Thứ Sáu, 01/03/2013 11:21

Tái cơ cấu kinh tế là phân bổ lại nguồn lực

TS. Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nguồn lực đang được phân bổ không đúng do động lực sai lệch. Vì thế quan điểm của tái cơ cấu là tạo động lực mới và nguồn lực xã hội cần được phân bổ lại nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.

Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, một trong những thành viên chắp bút Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế khi trao đổi với Thời báo Ngân hàng.

Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo ông, đâu là mục tiêu trọng tâm, là điểm đột phá của Đề án?

Mục tiêu của Đề án là tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trọng tâm của tái cơ cấu là phải phân bố lại nguồn lực vì thực trạng xấu của cơ cấu kinh tế hiện nay là do nguồn lực được phân bổ không đúng nên năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp, năng lực cạnh tranh yếu. Nguồn lực đang được phân bổ không đúng do động lực sai lệch. Vì thế quan điểm của tái cơ cấu là tạo động lực mới và nguồn lực xã hội cần được phân bổ lại nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.

Nguồn lực sẽ phải được phân bổ theo cơ chế thị trường hướng vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.

Chỉ có như vậy mới được cho là tái cơ cấu đúng hướng và thành công.

Tuy nhiên hiện có không ít băn khoăn e dè về khó khăn khi thực hiện?

Để thực hiện thành công một Đề án quả không hề dễ. Mục tiêu tổng quát của Đề án đã chỉ rõ: Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Rõ ràng, không thể kỳ vọng có một bước ngoặt ngay, bởi mọi công việc đều phải có lộ trình, song cũng không nên nói nhiều đến những khó khăn mà thay vào đó là phải bàn đến quyết tâm thực hiện. Nếu vẫn còn ngập ngừng giữa những cái cũ và mới, không chịu trả giá cho những sai lầm, vẫn níu kéo, chờ đợi thì sẽ không thể giải được bài toán này.

Ông vừa nói nguồn lực hiện nay đang bị phân bổ không đúng là do động lực bị sai lệch?

Đúng vậy, cho nên, muốn tái cơ cấu nền kinh tế chuyển động, điều trước tiên là phải thay đổi động lực. Mà động lực đó phải vận hành theo cơ chế thị trường. Không ai đi đầu tư dài hạn, đầu tư cho công nghệ mới khi khi tỷ giá không ổn định, khi chưa nhìn thấy sự thay đổi lớn của nền kinh tế. Vì vậy phải tạo cơ chế cho thị trường vận hành.

Vậy phải tạo động lực và áp lực như thế nào để thúc đẩy tái cơ cấu?

Việc cần làm ngay là công khai và minh bạch hoá thông tin của khu vực DNNN, chỉ rõ ai chịu trách nhiệm. Trong Đề án, Thủ tướng đã yêu cầu từ năm 2013, phải đăng tải công khai thông tin tổng hợp về hoạt động đầu tư của chủ sở hữu Nhà nước và tình hình hoạt động của khu vực DNNN hàng năm. Khi tình hình DN được công khai, được giám sát nó sẽ trở thành một áp lực, động lực buộc phải thay đổi. Chừng nào còn tư duy chờ đợi để thu lại toàn bộ các khoản đầu tư, không chấp nhận thua thiệt thì chừng đó sẽ không có động lực.

Hay như, để giải quyết nợ xấu, vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp, liên quan đến triển vọng của giá bất động sản, một trong những giải pháp cần phải xử lý ngay đó là đẩy những tài sản thế chấp này ra thị trường ngay mới hòng duy trì dòng chảy của đồng vốn. Bởi, một khi vẫn còn tâm lý chính sách của Chính phủ sẽ giúp thị trường hồi phục, giá sẽ lên trở lại thì cả DN và ngân hàng cũng đều sẽ có tâm lý cố găm giữ để chờ giá lên mà không giải quyết.

Rõ ràng, phải khơi thông thị trường, hồi sinh lại những tài sản đang bị chết nhưng không phải là nguyên trạng mà là tạo cho các tài sản đó giá trị mới, chuyển vốn đó sang các cơ hội mới của thị trường.

Tóm lại, cần phải vận hành theo cơ chế thị trường, tạo động lực mới để phần bổ lại nguồn lực có như vậy mới đúng như tên gọi Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020.

Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Phải chấp nhận có mất mới có được

Tái cấu trúc DNNN trực tiếp liên quan đến các “đại gia”, đến các tập đoàn, các tổng công ty lớn và đến “lợi ích cá nhân”, “lợi ích nhóm”… Trong quá trình phân bổ lại nguồn lực để tái cấu trúc kinh tế, tái cấu trúc DNNN sẽ vấp phải trở ngại và thách thức lớn từ nhóm lợi ích này.

Theo tôi, trở ngại lớn nhất của tái cấu trúc kinh tế, tái cấu trúc DNNN là việc tiếp tục còn tồn tại các động lực phi kinh tế ngăn cản, chưa tạo ra sự đồng thuận và cùng nhìn về một hướng, chưa tạo ra quyết tâm cao của các đơn vị, tổ chức, của các ngành và địa phương.

Chúng ta không thể kỳ vọng cùng một lúc, vừa muốn thực hiện tốt tái cấu trúc kinh tế, vừa muốn tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vừa muốn chữa trị lạm phát bằng thắt chặt tiền tệ, lại vừa muốn chữa trị đình trệ bằng nới lỏng chính sách tiền tệ với việc hạ lãi suất… Chúng ta phải thận trọng khi lựa chọn và kết hợp các phương án. Phải chấp nhận có mất mới có được, cái được phải nhiều hơn.

TS. Đinh Thiện Đức - Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Định vị lại vai trò của DNNN

Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng tái cấu trúc DNNN là lĩnh vực chậm chạp nhất trong ba “mũi giáp công” của đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Nguyên nhân dễ thấy nhất được cho là việc xác định chưa rõ vai trò của các DNNN trong nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình tái cấu trúc DNNN, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty hiện đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, cản trở.

Dự thảo Hiến pháp vừa qua đưa ra lấy ý kiến nhân dân có một điểm mới là không quy định kinh tế Nhà nước là chủ đạo, và nêu rõ các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nếu vai trò của DNNN được nhận thức lại một cách đúng đắn sẽ là động lực để các DNNN, đặc biệt các tập đoàn và tổng công ty thực hiện tái cấu trúc một cách quyết liệt hơn.

PGS-TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai -Trường Đại học Kinh tế Quốc dân


Linh Đan thực hiện

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Đề xuất xuất khẩu đường để… chốt lỗ (01/03/2013)

>   Tháng 3, dồn dập IPO 4 tổng công ty (01/03/2013)

>   8.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong đầu năm 2013 (01/03/2013)

>   Nhiều doanh nghiệp thép ngừng hoạt động (01/03/2013)

>   Air Mekong chưa xác định thời điểm bay trở lại (01/03/2013)

>   Nhà máy bauxite Tân Rai sản xuất 160.000 tấn alumin (28/02/2013)

>   Giảm mạnh phí trước bạ ô tô từ ngày 15-3? (28/02/2013)

>   Cần cái nhìn tổng thể về các dự án bauxite Tây Nguyên (28/02/2013)

>   Việt Nam yêu cầu giải quyết vụ kiện tôm với Mỹ (28/02/2013)

>   Petrolimex khẳng định đủ nguồn cung cho các đại lý (28/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật