Cổ đông nhỏ dự đại hội cổ đông: Đá ném ao bèo!
Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2013 bắt đầu diễn ra, quyền lợi của các cổ đông nhỏ lại được trở thành một vấn đề nhạy cảm. Với nhiều lý do về thời gian, địa điểm… các cổ đông nhỏ không có điều kiện tham dự ĐHCĐ; hoặc tham dự nhưng không được trực tiếp đặt câu hỏi; hoặc đặt câu hỏi nhưng không nhận được câu trả lời…
Anh Nguyễn P.Lân hiện đang đầu tư tại khá nhiều DN niêm yết dưới hình thức mua CK trên sàn thứ cấp. Số lượng nắm giữ tùy theo từng DN và từng ngành mà dao động từ vài nghìn tới vài chục nghìn CP. Trao đổi với PV Báo Lao Động, NĐT này cho biết, ĐHCĐ diễn ra gần như chỉ là hình thức mà các DN phải làm, để tuân theo đúng pháp luật.
“Đầu tiên là màn văn nghệ ca hát dài dằng dặc. Tiếp đến là màn đọc báo cáo dài lê thê. Nhưng đến khi thảo luận, thắc mắc và góp ý của cổ đông thì bị giới hạn thời gian. Lãnh đạo DN trả lời vòng qua, vòng lại vài vòng là tới giờ giải lao hoặc tới giờ ăn uống. Tôi thấy bất hợp lý quá”. Theo lý giải của anh, đây là sự cố tình của lãnh đạo DN để ĐHCĐ “diễn ra tốt đẹp” và “kết thúc thành công”.
Từ những năm trước, rất nhiều vụ tranh luận đã diễn ra khá gay gắt giữa các cổ đông với HĐQT Cty. Tuy nhiên, bên thắng thế vẫn là những cổ đông lớn. “Các cổ đông lớn chỉ cần liên kết với nhau thì lá phiếu cũng chiếm đa số rồi. Lúc ấy, lá phiếu của cổ đông nhỏ chỉ như đá ném ao bèo”. Điều này càng rõ hơn tại những DN mà cổ đông Nhà nước nắm quyền chi phối. “Chỉ cần cổ đông này gật đầu thì các quyết định của DN được thông qua ngay” - anh Lân nói.
Cũng theo cổ đông này, là NĐT cá nhân, vốn mỏng nên anh chỉ đầu tư vào một số mã chọn lọc. Với nguyên tắc không bỏ hết trứng vào một giỏ, nên số vốn lại càng mỏng hơn. Điều này có nghĩa là những cổ đông nhỏ như anh không thể nào can thiệp hoặc tham gia quyết định được điều gì liên quan tới chiến lược kinh doanh của Cty hay một điều gì tương tự.
“Chính vì vậy, nhiều khi mình đi dự ĐHCĐ chỉ để xem định hướng năm tới lãnh đạo DN định làm gì. Trên cơ sở đó, mình sẽ quyết định có nên nắm giữ CP của DN này nữa hay không” - NĐT này bày tỏ. Về vấn đề cổ đông nhỏ liên kết với nhau, anh Lân cho biết, việc liên kết với nhau và có thể cử một đại diện vào HĐQT hiện vẫn chỉ là đề xuất chưa được thực hiện. “Chỉ khi nào pháp luật quy định thật rõ ràng về vấn đề này, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh thì may ra những cổ đông nhỏ mới có tiếng nói” - anh P.Lân bức xúc nói.
Còn với đề xuất về việc thành lập một hiệp hội cho các cổ đông nhỏ, anh này cho rằng, không thể khả thi. Theo Luật DN 2005, cổ đông CTCP có quyền tham dự và phát biểu trong các ĐHCĐ và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền. Ngoài ra, ĐHCĐ có quyền xem xét và xử lý các vi phạm của HĐQT, Ban kiểm soát, gây thiệt hại cho Cty và cổ đông Cty. Nhưng điều này sẽ rất khó khăn, bởi cổ đông nhỏ khó có điều kiện tiếp cận và nắm được các thông tin về DN. Trong khi đó, DN dù đã niêm yết thì độ minh bạch nói chung cho tới nay vẫn chưa thực sự cao.
Có lẽ chính vì những điều này mà một bộ phận NĐT như anh P.Lân cho biết, hội anh là những “tay” lướt sóng không tham dự ĐHCĐ. “Ngoài những thông tin vĩ mô về kinh tế, về ngành, về DN thì điều mà chúng tôi phải sát sao biến động giá và sự ra vào của dòng tiền. Do tính chất đầu tư ngắn hạn nên đây mới là điều quan trọng và mang tính quyết định”. Thực tế điều này không được coi là động thái tích cực, nhưng cũng đang trở thành lựa chọn của không ít NĐT.
Lưu Thủy
lao động
|