Tự doanh CTCK: Áp lực bán ra có còn lớn?
Hàng loạt lý do cùng với thực tế đầu tư ngắn hạn chiếm ưu thế trong cơ cấu khoản mục đầu tư, có thể thấy mức độ “sẵn sàng” bán ra của các CTCK đang rất cao.
Năm 2012, CTCK giảm mạnh đầu tư hơn 2,500 tỷ đồng
Hoạt động của khối tự doanh CTCK được giới đầu tư chú ý nhiều hơn trong thời gian gần đây khi họ liên tục bán ròng mạnh ngay cả khi thị trường đang tích cực vào cuối năm 2012.
Thống kê của chúng tôi cho thấy từ tháng 11/2012 (giai đoạn thị trường bắt đầu tăng điểm mạnh trở lại) đến cuối tháng 12/2012, tổng khối lượng bán ròng của khối tự doanh là 58.11 triệu đơn vị, tương ứng với 497 tỷ đồng.
Số liệu báo cáo tài chính năm 2012 cho thấy hoạt động thoái vốn của các CTCK còn diễn ra mạnh mẽ hơn rất nhiều trong năm vừa qua.
Dựa trên số liệu BCTC năm 2012 (chưa kiểm toán) của 72 CTCK đã công bố, thì tổng giá trị đầu tư tài chính của 72 CTCK này chỉ còn 22,983 tỷ đồng, tức đã giảm hơn 2,517 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Tổng giá trị dự phòng đến cuối năm 2012 là 2,985 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng giá trị khoản mục đầu tư.
Trong đó:
• Tổng giá trị khoản mục đầu tư ngắn hạn là 14,894 tỷ đồng, dự phòng đầu tư ngắn hạn là 2,145 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 14%).
• Tổng giá trị đầu tư dài hạn là 8,089 tỷ đồng và dự phòng đầu tư dài hạn là 839 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 10%).
Như nhận định trước đây của chúng tôi, các CTCK mạnh tay cắt giảm đầu tư tự doanh xuất phát từ việc thiếu hụt dòng tiền hoạt động, thay đổi chiến lược kinh doanh tập trung vào môi giới, cho vay margin, hay thực hiện việc tái cơ cấu bằng cách giảm bớt các tài sản rủi ro.
Năm 2012, SBS và AGR là hai CTCK thực hiện thoái vốn đầu tư mạnh nhất. Theo đó, khoản mục tổng đầu tư của SBS đã giảm hơn 2,304 tỷ đồng trong năm vừa qua, chỉ còn lại 829 tỷ đồng; AGR giảm hơn 1,106 tỷ đồng, xuống còn 3,023 tỷ đồng.
Thất bại nếu gia tăng đầu tư vào cổ phiếu trong năm 2012
Vẫn có CTCK gia tăng khoản mục đầu tư trong năm 2012, tuy nhiên các khoản đầu tư chủ yếu tập trung vào các tài sản an toàn. Trong khi đó, các khoản đầu tư mới vào cổ phiếu không mang lại kết quả khả quan.
SSI là công ty gia tăng đầu tư mạnh nhất trong năm 2012 với tổng giá trị đầu tư tăng thêm là 1,113 tỷ đồng, nhưng chủ yếu tăng thêm ở khoản mục đầu tư ngắn hạn khác với phần lớn là tiền gửi trên 3 tháng (với mức tăng thêm gần 1,703 tỷ đồng trong năm 2012).
KLS là công ty gia tăng mạnh đầu tư tiếp theo với hơn 737 tỷ đồng. Khoản mục đầu tư tăng thêm chủ yếu do KLS gia tăng hoạt động đầu tư vào cổ phiếu. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của KLS đã không mấy khả quan khi tỷ lệ dự phòng đầu tư của KLS cũng tăng mạnh trong năm qua, khi tăng từ 69 tỷ đồng trong năm 2011 lên 199 tỷ đồng trong năm 2012.
CTS và HCM cũng là 2 CTCK có khoản mục đầu tư gia tăng mạnh trong năm 2012. Những khoản đầu tư mới của CTS chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn, trong khi HCM gia tăng đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Đây đều là những khoản đầu tư có độ rủi ro thấp, cho thấy quan điểm thận trọng của CTS và HCM về triển vọng thị trường; và đã phần nào chứng minh tính hiệu quả.
Áp lực thoái vốn của CTCK trong thời gian tới có còn lớn?
Những tuần đầu tiên của tháng 3, khối tự doanh CTCK đã bắt đầu mua ròng nhẹ trở lại dù còn khá dè dặt. Nếu tính từ đầu năm 2013 đến nay thì các CTCK vẫn đang tiếp tục bán ròng mạnh mẽ. Lý do là trong 2 tháng đầu năm, khối tự doanh đã bán ròng thêm 30.9 triệu đơn vị, tương ứng với 613.7 tỷ đồng, bất chấp thị trường tăng vọt và khối ngoại mua ròng.
Các phân tích trên cho thấy, ngoại trừ KLS tăng giải ngân vào cổ phiếu trong năm 2012, các trường hợp gia tăng đầu tư khác là tương đối đặc thù. Trong khi đó, việc thoái vốn dường như là “chủ trương” khá phổ biến và quyết liệt trong khối CTCK.
Cùng với thực tế đầu tư ngắn hạn chiếm ưu thế trong cơ cấu khoản mục đầu tư, có thể thấy mức độ “sẵn sàng” bán ra của các CTCK đang rất cao. Thị trường sẽ phải chuẩn bị để đón nhận nguồn cung này, đặc biệt là trong những giai đoạn tăng điểm và tâm lý giới đầu tư hưng phấn.
Duy Nam (Vietstock)
ffn
|