8 tỉ USD đổi 1% GDP tăng trưởng: quá đắt!
Đó là nhận định của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam sau năm năm gia nhập WTO diễn ra vào sáng 3-4.
Theo nhóm nghiên cứu, quá trình gia nhập WTO đã đem lại những kết quả tích cực và có những tác động sâu sắc đến kinh tế và xã hội. Điển hình là việc tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu dễ dàng hơn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh, môi trường kinh doanh được cải thiện và minh bạch hơn… Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết WTO cũng làm nảy sinh một số vấn đề. Các ngành công nghiệp trong nước cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều chỉnh do sức ép cạnh tranh. Việc mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn cũng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương…
Tiền nhiều chưa hẳn đã tốt
Đánh giá về tình hình tăng trưởng sau năm năm gia nhập WTO (2007-2011), TS Phạm Lan Phương (CIEM) cho biết GDP năm năm qua tăng trưởng 6,5% - không đạt mục tiêu so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là năm 2008, nền kinh tế Việt Nam bị tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đồng thời bộc lộ một số yếu kém nội tại… “Gói kích thích kinh tế Chính phủ đưa ra năm 2008 đã có một số tác động nhất định. Nếu không có nó thì tăng trưởng GDP chỉ ở mức 4% đến 4,5%. Tuy nhiên, điều này cho thấy tăng trưởng của chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư” - TS Phương nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh,hàng dệt may là một trong các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của chúng ta nhưng lại nhập đến 75% nguyên liệu từ Trung Quốc.
|
Thông tin thêm về vấn đề này, TS Thành nhận xét: “Đôi khi tiền nhiều quá cũng không tốt, nó làm che mờ hiệu quả và năng lực của bản thân nền kinh tế. Qua đấy cũng cho thấy cách thức hỗ trợ trong khó khăn mà
Chính phủ đưa ra gói 8 tỉ USD để đổi lấy 1% tăng trưởng GDP là quá đắt và tạo ra nhiều rủi ro
cho những năm tiếp theo”.
Trao đổi riêng với
Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng khẳng định: “Rõ ràng hiệu quả của gói kích cầu năm 2008 thấp, không đáp ứng với mong đợi mà trái lại còn gây mất ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta chi ra một số vốn rất lớn nhưng chỉ đem lại tăng trưởng GDP 1% và để lại rất nhiều nợ nần”.
Việt Nam đang xuất khẩu hộ Trung Quốc
Báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Anh Dương (CIEM) cho biết tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu do tăng trưởng thương mại toàn cầu, việc gia nhập WTO không có tác động đáng kể.
Theo TS Lê Đăng Doanh, xuất khẩu của chúng ta phát huy được các lợi thế so sánh và những sản phẩm nào có lợi thế đều xuất khẩu hiệu quả như: cà phê, hồ tiêu, gạo, thủy sản… “Tuy nhiên, chúng ta không đẩy mạnh cải cách nên chưa có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, vẫn còn xảy ra nhiều vụ kiện bán phá giá. Điều này đang là một trong các rào cản lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó, do kinh tế vĩ mô mất ổn định nên sức hấp dẫn thu hút FDI bắt đầu khi mới nhập WTO sau đó đã tan biến rất nhanh. Hiện nay chúng ta đang chật vật cạnh tranh thu hút FDI với Myanmar và Indonesia, hai nước có tốc độ thu hút FDI tăng so với chúng ta” - TS Doanh cảnh báo.
Đáng chú ý là việc xuất khẩu còn phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, trong đó chủ yếu là Trung Quốc. Ông Nguyễn Anh Dương cho biết nhập khẩu tăng nhanh ngay sau khi gia nhập WTO và tăng chậm lại trong thời gian gần đây. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhanh nhất. Hiện Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn nhất trong nhập khẩu của Việt Nam.
Phân tích tình trạng trên, TS Doanh cho biết: “Hàng dệt may là một trong các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của chúng ta nhưng lại nhập đến 75% nguyên liệu từ Trung Quốc. Chúng ta phụ thuộc quá lâu và quá nhiều từ các sản phẩm phụ trợ của Trung Quốc. Chính vì vậy khi đàm phán Hiệp định PPP, phía Mỹ đòi hỏi nước nào xuất sang các nước PPP đều phải nhập khẩu phụ kiện, nguyên liệu từ các nước PPP. Nhưng Trung Quốc không phải nước PPP. Người Mỹ họ có một câu rất đúng rằng “Việt Nam đang cho Trung Quốc đi chung xe qua Mỹ nhưng không mất tiền”, tức là ta đang xuất khẩu hộ Trung Quốc. Đấy là những điều chúng ta cần suy nghĩ”.
TS Lê Đăng Doanh: Đừng lặp lại những bài học quá đắt!
Việc gia nhập WTO là quyết định đúng đắn, Việt Nam gia nhập sâu, hàng nhập khẩu rẻ hơn, người Việt Nam tiếp cận hàng hóa, công nghệ cao, thông minh… nhanh chóng. Đấy là điều đáng ghi nhận.
Việc gia nhập WTO không phải là ai ban tặng hay biếu cho chúng ta mà phải là sự phấn đấu, nỗ lực của chính bản thân Việt Nam. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và nhà nước tỏ ra cải cách quá chậm nên chúng ta không phát huy được hết các lợi thế mà nhanh chóng bộc lộ ra các nhược điểm, yếu kém.
Kết quả việc gia nhập WTO còn khiêm tốn và bức tranh kinh tế không toàn màu hồng mà là bức tranh đa màu sắc có vài mảng hồng và nhiều mảng tối. Thời gian qua, chúng ta đã học được khá nhiều bài học, vấn đề bây giờ là phải tiêu hóa các bài học đó. Chúng ta phải đẩy mạnh cải cách, đừng lặp đi lặp lại những bài học mà chúng ta trả giá quá đắt.
THU HẰNG
Pháp luật TPHCM
|