Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và nợ công
Trong những năm qua, các nước đã tung ra hàng loạt gói kích thích tăng trưởng nhằm đối phó với khủng hoảng và suy thoái kinh tế kéo dài. Động thái này đã làm tăng gánh nặng nợ công, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn ì ạch, nhất là tại các nước công nghiệp hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, EU. Trong nỗ lực cứu nguy cho nền kinh tế toàn cầu, các nhà khoa học có tập trung vào mối quan hệ giữa tăng trưởng và nợ công.
Theo kết quả nghiên cứu năm 2010 của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff, một khi nợ công vượt quá 90% GDP, tăng trưởng trung bình giảm 1 điểm phần trăm. Nghiên cứu của Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) do Manmohan Kumar và Jaejoon Woo tiến hành gần đây cho thấy, nợ công trên 90% GDP bắt đầu tác động tiêu cực đáng kể đến tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế hàng năm sẽ giảm 0,15 điểm phần trăm, nếu nợ công tăng thêm 10 điểm phần trăm. Nghiên cứu này đưa ra tính toán, kinh tế Mỹ năm 2013 sẽ mất 0,6 điểm phần trăm và chỉ tăng 2,3-2,8%. Kinh tế tại 4 nước Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Ireland vẫn chìm trong suy thoái và tăng trưởng thụt lùi, do tỉ lệ nợ công tại 4 quốc gia này đang chiếm 118-153% GDP.
Trái lại, một số nghiên cứu khác không thừa nhận mối quan hệ này, nhất là tại những nước có điều kiện phát hành tiền như Mỹ. Nghiên cứu do hai nhà kinh tế học Pháp tiến hành năm 2012 thậm chí đưa ra kết luận, kinh tế vẫn tăng khi tỉ lệ nợ công vượt ngưỡng 115% GDP. Joseph Gagnon (từng làm việc tại NHTW Mỹ - Fed) cho rằng, tỉ lệ 90% của Rogoff và Reinhart là con số tổn thương thật sự, nhưng không có ngưỡng này tại những quốc gia kiểm soát được tiền tệ mà họ đi vay. Tỉ lệ nợ công tại khu vực đồng euro rất thấp, nhưng khu vực này vẫn nằm trong suy thoái và tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm 0,3% trong năm 2013. Trong đó, kinh tế Tây Ban Nha năm 2012 bị giảm 1,4%, mặc dù nợ công chỉ chiếm 77,4% GDP.
Kể từ năm 2009 đến nay, Chính phủ Mỹ đã đẩy mạnh chi tiêu nhằm đối phó với suy thoái, động thái này đã đưa tổng nợ công lên 16.700 tỉ USD, chiếm gần 107% GDP sau khi chạm ngưỡng 90% GDP vào năm 2009. Đổi lại, các doanh nghiệp đã tăng chi tiêu tới 27% kể từ cuối năm 2009, số nhà mới xây thêm tăng khoảng 60%/năm, tạo thêm gần 6 triệu việc làm. Trong đó, thị trường nhà đất phục hồi đã tạo đà phát triển cho các ngành công nghiệp và dịch vụ khác. Với lãi suất cho vay thấp kỷ lục, tỉ trọng chi phí trong qui mô nền kinh tế của các khoản nợ thấp hơn so với thời điểm Tổng thống Ronald Reagan rời Nhà Trắng.
Mặc dù, Chính phủ Mỹ tiếp tục vay để trang trải chi tiêu với mức thâm hụt trong năm 2013 dự kiến là 845 tỉ USD, các thị trường trái phiếu vẫn diễn biến thuận lợi. Ngày 20/3/2013, lãi suất trái phiếu 10 năm tại New York là 1,91%, thấp hơn mức lãi suất khi Tổng thống Obama bước vào nhiệm kỳ đầu tiên. Nó cũng thấp hơn mức lãi suất trong phiên giao dịch ngày 05/8/2011, khi Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm của Mỹ, và thấp hơn lãi suất trung bình 5,3% trong 25 năm qua.
Fed duy trì lãi suất trái phiếu 10 năm ở mức thấp có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ Fed, nước Mỹ có thể vay nhiều mà lãi suất không tăng. Kể từ khi tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ váo tháng 9/2008, bảng cân đối tài sản hiện nay của Fed đã tăng gấp 3 lần lên khoảng 3.200 tỉ USD.
Tại báo cáo giải trình trước Quốc hội theo định kỳ 6 tháng một lần, ông Bernanke khẳng định, lạm phát khoảng 2% là một trong những chỉ số lạc quan nhất. Với mức lạm phát này, đồng USD sẽ không mất giá quá mức, đảm bảo sự ổn định trên các thị trường tài chính toàn cầu. Ông cũng bảo vệ chương trình mua trái phiếu khi cho rằng, lợi ích thu được từ chi phí vay thấp và tăng trưởng nhanh đã vượt quá các khoản chi phí tiềm năng.
Tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang vào ngày 20/3/2013, ông Bernanke cam kết sẽ bám sát chương trình mua chứng khoán cầm cố trị giá 40 tỉ USD/tháng và chương trình mua tái phiếu kho bạc trị giá 45 tỉ USD/tháng, duy trì lãi suất gần bằng không cho tới khi thị trường lao động được cải thiện bền vững, với tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống khoảng 6,5% từ 7,7% trong tháng 3 vừa qua và lạm phát dưới 2,5%. Theo lộ trình, Fed sẽ giảm dần chương trình mua trái phiếu nhằm duy trì tính linh hoạt, có thể đối phó trong trường hợp cần thiết, tránh tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và những cú sốc bất ngờ khi tăng trưởng kinh tế còn yếu.
Tại Nhật Bản, sau khi xảy ra khủng hoảng thị trường nhà đất vào năm 1989/1990, kinh tế của đất nước mặt trời mọc này bước vào thời kỳ trì trệ kéo dài và chỉ tăng trung bình 0,8%/năm. NHTW Nhật bản (BoJ) đã liên tục tung ra các gói kích thích tăng trưởng, nhưng kinh tế vẫn chưa thoát khỏi suy thoái, tỉ lệ nợ công hiện đã lên tới 240% GDP. Sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe quyết định tiếp tục nới lỏng tài khóa tiền tệ với quyết tâm là chấm dứt tình trạng suy thoái và giảm phát kéo dài. Trong chương trình chống giảm phát của BoJ, nghiệp vụ mua trái phiếu hàng tháng từ 50% trong giới hạn tối đa 5.200 tỉ yên (55,7 tỉ USD) là công cụ chính. Theo thông tin mới nhất, kinh tế quí 1/2013 dự tính tăng 0,4% và quí 2 sẽ tăng 1%. Tuy nhiên, giá tiêu dùng cơ bản trong tháng 2/2013 lại giảm xuống mức thấp trong 19 tháng qua, gây ra mối lo ngại BoJ không đạt được mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2015, mà nguyên nhân cơ bản là do những thay đổi của kinh tế toàn cầu, tỉ lệ nợ công có nguy cơ tăng thêm 5% lên 245% GDP vào cuối năm 2013.
Tại Vương quốc Anh, các chỉ số kinh tế vĩ mô tương đối lành mạnh, kinh tế năm 2012 tăng 0,2%, nợ công chiếm khoảng 75,2% GDP, tỉ lệ lạm phát 2,7% và tỉ lệ thất nghiệp là 7,8%. Tuy nhiên, không như Chủ tịch Bernanke, Thống đốc Mervyn King đã thất bại trong việc lấy ý kiến mở rộng gói cứu trợ do đa số thành viên cho rằng, việc mua thêm trái phiếu có thể xói mòn lòng tin và bảng Anh bị mất giá.
Từ thực tế trên đây cho thấy, gánh nặng nợ công có tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là khi tỉ lệ nợ công quá cao, riêng Fed là trường hợp đặc biệt do USD là đồng tiền mạnh và được lưu hành rộng rãi trên thế giới.
Văn Thanh
sbv
|