Xuất khẩu nông sản lách luật bằng ủy thác
Khi các hiệp hội ngành hàng như gạo, cà phê, điều… muốn là ngành kinh doanh có điều kiện nhằm mục đích loại bỏ những doanh nghiệp không đủ điều kiện xuất khẩu ra khỏi cuộc chơi thì các doanh nghiệp này đối phó lại bằng những hợp đồng ủy thác.
Nông dân Đồng Tháp đang phơi lúa.
|
Từ khi Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo ra đời và có hiệu lực, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hy vọng sẽ giảm được số doanh nghiệp xuất khẩu gạo từ 262 xuống còn 100 doanh nghiệp và trong thực tế VFA đang nhận được những hậu thuẫn để biến mục đích này thành hiện thực. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện về nhà máy chế biến, kho bãi và không được cấp phép xuất khẩu gạo đã lách luật bằng hợp đồng ủy thác để tiếp tục xuất khẩu gạo mà không vi phạm nghị định 109.
Giám đốc một doanh nghiệp gạo có chi nhánh ở TPHCM cho hay trong năm 2012 đã bỏ ra nhiều tỉ đồng mua lại một nhà máy chế biến thủy sản cũ ở An Giang để xây lại thành nhà máy chế biến gạo đáp ứng tiêu chuẩn Nghị định 109 về kinh doanh và xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp của bà vẫn không được cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo.
Vì thế, bà chọn hình thức xuất khẩu ủy thác thông qua các doanh nghiệp đã có giấy phép do Bộ Công Thương cấp. Theo đó, mỗi hợp đồng ủy thác bà chấp nhận trả vài đô la Mỹ/tấn, tùy hợp đồng và chất lượng gạo. Thế mạnh của công ty là các loại gạo chất lượng cao, xuất đi nhiều thị trường như Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan… nên bà không quá lo ngại về giá cả.
“Điều đáng lo ngại nhất là những đầu mối xuất khẩu ủy thác này chiếm luôn khách hàng mà chúng tôi bỏ công sức ra tìm kiếm và thương lượng. Sau này khách hàng của chúng tôi trở thành khách hàng của doanh nghiệp nhận ủy thác”, bà chia sẻ.
Do vậy, “chọn mặt gửi vàng” trở thành mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp không được cấp giấy phép kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Ông N.D phụ trách xuất khẩu gạo thơm Nhật Bản của một doanh nghiệp không đủ điều kiện xuất khẩu ở TPHCM, cho biết, không phải bây giờ mà cách đây hơn 2 năm công ty đã xuất khẩu gạo theo hợp đồng ủy thác.
Khi có hợp đồng ủy thác, các doanh nghiệp không đủ điều kiện xuất khẩu gạo chỉ trả khoảng 2-5 đô la Mỹ/tấn, đây là mức phí không cao nhưng lại có lợi cho các công ty thương mại khi xuất khẩu dưới tên những công ty có uy tín của VFA.
“Các doanh nghiệp không đủ điều kiện xuất khẩu gạo chỉ lo không có những hợp đồng xuất khẩu với giá tốt chứ kiếm một hợp đồng ủy thác thì dễ như trở bàn tay”, ông nói.
Trong các mặt hàng nông sản, cà phê là mặt hàng được Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cũng muốn là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Một trong những điều kiện mà Vicofa muốn áp dụng tương tự như VFA, đó là quy định năng suất chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp nếu muốn đủ điều kiện xuất khẩu.
Theo Vicofa, trong trường hợp những điều kiện mà Vicofa kiến nghị được thông qua (như năng lực chế biến từ 5.000 tấn/năm, phải xuất khẩu liên tục từ hai năm trở lên) thì nhiều khả năng những doanh nghiệp cà phê không đủ điều kiện xuất khẩu lại lách luật bằng hợp đồng ủy thác.
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Vicofa cho biết, để tránh trường hợp xảy ra tình trạng ủy thác, Vicofa sẽ có những mục quy định dành riêng cho doanh nghiệp trồng, chế biến và xuất khẩu, công ty FDI hay cho doanh nghiệp thương mại thuần túy có số lượng xuất khẩu mỗi năm quá ít.
Đối với mặt hàng điều, hiện có khoảng 330 doanh nghiệp xuất khẩu điều, tăng khoảng hơn 30 doanh nghiệp so với thống kê của Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) vào cuối năm 2011. Mới đây, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho biết, nhiều khả năng hiệp hội sẽ không đưa điều kiện công suất chế biến từ 2.500 tấn/năm mới được xuất khẩu vào trong những kiến nghị cho dự thảo kinh doanh xuất khẩu điều có điều kiện, mà thay vào đó là sẽ hướng vào vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tự Phong - Thái Hằng
tbktsg
|