Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Chất thay vì lượng
Từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, thu hút nguồn FDI với việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 tới nay, khu vực này vẫn luôn thể hiện vị thế quan trọng của mình với những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, khu vực này cũng có nhiều khoảng tối cần được nhìn nhận.
Các dự án FDI vẫn tập trung ở khâu lắp ráp, gia công
|
Số liệu từ Tổng cục Thống Kê, tính từ năm 1988 đến nay đã có 14.998 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 230 tỷ USD và đã thực hiện được 89 tỷ USD đạt tỷ lệ 38,7%, cung cấp một nguồn lực đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ khu vực FDI giai đoạn 2006-2010 đạt gần 216.000 tỷ đồng (không kể các khoản thu từ dầu thô, đất, phí và lệ phí), chiếm 10,5% tổng thu ngân sách, 13,6% tổng thu nội địa, 17,9% thu nội địa trừ dầu thô và chiếm 12.9% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Song, bên cạnh sự thành công, những bất cập mà khu vực này mang đến cũng không hề ít. Thẳng thắn nhìn nhận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chỉ ra nhiều hạn chế, từ tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao thấp, chưa thu hút công nghệ nguồn, lãng phí tài nguyên, phân cấp cào bằng, hoạt động chuyển giá, không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động về việc làm, tiền lương, phúc lợi…, đến những vi phạm pháp luật về môi trường chậm được khắc phục…
Trên thực tế, các dự án FDI ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở khâu lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, tỷ trọng dự án trong nông – lâm ngư nghiệp rất thấp và giảm dần, các dự án BĐS quy mô lớn còn cao dù nhiều dự án chậm triển khai, lãng phí. Các dịch vụ giá trị gia tăng cao, giáo dục, y tế… hầu như vắng bóng FDI. Địa bàn thu hút FDI vẫn tập trung vào những địa điểm thuận lợi về hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối tác đầu tư phần lớn là nhà đầu tư châu Á, lượng DN nhỏ, vừa chiếm tỷ lệ cao. Số tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới chỉ dừng ở 100/500 tập đoàn. Tỷ lệ vốn thực hiện thấp so với vốn đăng ký, chỉ khoảng 47,2%. Cạnh đó một số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều DN kê khai lỗ liên tục trong 3 năm.
Thay đổi tư duy để thu hút FDI theo hướng phát triển bền vững, chú trọng chất thay vì lượng là chủ trương mà Chính phủ đề ra và hướng tới. Song, để đạt được thành công các mục tiêu mới, Bộ trưởng Nguyễn Quang Vinh cho rằng, chúng ta cần những giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả và tính thực thi cao.
Nguyễn Nga
Đại đoàn kết
|