Thứ Ba, 19/03/2013 13:17

Con số thất nghiệp chắc chắn “có vấn đề”

Khẳng định nhiều thống kê về thị trường lao động là không thực chất, đặc biệt là trong năm 2012 khi trao đổi với VnEconomy, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói:

- Không thể có chuyện trong một năm kinh tế gặp nhiều khó khăn như năm 2012, có hơn 50.000 doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động; hơn 400.000 lao động thất nghiệp, nghỉ việc, nhảy việc; các thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài thu hẹp, lao động xuất khẩu không tăng…, mà số lượng tạo việc làm mới vẫn đạt 1,6 triệu!

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Ngoài ra, số liệu thống kê của các cơ quan còn cho thấy tỷ lệ thất nghiệp; tỷ lệ thiếu việc làm và thu nhập, tiền lương vẫn được cải thiện. Các con số này chắc chắn là có vấn đề.

Theo tôi, 1,6 triệu lao động ở đây chỉ có thể là số lượt lao động được giải quyết việc làm, chứ không thể là tạo việc làm mới. Số lao động mới hoàn toàn chỉ khoảng 1,2 triệu mà thôi.

Nghĩa là, theo ông những con số báo cáo, thống kê về lao động việc làm nói trên là không chuẩn?

Đúng vậy, không thể chuẩn được. Và khi con số không chuẩn sẽ dẫn đến thiếu thực chất, không giải quyết được những vấn đề đang tồn tại trên thị trường lao động như thất nghiệp, thiếu việc làm, chênh lệch cung cầu lao động và rất nhiều thực trạng khác.

Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thực chất, thiếu chính xác này là nằm ở đâu?

Tất cả do công tác quản lý không chuẩn.

Về số liệu, hiện chúng ta đang tồn tại hai con số từ hai cơ quan khác nhau, đó là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê bằng hình thức “đếm đầu, tóm tay” cụ thể số lao động thông qua hệ thống các sở lao động địa phương. Mà số lượng báo cáo từ địa phương thì từ trước đến nay vẫn còn mang tính hình thức, thậm chí là bệnh thành tích. Thực tế, họ cũng không nắm được số lượng chính xác vì nhiều doanh nghiệp tuyển dụng hay sa thải lao động đều không báo cáo; và lao động mất việc làm, hay nhảy việc cũng không đăng ký….

Trong khi đó, kết quả của Tổng cục Thống kê dựa trên việc điều tra chọn mẫu. Với phương pháp này, chỉ chính xác khi mẫu được điều tra trên diện rộng. Nếu mẫu điều tra chỉ được tiến hành ở một số địa phương, một số doanh nghiệp nhất định rồi từ đó suy rộng ra thì hoàn toàn không chính xác.

Vậy, Ủy ban Về các vấn đề xã hội có ý kiến ra sao về những con số thống kê “có vấn đề” nói trên, thưa Phó chủ nhiệm?

Đã đến lúc cần nhìn lại về những con số thống kê trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về thị trường lao động. Về vấn đề này chắc chắn Chính phủ cần giải quyết.

Trước hết, thay chỉ tiêu cho phù hợp với thực tiễn và thậm chí không nên đặt những chỉ tiêu mang tính hình thức.

Ví dụ, năm 2013, chỉ tiêu được đặt ra là tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4% và tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Đây vẫn là những con số khá quen thuộc kiểu như lấy năm trước áp đặt cho năm sau, cho dù nền kinh tế đang được nhận định với mức độ rất khó khăn.

Vậy thì, thay vì đặt ra chỉ tiêu tạo việc làm mới trong năm, chúng ta chỉ cần đưa ra điều kiện: làm thế nào để giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp là được. Bởi, khi số lao động thất nghiệp giảm thì đồng nghĩa với giải quyết được nhiều việc làm và ngược lại.

Thứ hai, mỗi lao động Việt Nam cần có một cái thẻ, quản lý lao động bằng những mã số lao động trên thẻ. Nếu có thẻ, anh A, chị B đi đâu, làm gì, mất việc ở công ty này, đã xin được việc làm ở đâu chưa, cơ quan quản lý đều dễ dàng nắm được.

Ở nhiều nước, việc quản lý, điều tra lao động việc làm bằng phương pháp này đã có từ lâu và đều rất hiệu quả. Thẻ lao động vừa phản ánh được việc làm trên thị trường lao động, vừa thể hiện được tình trạng an sinh xã hội.

Và vấn đề này đã được đề xuất, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay khi công tác thống kê, báo cáo chưa có cơ sở nên thay chỉ tiêu tạo việc làm mới bằng chỉ tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp hoặc giao chỉ tiêu tăng trưởng việc làm, theo xu hướng tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, đây cũng là phương pháp khó và cũng cần dài hạn, các cơ quan chuyên môn đang xem xét và nghiên cứu.

Còn về thẻ lao động, chúng tôi đang đề xuất Chính phủ nghiên cứu và quy định.

Ông nhận định thế nào về thị trường lao động 2013?

Năm 2012 có quá nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ như hàng tồn kho nhất là tồn kho bất động sản, nợ xấu, thiếu vốn, khiến doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất, thậm chí là đình trệ. Với tình trạng trên, tất yếu doanh nghiệp sẽ không có nhu cầu về lao động.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2013 đến nay thị trường lao động cực kỳ ảm đạm, tình trạng thất nghiệp vẫn tăng. Trong khi đó, các “nút thắt” vẫn chưa được giải quyết đồng bộ và có hiệu quả, mới chỉ dừng ở việc bàn giải pháp.

Vì thế, tình hình việc làm năm 2013 chắc chắn vẫn còn khó khăn. Tôi không dám khẳng định, nhưng nếu có hy vọng thì có lẽ chỉ nóng lên khi các ngành, các cấp, thực thi các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng thị trường, tiêu thụ được sản phẩm.

Vũ Quỳnh

tbktvn

Các tin tức khác

>   Cựu Thủ tướng Italy: 'Việt Nam cần kiên định mở cửa kinh tế' (19/03/2013)

>   Vốn FDI giải ngân gần 100 tỉ USD (18/03/2013)

>   Bộ Tài chính: Nợ công trong tầm kiểm soát (14/03/2013)

>   Lo ngại sự chuyển dịch dòng vốn FDI (14/03/2013)

>   Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012 và xu hướng năm 2013 (13/03/2013)

>   Lạm phát năm nay có thể ở mức 8 - 9% (13/03/2013)

>   Nhiều biện pháp kiểm soát nợ công an toàn, hiệu quả (13/03/2013)

>   Vốn FDI được điều chỉnh lên hơn 16 tỉ USD (12/03/2013)

>   Diễn biến giá cả năm 2012 và xu hướng năm 2013 (12/03/2013)

>   Con số thất nghiệp “ngoài dự đoán” (11/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật