Thứ Tư, 20/03/2013 13:05

Cạnh tranh giành nguyên liệu: Sự thật về tương lai ngành mía đường

Thông qua việc thả nổi công tác thu mua mía, đồng nghĩa với việc ủng hộ cho hoạt động tranh giành mía nguyên liệu lẫn nhau giữa các nhà máy đường vô hình trung có thể sẽ làm trầm trọng hơn công tác thu mua mía vốn đã rất bất ổn bấy lâu nay và sâu xa hơn là nguy cơ làm suy yếu thêm năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam.

 

Trong thời gian gần đây, các nhà máy đường (NMĐ) trong nước đang "xôn xao" trước việc kêu gọi, ủng hộ cho việc các nhà máy đường tự do cạnh tranh mua mía nguyên liệu để "người nông dân trồng mía được lợi". Quan điểm phát triển ngành mía đường theo hướng lành mạnh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của các NMĐ nội địa là chủ trương rất đúng đắn được Chính phủ, các thành viên Hiệp hội mía đường Việt Nam, cũng như đông đảo người trồng mía luôn ủng hộ, kỳ vọng và rất được hoan nghênh.

Tuy nhiên, giải pháp đưa ra để đạt được mục tiêu trên thông qua việc thả nổi công tác thu mua mía, đồng nghĩa với việc ủng hộ cho hoạt động tranh giành mía nguyên liệu lẫn nhau giữa các NMĐ là vấn đề cần được suy xét cẩn thận, cân nhắc các tác động hệ lụy khi thực hiện. Vì giải pháp này vô hình trung có thể sẽ làm trầm trọng hơn nữa công tác thu mua mía vốn đã rất bất ổn bấy lâu nay và sâu xa hơn đó là nguy cơ dẫn đến kết quả làm suy yếu thêm năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam.

Tác giả bài viết xin làm rõ đôi điều về những khía cạnh cần xem xét đối với đề xuất thả nổi, khuyến khích các NMĐ tự do cạnh tranh mua mía lẫn nhau.

1. Nhà máy đường phát triển lành mạnh bền vững?

Thực tế, trong suốt hơn 15 năm qua vì thực trạng luôn tranh giành mía lẫn nhau giữa các NMĐ là nguyên nhân chính (cùng với tình trạng quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu) dẫn đến hệ quả ngành mía đường Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm đáp số cho bài toán về chữ đường, năng suất và giá thành, đặc biệt khi cột mốc AFTA/CEPT mở cửa năm 2015-2018 đã cận kề. Tại sao giá thành đường sản xuất nội địa cao, dẫn đến doanh nghiệp mía đường trong nước không thể cạnh tranh với đường Thái Lan? Chắc chắn, hơn ai hết các lãnh đạo NMĐ Việt Nam đều nắm rõ. Đó chính là hệ quả của tình trạng hỗn loạn, tranh giành mua mía nguyên liệu theo "cơ chế thị trường" mà quan điểm này đã và đang tồn tại ở ngành mía đường Việt Nam nhiều năm qua.

Tại Thái Lan những năm 1984, trước khi đạo luật Mía đường ra đời, ngành mía đường cũng rơi vào tình trạng giống như Việt Nam hiện nay, tranh giành mía nguyên liệu dẫn đến triệt phá sức cạnh tranh của các NMĐ, NMĐ thua lỗ. Bí quyết để Thái Lan trở thành cường quốc mía đường ngày nay không phải vì "cơ chế thị trường" thả nổi cho các NMĐ tranh giành mía lẫn nhau. Sự khác biệt ở chỗ, họ đã hoạch định chiến lược phát triển khoa học, phù hợp thực tế, cùng với sự tham gia sâu sát của Chính phủ. Theo đó, các NMĐ tuyệt đối không được tranh mua mía nguyên liệu lẫn nhau (vì đã có quy hoạch vùng nguyên liệu rõ ràng, đồng thời khuyến khích các NMĐ di dời theo quy hoạch tổng thể tránh trồng lấn vùng nguyên liệu ...) và đặc biệt giám sát tuân thủ nghiêm chỉnh cơ chế phân chia lợi nhuận giữa NMĐ và chủ mía theo tỷ lệ 30:70 giá trị lợi ích kinh tế tạo ra, có như vậy lợi ích của NMĐ và người trồng mía mới ổn định, phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, mặc dù giá đường liên tục giảm nhưng vì tình trạng tranh giành mía nguyên liệu, đơn cử tại khu vực Gia Lai đã liên tục bị đẩy lên cao từ 900 đ/kg lên 950-970 đ/kg (mía 10 CCS tại ruộng), trong khi đó tại hai vùng mía lớn của cả nước (Bắc Bộ và Nam Bộ) giá mía đang điều chỉnh giảm dần theo diễn biến thị trường đường. Cụ thể, tại Tate&Lyte giá giảm xuống từ 850 xuống chỉ còn 830đ/kg và giảm từ 950 đ/kg xuống 920 đ/kg (Cần Thơ). Điều này dẫn đến hệ quả giá thành sản xuất tăng cao, giảm năng lực cạnh tranh của các NMĐ thuộc tiểu vùng Tây Nguyên.

Như vậy, từ ý tưởng về việc tự do mua bán mía nguyên liệu và thực tế đang diễn ra, không biết khi nào ngành mía đường Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh đường Thái Lan!

2. Người dân được hưởng lợi vì bán mía giá cao?

Theo thông tin trích dẫn từ bài báo "Gia Lai - Không nên có sự độc quyền trong việc thu mua mía", hiện nay công ty Mía đường Kon Tum đang mua mía về tại nhà máy với giá 1,250 đ/kg (giá tại bàn cân NMĐ Kon Tum), cao hơn hẳn so với giá các NMĐ lân cận đang áp dụng. Điều này sẽ đem lại lợi nhuận tăng thêm cho người dân, nhưng sự thực tại các ruộng mía thì không phải như vậy. Bởi các nhà máy thu mua mía ngoài vùng không thể nào mua trực tiếp tới tận chủ mía. Vì là người ngoài vùng, không bỏ vốn đầu tư nên sẽ không nắm được danh sách các chủ mía; tất cả hoạt động thu gom mía đều qua các đầu mối trung gian, đại lý thu mua.

Tại các địa bàn NMĐ Kon Tum tiến hành thu mua mía ngoài vùng (thậm chí đã phải tranh giành) và giá mua mía tại ruộng mà chủ mía được hưởng chỉ khoảng 700 đ/kg, thậm chí còn thấp hơn do bị các đầu nậu thu mua mía ép giá, gây khó dễ. Mức giá mua mía này hoàn toàn thấp hơn so với giá mua mía của các nhà máy trong vùng đang áp dụng (900-950 đ/kg), do đó chủ mía có được lợi nhuận gia tăng như quan điểm ủng hộ "thả nổi cạnh tranh" mua mía nguyên liệu hay không? Khoản chênh lệch giữa giá nhà máy thu mua và giá bán của chủ mía lên đến 550 đ/kg, tương đương 44% giá thu mua mía nguyên liệu đã và đang chạy về đâu, vào túi ai, ai là người được lợi?

3. Tiền chảy vào túi ai?

Chênh lệch giữa giá mía mua về tại bàn cân nhà máy và giá mía tại ruộng rõ ràng đã chạy vào túi của những đầu nậu, đại lý mua gom mía, và mong mỏi về những vụ mía ngọt của người nông dân - chủ mía gần như hoàn toàn không được lợi ích gia tăng nào, ngoại trừ chủ mía chấp nhận bán mía sớm hơn so với lịch đốn đã quy hoạch của nhà máy để giải quyết các nhu cầu tạm thời về vốn hoặc lo ngại rủi ro mía khô, mía cháy.

4. Nhà máy đường hi sinh vì người trồng mía?

Trong nền kinh tế thị trường, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo mục tiêu lợi ích kinh tế, lợi nhuận cho các cổ đông góp vốn đầu tư và công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt tại các NMĐ, còn là trách nhiệm bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ cho người nông dân thì có thể chấp nhận lỗ trong ngắn hạn (giai đoạn 1999-2000) để đạt được giá trị lợi ích lớn hơn trong dài hạn, hoặc phải chấp nhận lợi nhuận ít hơn để chia sẻ với chủ mía.

Song trong bối cảnh thị trường mía đường còn khó khăn đến giai đoạn 2015 thì việc NMĐ Kon Tum (KTS) tuyên bố chấp nhận lỗ để hỗ trợ chủ mía là "nghĩa cử rất cao cả" mà nhiều NMĐ đang đặt dấu hỏi thắc mắc? Nếu KTS thực sự quan tâm đến người trồng mía thì tại sao trong hơn 10 năm qua KTS không tập trung đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu mía trong vùng, mà chỉ loanh quanh mức 2,000 ha (tương đương 100,000 tấn mía/năm); áp dụng chính sách thu mua hai giá (giá mua mía trong vùng thấp hơn giá mua mía ngoài vùng) và trong khi đó lại đi tranh giành mua mía các NMĐ lân cận đến 100,000 tấn mía/vụ mùa, gây mất ổn định vùng nguyên liệu mía khu vực tỉnh Gia Lai? Hay thay vào đó KTS nên tập trung quan tâm cho người trồng mía trong vùng Kon Tum của mình thay vì vượt hơn 100 km đi "quan tâm" đến người trồng mía của các NMĐ lân cận và truyền thông tới chủ mía với thông điệp "vì nguời nông dân trồng mía".

Hơn chăng, ngành mía đường Việt Nam sẽ sớm có kế hoạch chiến lược phát triển dài hạn và sự tôn trọng, tuân thủ quy hoạch vùng nguyên liệu Chính phủ đã đề ra để các NMĐ trong nước định hướng phát triển một cách vững mạnh, bình đẳng; và tạo được sự đột phá như ngành mía đường Thái Lan đã từng thực hiện rất thành công gần 30 năm trước.

Nguyễn Quốc Huân (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Tăng thuế cá tra vào Mỹ: Sau thách thức là ngàn cơ hội (20/03/2013)

>   Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh (20/03/2013)

>   Ba rủi ro lớn nhất với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (20/03/2013)

>   “Bộ trưởng Đinh La Thăng thất hứa với cử tri Đồng Nai” (20/03/2013)

>   Hạ thuế, giảm giá 100 triệu ôtô vẫn ế (20/03/2013)

>   Đối tác Singapore bán cổ phần sân gôn Sông Bé (20/03/2013)

>   Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc sẽ bị kiểm tra ethoxyquin (20/03/2013)

>   Hàng nghìn tỷ đồng trôi dạt xứ người (19/03/2013)

>   Hà Nội sắp có thêm khu phức hợp 1,9 tỷ đôla (19/03/2013)

>   Đòn bẩy hỗ trợ kinh tế Việt Nam (20/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật