gian qua khiến thị trường vàng liên tục bất ổn. Thị trường vàng trong nước liệu có đang vận hành đúng theo quy luật, cơ chế thị trường hay không?
Chẳng hạn, quan điểm của NH Nhà nước chỉ bình ổn thị trường mà không bình ổn giá nhưng thực tế, thị trường có bình ổn hay không cần phải nhìn vào giá cả, mức chênh lệch với giá thế giới. Từ mức chênh lệch 2-3 triệu đồng/lượng vàng, đến khi NH Nhà nước can thiệp, đấu thầu, giá vàng lại “nhảy” lên hơn 6 triệu đồng/lượng cho thấy là bất ổn. Đây là những điều dư luận kỳ vọng Thanh tra Chính phủ cần làm rõ.
Thanh tra để ổn định thị trường
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh việc Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra trách nhiệm việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của NH Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, huy động và cho vay vốn bằng vàng, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc NH Nhà nước, cho biết việc thanh tra nếu làm tốt sẽ giúp thị trường ổn định, tạo niềm tin với thị trường hơn.
Theo ông Kiêm, đây là hoạt động thanh tra có tính chất định kỳ, nội dung thanh tra sẽ được thực hiện toàn diện từ việc quản lý mua bán, tổ chức thị trường, quản lý hoạt động giao dịch của các NH thương mại… “Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa qua, hoạt động của NH Nhà nước đối với kinh doanh vàng có nhiều điểm chưa ổn và dư luận có ý kiến nên việc thanh tra sẽ giúp phát hiện những điểm chưa được và uốn nắn, sửa chữa, bổ khuyết những khuyết điểm đó và sẽ giúp ổn định thị trường tốt hơn” - ông Kiêm nhìn nhận.
Ph.Nhung
|
Thái Phương - Thế Kha
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|