Thứ Tư, 13/03/2013 13:18

Nhiều biện pháp kiểm soát nợ công an toàn, hiệu quả

Bộ Tài chính vừa chính thức công bố nợ công của Việt Nam giai đoạn 2010-2011. Theo đó, tổng số dư nợ công nước ta trong 2 năm 2010 và 2011 tương đương 56,3% GDP và 54,9% GDP.

Dự kiến nợ công sẽ tăng do nhu cầu đầu tư hạ tầng vẫn tăng trong thời gian tới.

Trong đó, số liệu thống kê năm 2010 đã được điều chỉnh sau khi quyết toán NSNN năm 2010 được Quốc hội phê chuẩn. Số liệu năm 2011 có thể sẽ được chỉnh lý sau khi quyết toán NSNN.

Bộ Tài chính cho biết, nợ nước ngoài của quốc gia tương đương với 42,2% GDP năm 2010 và 41,5% GDP năm 2011. Dư nợ chính phủ so với GDP là 44,6% GDP năm 2010 và 43,2% GDP năm 2011. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách năm 2010 là 17,6% và năm 2011 là 15,6%. Như vậy, nếu so sánh các chỉ số quan trọng nêu trên năm sau đều giảm so với năm trước.

Theo Bộ Tài chính, tổng số dư nợ công năm 2011 ở mức khoảng 1.391 nghìn tỷ đồng. Với con số đó, mức nợ công hiện tại là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn về nợ theo thông lệ quốc tế.

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế, Việt Nam là nước có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ.

Tuy nhiên, trong những năm tới, do nhu cầu đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư cho cơ sở hạ tầng tiếp tục tăng lên, nợ công dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhưng mức tăng này đã được dự báo và được cụ thể hoá trong Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, theo đó dư nợ công tới năm 2015 không quá 65% GDP.

Về nghĩa vụ trả nợ, Chính phủ đã và đang ưu tiên cân đối nguồn để chủ động thực hiện thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ đến hạn hàng năm, đối với nghĩa vụ trả nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương do các đơn vị được bảo lãnh/ngân sách địa phương chịu trách nhiệm trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn.

Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép bố trí một phần nguồn tăng thu NSNN hàng năm để tăng chi trả nợ, góp phần chủ động và đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn. Thông lệ quốc tế đối với chỉ tiêu trả nợ Chính phủ so với thu NSNN dưới 35% được coi là an toàn. Trên thực tế, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu NSNN hàng năm từ 14% đến 16%. Con số này trong năm 2011 là 15,6%, đã thấp hơn so với năm trước đó là 17,6%.

Mặc dù vậy, Bộ Tài chính cũng đã tính toán đến những khả năng có thể gia tăng áp lực về nợ công cả về quy mô và nghĩa vụ trả nợ. Bởi trong thời gian tới một mặt do sức ép phải tăng cường huy động vốn vay trong và ngoài nước để bổ sung cho đầu tư phát triển, mặt khác Việt Nam đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình nên việc huy động vốn ODA giảm dần, huy động từ các khoản vay ưu đãi và vay thương mại sẽ tăng lên sẽ tác động đến nợ công.

Mục tiêu quản lý nợ công đảm bảo an toàn và bền vững được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Ngoài việc đảm bảo quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính luôn đặt trọng tâm tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý nợ công chặt chẽ, hiệu quả.

Trong năm 2012, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản quan trọng như Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Cơ cấu lại chi NSNN và thực hiện tái cấu trúc đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư nguồn vốn NSNN, nhất là các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay của Chính phủ, kể cả các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có ràng buộc từ nhà tài trợ; tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn trái phiếu chính phủ..

Đặc biệt, từ ngày 1-3-2013, Quỹ tích lũy trả nợ đã chính thức được vận hành theo Quyết định số 01/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo khả năng thanh toán nghĩa vụ trả nợ các khoản vay về cho vay lại và nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN.

Theo quy định, Quỹ tích lũy trả nợ là quỹ thuộc NSNN, được Chính phủ thành lập và giao Bộ Tài chính quản lý nhằm bảo đảm khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN phát sinh từ các khoản bảo lãnh của Chính phủ. Như vậy, cùng với nhiều biện pháp khác, Quỹ tích lũy trả nợ sẽ góp phần đảm bảo khả năng thanh toán nợ công, góp phần kiểm soát nợ công an toàn, hiệu quả.

Chỉ tiêu an toàn nợ công theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2020 (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương):

Đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.


Minh Anh

Hải Quan

Các tin tức khác

>   Vốn FDI được điều chỉnh lên hơn 16 tỉ USD (12/03/2013)

>   Diễn biến giá cả năm 2012 và xu hướng năm 2013 (12/03/2013)

>   Con số thất nghiệp “ngoài dự đoán” (11/03/2013)

>   Mỗi người Việt đã gánh 800 USD nợ công (11/03/2013)

>   Ghìm giá để kìm lạm phát (10/03/2013)

>   Ủy ban Kinh tế “khen” chính sách tiền tệ (09/03/2013)

>   Việt Nam đang ở vị thế tốt để phát triển thương mại (09/03/2013)

>   Chính sách giá cả trong tái cơ cấu nền kinh tế (08/03/2013)

>   Tìm cách hạn chế những "dễ dãi" cách thu hút FDI (07/03/2013)

>   Nền kinh tế trước nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn (07/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật