Thứ Tư, 03/04/2013 15:32

Thắt chặt kỷ luật ngân sách để bảo đảm an toàn nợ công

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, cần đặc biệt quan tâm đến kỷ luật ngân sách, chi tiêu công và đầu tư công. Hiện đầu tư công vẫn dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Siết chặt kỷ luật và nâng cao hiệu quả đầu tư công và chi tiêu công sẽ làm giảm quy mô chi ngân sách cần thiết để đạt các mục tiêu phát triển, qua đó giúp thâm hụt ngân sách và nợ công trở nên bền vững hơn.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Trí Dũng – Quản đốc Quốc gia dự án Chính sách kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, diễn đàn Kinh tế mùa xuân và mùa thu là 2 diễn đàn bán niên được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội định kỳ tổ chức, là một trong những diễn đàn cởi mở nhất để các chuyên gia phân tích tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đưa ra những khuyến nghị chính sách đến với các nhà hoạch định chính sách và đại biểu Quốc hội.

Trong Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 nêu rõ “trong 2-3 năm đầu kế hoạch cần tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…”. Đến nay, thời gian “2-3 năm đầu” đã sắp hết, cần có sự đánh giá, nhìn lại. Vì vậy chủ đề của Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2013 là "Kinh tế Việt Nam 2013 - tái cơ cấu nền kinh tế - một năm nhìn lại”.

Đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp làm tăng gánh nặng ngân sách

Tái cơ cấu đầu tư công là một trong ba trọng tâm của quá trình tái cơ cấu. Song như Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã từng lưu ý, đầu tư công vẫn dàn trải, chạy theo lợi ích cục bộ?

Việt Nam đang khởi động quá trình tái cơ cấu gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư, đặc biệt là đầu tư công khiến tỷ lệ đầu tư luôn cao, nhưng hiệu quả mang lại từ đầu tư ngày càng giảm sút. Khi tư duy chính sách chuyển dần sang hướng kiến tạo phát triển, dư địa chính sách cho đầu tư công sẽ không còn nhiều nữa và đầu tư công phải được thực hiện hiệu quả hơn, qua đó giảm áp lực đối với nợ công.

Ngay từ đầu năm Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã “nhắc” nhẹ vấn đề an toàn của nợ công với động thái trái phiếu sẽ phát hành mạnh trong năm nay. Vậy theo ông nợ công có đáng phải lo ngại?

Tôi nghĩ việc phát hành trái phiếu ở các địa phương nếu trở thành phong trào thì có thể có nhiều tác động không mong muốn vì đây là nguồn thúc đẩy đầu tư công ngắn hạn và có thể tác động tiêu cực đến chương trình tái cơ cấu đầu tư công trong trung và dài hạn.

Ngoài ra, ngân sách ở Việt Nam vẫn lồng ghép, bao hàm cả ngân sách địa phương. Do vậy, dù Thông tư 81/2012 TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương quy định, chủ thể phát hành là các địa phương chịu trách nhiệm thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

Nhưng vì ngân sách địa phương vẫn là một cấp trong ngân sách Nhà nước (NSNN) nên nếu địa phương không trả được nợ thì NSNN sẽ phải gánh chịu, phải “cứu”, chứ không thể để địa phương tuyên bố phá sản. Đó chính là rủi ro về nợ công. Điều này cũng tương tự như tôi đã nói về nợ của DNNN tuy không tính vào nợ công, nhưng nếu DN không trả được thì rủi ro cuối cùng NSNN phải gánh.

Theo như Bản tin nợ công số 1 thì nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Bản tin nợ công đầu tiên được công bố bao gồm nợ của Chính phủ và nợ do Chính phủ bảo lãnh, đã thể hiện một bước tiến trong việc công khai minh bạch thông tin về nợ công.

Theo bản tin, mức nợ công tương đương 54,9% GDP của năm 2011 hiện tại là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn về nợ theo thông lệ quốc tế. Nhưng phần quan trọng có thể làm tăng nhanh con số trên là nợ của DNNN, kể cả những DN mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn cũng như một số hạng mục khác cũng cần phải tính đến.

Trong bối cảnh nhiều DNNN đứng trên bờ vực phá sản thì nợ của DNNN cần phải được phân tích sâu và xem là những khoản nợ tiềm ẩn vì bất kể chúng có được Chính phủ bảo lãnh hay không, Chính phủ vẫn thường phải đứng ra hỗ trợ khi những DN này không thể trả nợ đúng hạn. Để bù đắp cho những khoản chi tiêu như vậy nếu có, Chính phủ sẽ buộc phải phát hành trái phiếu và nợ công của quốc gia sẽ tăng.

Chúng tôi cũng xem xét xác suất xảy ra khủng hoảng nợ dựa trên các bằng chứng thực nghiệm trong quá khứ. Nợ nước ngoài đã ở mức 41,5% GDP năm 2011 là mức an toàn. Nhưng trong trường hợp tổng nợ nước ngoài vượt 50% GDP, nếu theo đuổi những dự án đầu tư quá lớn và tốn kém không đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng, cộng thêm nợ xấu của DNNN, thì lúc đó xác suất xảy ra khủng hoảng nợ ở Việt Nam có thể lên tới 66,8%, là mức xác suất không nhỏ. Trên thế giới đã từng có hàng loạt các cuộc khủng hoảng trong quá khứ thuộc nhóm xác suất này như Jamaica, Ai Cập, Bolivia, Peru…

Hơn nữa, nếu xét đến các khoản nợ nước ngoài của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN (theo đề án tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính) xấp xỉ 16,5% GDP cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, thì nợ công Việt Nam có thể lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP.

Vậy khuyến nghị đặc biệt hơn về vấn đề này, theo ông?

Cần đặc biệt quan tâm đến kỷ luật ngân sách, chi tiêu công và đầu tư công. Hiện đầu tư công vẫn dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Siết chặt kỷ luật và nâng cao hiệu quả đầu tư công và chi tiêu công sẽ làm giảm quy mô chi ngân sách cần thiết để đạt các mục tiêu phát triển, qua đó giúp thâm hụt ngân sách và nợ công trở nên bền vững hơn, đặc biệt là trong bối cảnh những năm gần đây thâm hụt ngân sách liên tục đã kéo theo sự gia tăng nhanh của nợ công.

Ngọc Linh

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   TS. Trần Kim Chung: Áp lực tăng trưởng dồn lên 3 quý cuối năm (03/04/2013)

>   Việt Nam liệu quay lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ? (03/04/2013)

>   Thất nghiệp tiếp tục tăng (03/04/2013)

>   19 dự án ODA được kí kết trong 3 tháng đầu năm (02/04/2013)

>   HSBC: Lãi suất OMO có thể giảm thêm 50 điểm vào cuối quý 2 (02/04/2013)

>   “Tăng giá xăng dầu đẩy CPI lên gần 0,13%” (02/04/2013)

>   HSBC: PMI tháng 3 trở lại mốc 50.8 điểm (01/04/2013)

>   Tham gia hiệp định TPP: Cơ hội tạo thêm nhiều việc làm (01/04/2013)

>   Cửa đã mở nhưng nhà còn ngổn ngang (01/04/2013)

>   Chuyên gia Nhật Bản: “Việt Nam có thể bắt kịp Thái Lan 10 năm tới, hoặc không bao giờ” (31/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật