Thứ Năm, 14/03/2013 11:34

Lo ngại sự chuyển dịch dòng vốn FDI

Điều gì đã khiến nhiều DN FDI rời bỏ Việt Nam. Những nghiên cứu gần đây cho thấy họ đến vì ưu đãi và đương nhiên khi ưu đãi chấm dứt trong khi những lợi thế khác của Việt Nam yếu hơn trong tương quan so sánh, họ sẽ tìm những miền đất hứa khác.

Lực hấp dẫn suy giảm

Kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu” hàng quý do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) được công bố mới đây cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam đang dần được cải thiện. Chỉ số kinh doanh trong quý này đã tăng từ 45 lên 48 điểm.

Tuy nhiên Chủ tịch EuroCham, ông Preben Hjortlund chia sẻ: “Chúng ta phải nhớ rằng số liệu này vẫn ở dưới mức trung bình 50 điểm trong khi 2 năm trước chỉ số này là 79 điểm”.

Việt Nam vẫn là đất nước phát triển mạnh mẽ so với quy mô quốc gia

TS.Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến nghị “Việt Nam đang có nguy cơ bị giới đầu tư quốc tế bỏ rơi”.

Dẫn giải cho khuyến nghị này, ông Thành cho biết, năm 2008, đánh dấu sự đột biến của đầu tư nước ngoài sau khi Việt Nam gia nhập WTO, số vốn đăng ký đạt trên 70 tỷ USD, nhưng sau đó giảm mạnh. Thậm chí từ năm 2011 đến nay, lượng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam giảm mạnh hơn cả trước khi gia nhập WTO.

Như vậy, lượng vốn đăng ký giảm mạnh là do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, phải thừa nhận tính hấp dẫn của Việt Nam đang yếu đi so với các nước trong khu vực.

Điều này có thể nhìn thấy từ việc đóng cửa và sự dịch chuyển nhà máy của các nhà đầu tư nước ngoài từ Việt Nam sang các nước trong khu vực và láng giềng. Sau sự đóng cửa của Sony, Công ty Công nghệ Toshiba (Nhật) cũng đóng cửa nhà máy tại Việt Nam. Hãng này không chỉ chuyển nhà máy sản xuất từ Việt Nam sang Indonesia mà còn mở rộng quy mô và chọn nơi đây là trung tâm phát triển sản phẩm tivi LCD của hãng tại thị trường châu Á và châu Úc.

Trong ngành công nghiệp ô tô, chúng ta cũng đã chứng kiến hãng xe đến từ Nhật Bản, Daihatsu tuyên bố đóng cửa nhà máy tại Việt Nam năm 2007 cùng vớiviệc hãng xe nổi tiếng của Đức - BMW (đã ra đi trước đó). Hay như hãng Nissan (Nhật Bản), đã nhận được giấy phép đầu tư lắp ráp và sản xuất ô tô ở Việt Nam, nhà máy đặt tại Đà Nẵng, từ năm 1996 với số vốn đăng ký lên đến 110 triệu USD. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay Nissan vẫn chưa triển khai dự án của mình ở Việt Nam.

Kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu” của Eurocham cũng cho thấy, số lượng công ty FDI có các dự án mở rộng kinh doanh giảm từ 11% xuống 7%. Số lượng DN muốn cắt giảm đầu tư tuy giảm từ 27% xuống 24% vẫn là một con số đáng quan ngại.

Giấc mơ trợ lực từ FDI thêm xa

Điều gì đã khiến nhiều DN FDI rời bỏ Việt Nam. Những nghiên cứu gần đây cho thấy họ đến vì ưu đãi và đương nhiên khi ưu đãi chấm dứt trong khi những lợi thế khác của Việt Nam yếu hơn trong tương quan so sánh, họ sẽ tìm những miền đất hứa khác.

Cuộc khảo sát do Trường đại học Tổng hợp Hannover thực hiện mới đây cho thấy, điều đặc biệt dẫn đến các quyết định đầu tư của các DN Đức vào Việt Nam là khả năng DN nhận được những ưu đãi hỗ trợ từ phía chính quyền. Cụ thể, mặc dù mức thuế thu nhập của Việt Nam là 25% cao hơn 23% so với Thái Lan song thời gian ưu đãi về thuế của Việt Nam trong những năm đầu khởi nghiệp lại kéo dài hơn Thái Lan và Myammar.

Đây không chỉ là xu hướng riêng của các DN Đức. Điều này cũng phần nào giải thích sự ra đi của Công ty Công nghệ Toshiba hay Sony, Daihatsu khi không còn lách được chính sách thuế nhập khẩu và đã củng cố xong thị phần. Các chuyên gia nhận định với những ngành tự động hóa cao, giá nhân công rẻ hầu như không mang lại lợi thế cạnh tranh cho DN, mà sức cạnh tranh nằm ở khả năng sản xuất và cung cấp linh kiện. Trong khi đó, linh kiện của Việt Nam hầu như là nhập khẩu.

Tại cuộc họp tổng kết năm 2012 và kế hoạch 2013 của Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng phải cảnh báo “ô tô chẳng ra ô tô, tàu biển chẳng ra tàu biển. Ta ưu đãi ô tô mà mỗi khâu lắp ráp cũng chẳng xong”. Thủ tướng chỉ đạo Bộ cần rà soát lại chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và lo lắng “Theo lộ trình tới 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì liệu hình hài ngành công nghiệp Việt Nam đến lúc đó sẽ thế nào?”.

Con đường tương lai công nghiệp Việt Nam ra sao khi mục đích của nhà đầu tư nước ngoài và mục tiêu Chính phủ không trùng khít. Báo cáo mới đây của HSBC nghiên cứu về cuộc dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài cho thấy “Trong vài năm qua, Việt Nam đã phần nào đánh mất hào quang là một trong những nước thực hiện tốt nhất đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực do lạm phát không ổn định và quản lý kém hiệu quả đối với nền kinh tế. Điều này đã làm dòng vốn FDI chậm lại nhưng Việt Nam vẫn là một đất nước phát triển mạnh mẽ so với quy mô quốc gia. Điều này giúp Việt Nam có thị phần trong thị trường sản xuất hàng hoá cần tay nghề thấp như dệt may và giày dép”.

Thực tế cũng cho thấy, sự mặn mà của các DN FDI đa phần hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nằm ở cuối chuỗi giá trị sản phẩm (chiếm 65% theo khảo sát của VCCI năm 2012). Các DN FDI ở Việt Nam chủ yếu hoạt động với quy mô chi phí thấp 65% hoạt động ở trong các ngành có chi phí lao động thấp như dệt may, da giày, điện tử và chế biến thực phẩm.

Một nghiên cứu khác chỉ ra 32% DN FDI hiện đang hoạt động ở Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các quốc gia khác (phổ biến nhất là Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc, trong số này 72% đã lựa chọn Việt Nam trong tương quan so sánh với các quốc gia khác, 28% quyết định đầu tư vào Việt Nam như là một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia).

Cuộc khảo sát do Trường đại học Tổng hợp Hannover cho thấy chỉ duy nhất một yếu tố là sự ổn định chính trị khiến các nhà đầu tư Đức khá yên tâm, còn lại những yếu tố khác như hệ thống pháp luật, chất lượng quy định, kiểm soát tham nhũng, ảnh hưởng của Nhà nước và vấn đề kế toán lại dược xếp vào nhóm “lo ngại”.

Sự suy thoái của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của Chính phủ. Điều đó dẫn đến việc tăng các mức phạt, các cuộc kiểm toán, các nghĩa vụ hải quan… 36% phản hồi cho rằng, điều này đe dọa công việc kinh doanh của họ tại Việt Nam.

EuroCham đưa ra ý kiến rằng, tình trạng này nếu không có cơ sở hoặc nhắm mục tiêu vào một số công ty một cách thiên vị sẽ cản trở khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong mắt của DN châu Âu. Mặc dù, có một số cải tiến trong báo cáo, môi trường kinh doanh vẫn còn khó khăn và thêm áp lực thông qua giám sát chính thức gia tăng và mức phạt điều đó chắc chắn không giúp cho việc thu hút thêm FDI.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài khi được sử dụng một cách chính xác sẽ giúp một quốc gia trở thành căn cứ công nghiệp thông qua việc thúc đẩy việc làm, kích thích năng lực sản xuất và hoạt động xuất khẩu.

Indonesia và Việt Nam được đánh giá sẽ tận dụng được lợi thế tốt hơn khi các nhà sản xuất các mặt hàng giá trị thấp đang đi tìm những quốc gia có lực lượng lao động giá rẻ và thị trường tiêu dùng lớn. Và tín dụng giá rẻ sẵn có và tăng trưởng chậm chạp tại các thị trường đã phát triển sẽ là một động lực khác giúp thúc đẩy tiến trình này.

HSBC

EuroCham sẽ tiếp tục hỗ trợ để xóa bỏ các thanh tra không có cơ sở và đảm bảo việc thanh tra được thực hiện công bằng cho tất cả công ty hoạt động tại Việt Nam. Điều đó rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư để tiếp tục khuyến khích đầu tư từ các công ty nước ngoài và địa phương.

Nhất Thanh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012 và xu hướng năm 2013 (13/03/2013)

>   Lạm phát năm nay có thể ở mức 8 - 9% (13/03/2013)

>   Nhiều biện pháp kiểm soát nợ công an toàn, hiệu quả (13/03/2013)

>   Vốn FDI được điều chỉnh lên hơn 16 tỉ USD (12/03/2013)

>   Diễn biến giá cả năm 2012 và xu hướng năm 2013 (12/03/2013)

>   Con số thất nghiệp “ngoài dự đoán” (11/03/2013)

>   Mỗi người Việt đã gánh 800 USD nợ công (11/03/2013)

>   Ghìm giá để kìm lạm phát (10/03/2013)

>   Ủy ban Kinh tế “khen” chính sách tiền tệ (09/03/2013)

>   Việt Nam đang ở vị thế tốt để phát triển thương mại (09/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật