Thất nghiệp tiếp tục tăng
Trong khi đang có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang ấm dần lên tại các thành phố lớn thì về tổng thể, số lượng người thất nghiệp chung và thiếu việc làm vẫn có xu hướng gia tăng.
Trong quý 1, số lao động đăng ký thất nghiệp đang có xu hướng chững lại ở nhiều tỉnh, thành phố. Hà Nội có 4.221 người đăng ký thất nghiệp, TP.HCM có 16.200 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp thuộc trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, so với quý 4/2012 hoặc với cùng kỳ quý 1/2012 thì số lao động đăng ký thất nghiệp đã giảm hẳn. Trong quý 1 ở Hà Nội không ghi nhận tình trạng công ty nào phá sản, sa thải ồ ạt vài chục lao động một lúc mà người lao động đăng ký thất nghiệp lẻ tẻ ở nhiều doanh nghiệp. Bà Kim Loan cho biết, quyết định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15.1.2013 cho phép người lao động được kéo dài thời hạn đăng ký thất nghiệp từ bảy ngày như trước đây lên ba tháng. Chính vì vậy, ngay sau khi mất việc làm, nhiều người lao động không đi đăng ký thất nghiệp ngay, trong thời gian đó, nhiều lao động đã tìm được việc làm mới.
Theo sở Lao động – thương binh và xã hội Hà Nội, trong quý 1 vừa qua, thành phố đã tạo việc làm mới cho 28.500 lao động, chiếm hơn 20% kế hoạch năm. Kinh tế khó khăn, thành phố đã đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm và quỹ xoá đói giảm nghèo để người dân tự tạo việc làm cho mình.
Những dự báo từ trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM đem lại nhiều hy vọng cho người lao động. Theo ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm, nhu cầu nhân lực trong quý 1/2013 đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012 và trong quý 2 tới, nhu cầu nhân lực của thành phố tiếp tục tăng với nhu cầu tuyển dụng khoảng 70.000 người. Ông Tuấn cho biết, trong quý 2, có thể nhiều lao động sẽ mất việc làm do quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng đang tăng giúp nhiều lao động nhanh chóng có việc làm mới.
Thị trường lao động TP.HCM vẫn đang rất cần lao động phổ thông, sơ cấp nghề và lao động lành nghề nên nhu cầu tuyển dụng lao động loại này chiếm khoảng 65%. 20% còn lại là lao động trung cấp và 15% là lao động đại học trở lên. Các ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động là kinh doanh, marketing, dịch vụ, dệt may, y dược, vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu...
Trong khi đang có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang ấm dần lên tại các thành phố lớn thì về tổng thể, số lượng người thất nghiệp chung và thiếu việc làm vẫn có xu hướng gia tăng. Theo tổng cục Thống kê, trong quý 1 vừa qua, cả nước có 183.600 người mới gia nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, do nền kinh tế không tạo đủ việc làm nên tỷ lệ người thiếu việc làm và thất nghiệp tiếp tục tăng. Cụ thể, tỷ lệ lao động thiếu việc làm là 3,58%, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,1%, trong đó thất nghiệp thành thị là 3,4%, nông thôn là 1,57%. So với năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn đều tăng. Vẫn có tới gần 1 triệu người không có việc làm.
Ở một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, thực tế chưa có gì sáng sủa. Tại hội nghị tổng kết công đoàn tổng công ty Vinaconex mới tổ chức, công đoàn tổng công ty này thông báo, số lao động của tổng công ty đã giảm 10% trong năm qua tương đương gần 1.700 người. Tình trạng nợ lương vẫn đang diễn ra ở nhiều công ty con. Theo tổng cục thống kê, nhiều ngành có lượng hàng tồn kho tăng cao như sản xuất xe và động cơ, giường tủ bàn ghế, hoá chất và sản phẩm hoá chất, thuốc hoá dược và dược liệu... cho thấy nhu cầu sử dụng lao động sẽ giảm ở những ngành này.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoà, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội, về tổng thể, các chính sách phát triển kinh tế, kích cầu sẽ giải quyết việc làm cho người lao động. Từ trách nhiệm của mình, bộ này tích cực vận hành tốt việc kết nối cung – cầu lao động để người lao động thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, đồng thời tích cực giải ngân vốn vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm, thay vì ngồi đợi cơ hội đến.
Tây Giang
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|