Việt Nam yêu cầu giải quyết vụ kiện tôm với Mỹ
Ngày 27/2, phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã đề nghị lập Ban Hội thẩm tại phiên họp chính thức của Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) về vụ kiện tôm DS/429 đối với Mỹ và đã được DSB chấp thuận.
Các nước đăng ký tham gia bên thứ ba ngay tại phiên họp này bao gồm: Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Na Uy và Thái Lan.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đang xúc tiến việc áp thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam và 6 nước khác sau khi liên minh các ngành công nghiệp về tôm ở vùng vịnh của Mỹ có đơn yêu cầu DOC điều tra áp thuế chống trợ cấp.
Sau khi điều tra, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đưa ra phán quyết rằng có "chỉ dấu hợp lý" cho thấy ngành công nghiệp tôm nội địa ở Mỹ bị thiệt hại do tôm nhập khẩu được trợ cấp từ 7 nước, trong đó có Việt Nam. Như vậy, ngoài nguy cơ đối diện với vụ kiện này, mặt hàng tôm đông lạnh Việt Nam cũng đang bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ kể từ năm 2004.
Trong trường hợp cơ quan thẩm quyền Mỹ kết luận tôm Việt Nam được bán theo giá trợ cấp, các doanh nghiệp tôm Việt Nam xuất khẩu sang nước này sẽ gặp nhiều khó khăn vì doanh nghiệp phải chịu cả hai loại thuế là thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá.
Phái đoàn Việt Nam đã yêu cầu kiểm điểm tình hình Mỹ thi hành phán quyết của DSB trong vụ kiện tôm DS/404 về việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với tôm của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam chính thức gửi yêu cầu tham vấn về vụ việc chống bán phá giá tôm với ba nội dung chính: phương pháp quy về 0 (zeroing), thuế suất toàn quốc (country-wide rate) và vấn đề chọn mẫu (sampling).
Ban Hội thẩm trong vụ kiện DS/404 đã ra phán quyết ủng hộ hai trong ba vấn đề chính mà Việt Nam đưa ra, đồng thời khuyến nghị Chính phủ Mỹ điều chỉnh phù hợp với các quy định trong Hiệp định chống bán phá giá của WTO và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994).
Phái đoàn Việt Nam đã và đang tiếp tục yêu cầu Mỹ nghiêm túc tuân thủ phán quyết, sửa đổi luật của Mỹ liên quan đến cách tính biên độ chống bán phá giá, trao đổi làm rõ việc thực hiện các thủ tục của Mỹ liên quan đến điều tra chống bán phá giá đối với những mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam, đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong vụ kiện DS/404.
Hiện tại, Chính phủ Mỹ cũng đang chịu sức ép từ các nhà sản xuất tôm trong nước, tuy nhiên việc áp thuế đối với tôm nhập khẩu có ảnh hưởng không chỉ ngành tôm của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ.
vietnam+
|