Chuyên gia kêu gọi lập sàn vàng quốc gia
Sự chênh lệch giá khá cao giữa vàng trong nước với thị trường thế giới trong thời gian qua, cùng với tình trạng vàng hóa đang diễn ra trong nền kinh tế khiến một số chuyên gia cho rằng cần phải lập một sàn vàng quốc gia để giải quyết tình trạng trên.
Người dân TPHCM đi mua vàng
|
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt nam (VGB) cho rằng qua 10 phiên đấu giá vàng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức với hơn 11 tấn vàng đã được tung ra thị trường thì điều đó càng làm cho tình trạng vàng hóa diễn ra nặng hơn.
Hơn nữa, ông Hải cho rằng, việc rất nhiều nguồn lực đổ dồn vào việc cung ứng vàng của NHNN, một hành động được giải thích là hiếm gặp ở các ngân hàng trung ương trên thế giới, thông qua cơ chế đấu thầu này, không giải quyết được tình trạng vàng hóa.
Để thoát khỏi tình trạng này về lâu về dài, cần lập một sàn vàng quốc gia và kêu gọi các nguồn lực cùng tham gia, theo lời đề nghị của ông Hải trong cuộc trao đổi với báo giới ngày 23-4 tại TPHCM.
Trước mắt, khi sàn vàng được tái lập, để hạn chế giới đầu cơ, cần có cơ chế tăng tiền ký quỹ lên tới 30%, một điều được cho là sẽ chỉ thu hút được những nhà đầu tư thực sự, có tiềm lực.
Việc tái lập sàn vàng, cho phép tham gia sân chơi vàng tài khoản, thay vì vàng vật chất như hiện nay, sẽ giải quyết được vấn đề chênh lệch giá, theo ông Hải.
“Việc phát triển vàng tài khoản sẽ hạn chế cơn sốt vàng- giá vàng do giá sàn vàng đi cùng giá vàng thế giới đồng thời hạn chế hiện tượng vàng hóa vì dân và tổ chức có thể mua vàng tài khoản thay cho vàng miếng cất trữ trước đây. Điều này cũng tiết kiệm được lượng ngoại tệ dùng để mua vàng, tạo thêm kênh đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài và là một bước hình thành sàn giao dịch hàng hóa tập trung tại Việt Nam cùng với các hàng nông sản khác”, ông Hải nhận định.
Ẩn số giá vàng vẫn là một câu hỏi hóc búa mà các chuyên gia vẫn chưa thể nói trước được. Nhưng ẩn số về chính sách của NHNN về thị trường này ở Việt Nam dường như cũng là một dấu hỏi lớn, khó đoán.
Theo ông Trần Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cần phải chờ các động thái chính sách tiếp theo của NHNN sau ngày 30-6 khi các ngân hàng thương mại hoàn tất đóng trạng thái vàng.
Cả ông Long lẫn ông Hải cho rằng, với tình hình hiện nay, khi các tổ chức tín dụng đang tích cực mua vào để tất toán trạng thái vàng, rất có thể, NHNN sẽ không gia hạn đến sau ngày 30-6 tới.
Các chính sách về thị trường vàng của cơ quan chức năng trong thời gian qua, theo các chuyên gia, đã khiến cho một thị trường có hơn 12.000 doanh nghiệp kinh doanh, đến nay chỉ còn khoảng 1/3 còn bám trụ, và số còn lại đang chuyển hướng sang kinh doanh vàng nhẫn, cầm đồ, địa ốc hay các dịch vụ khác.
Từ tình hình hiện tại, ông Long nhận định dường như chính sách của NHNN đang nghiêng về các ngân hàng thương mại là các tổ chức kinh doanh vàng.
Trong khi đó, ông Hải cho rằng Nhà nước cần khuyến khích kinh doanh vàng nữ trang nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh vàng miếng, vốn đang làm trầm trọng hóa tình trạng vàng hóa.
Lý do là việc đẩy mạnh kinh doanh vàng miếng vật chất như hiện tại đang đi vào xu thế cổ súy cho tình trạng vàng hóa, một mục tiêu mà chính phủ đang cố xóa bỏ.
Theo ông Long, NHNN cần giữ vai trò quản lý, giám sát, cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp nhập hàng, chứ “không phải là nhân tố quyết định giá cả thị trường” mà “hãy để thị trường được tạo lập theo nguyên tắc thị trường”.
Ông Long giải thích rằng bản chất của vàng là mang tính biến động, vì thế việc dùng các yếu tố mệnh lệnh hành chính để ổn định thị trường là không thể, mà ‘cần dùng biện pháp linh hoạt để sử dụng trên một thị trường linh hoạt”, theo ông Long.
Hoàng Phi
TBKTSG
|