Thứ Năm, 28/02/2013 08:11

Doanh nghiệp “chết” vì thủ tục hành chính

17 tháng sau khi hoàn tất thủ tục, Dự án Hòa Bình Green City vẫn không được cấp giấy phép xây dựng.

Ngay sau Tết Quý Tỵ, thị trường bất động sản Hà Nội xôn xao trước thông tin Dự án Hòa Bình Green City bị đình chỉ vì xây dựng không phép. Tuy nhiên, khi trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, chủ đầu tư dự án cho hay, cho đến thời điểm này, Công ty chưa nhận được bất kỳ quyết định đình chỉ thi công nào.

Vô cảm với doanh nghiệp

Dự án Hòa Bình Green City gồm 2 tòa tháp cao 27 tầng được xây dựng trên diện tích đất 1,7 héc-ta do Công ty TNHH Hòa Bình và CTCP Nông sản Agrexim làm chủ đầu tư. Công trình được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 27/9/2012, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1.500 tỷ đồng, tiến độ thực hiện Dự án từ 2012 - 2014.

Ông Đường cho biết, thực hiện chủ trương của Thành ủy và UBND TP. Hà Nội về việc di dời các cơ sở sản xuất kém hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành, ngày 26/11/2010, Công ty TNHH Hòa Bình và CTCP Nông sản Agrexim đã có công văn gửi UBND Thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chấp thuận đầu tư Dự án Hòa Bình Green City. Trải qua rất nhiều bước chuẩn bị thủ tục đầu tư, đến ngày 28/7/2011, chủ đầu tư đã hoàn chỉnh và gửi hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.

“Hiện nay, dự án của chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ xin cấp phép xây dựng cũng đã đầy đủ”, ông Đường nói và cho biết, theo thủ tục cấp phép đầu tư và cấp phép xây dựng trước đây thì chỉ trong vòng 60 ngày, tức là chỉ đến ngày 28/9/2011, chủ đầu tư đã có thể nhận được giấy phép xây dựng. Nhưng cho đến nay, thời gian đã chậm quá 17 tháng mà chúng tôi vẫn chưa có giấy phép xây dựng, nguyên nhân chính là do các cơ quan quản lý nhà nước của TP. Hà Nội đã lờ đi trách nhiệm với doanh nghiệp.

Để chứng minh cho nhận xét của mình, ông Đường nêu ví dụ, sau khi giấy chứng nhận đầu tư được cấp ngày 27/9/2012, ngày 3/12/2012, liên ngành Tài chính – Tài nguyên Môi trường – Cục Thuế - Xây dựng mới có tờ trình UBND Thành phố về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất dự án 505 Minh Khai. Ngày 19/12/2012, Công ty TNHH Hòa Bình có công văn gửi UBND Thành phố đề nghị chấp thuận để chủ đầu tư được nộp tiền sử dụng đất. Thế nhưng, gần 3 tháng trôi qua, nguyện vọng nộp tiền này vẫn chưa được UBND Thành phố hồi âm.

“UBND Thành phố phải ra quyết định để chúng tôi nộp tiền sử dụng đất thì Sở Xây dựng mới ký giấy phép xây dựng cho chúng tôi chứ”, ông Đường bức xúc nói và khẳng định: “Chúng tôi đã phải gửi 4 công văn đề nghị Thành ủy và UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp phép đầu tư và cấp phép xây dựng để dự án của chúng tôi sớm đi vào hoạt động”.

Doanh nghiệp và Nhà nước đều thiệt

“Việc chậm trễ thực hiện các thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng như trên đã gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty chúng tôi. Cụ thể là nếu theo quy định thì Công ty chúng tôi đã được cấp phép xây dựng và bán nhà, thu tiền, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp và cho ngân sách nhà nước, nhưng do chậm triển khai nên hàng trăm lao động không có việc làm, nhiều hợp đồng với đối tác lớn có nguy cơ đổ bể”, ông Đường bức xúc nói và cho biết, do dự án chậm triển khai nên 1 đối tác lớn có hợp đồng mua lại diện tích sàn thương mại của Dự án trị giá 330 tỷ đồng đã chính thức thông báo hủy hợp đồng; 1 đối tác nước ngoài cũng vừa thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng mua lại 500 căn hộ cho thuê trị giá gần 1.000 tỷ đồng của dự án; hàng trăm khách hàng đã tham gia chương trình huy động vốn đang kiến nghị đòi rút vốn…

Về phía lợi ích của Nhà nước, ông Đường đưa ra phép tính, theo tờ trình của liên ngành, Dự án Hòa Bình Green City phải nộp cho ngân sách nhà nước 322 tỷ đồng, nhưng do việc kéo dài thủ tục 17 tháng, nếu khoản tiền này tính theo lãi suất ngân hàng 10%/năm thì ngân sách nhà nước đã thất thu hơn 40 tỷ đồng.

Ngoài ra, nếu dự án này hoàn thành, Thành phố Hà Nội sẽ được sở hữu các công trình công cộng trong dự án trị giá hơn 90 tỷ đồng, gồm trường mầm non, văn phòng ủy ban, công an phường, nhà văn hóa. Đặc biệt, khi công trình đi vào hoạt động, hàng năm, Thành phố sẽ thu được tiền thuế từ kinh doanh văn phòng, căn hộ, siêu thị… ước tính trên 100 tỷ đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Qua vụ việc trên có thể thấy, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng và đang gây những hệ lụy cho nền kinh tế, thì một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vẫn không nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án. Và nói như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thì dù Chính phù đã sớm ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhưng các giải pháp mang tính cấp bách này có đi vào cuộc sống được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan chức năng và lãnh đạo các địa phương.

Minh Nhật

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Siêu thị điện máy: Giảm giá rồi bán cả DN (28/02/2013)

>   Quy định mới hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (28/02/2013)

>   Ưu đãi thuế nhập khẩu cho dự án lọc dầu Vũng Rô (27/02/2013)

>   Nông nghiệp 2013: Lo cho lúa gạo, hy vọng tôm cá (27/02/2013)

>   Hai tháng đầu năm 2013: Chỉ số công nghiệp tăng 6,8% (27/02/2013)

>   Cần tháo gỡ “rào cản Ethoxyquin” cho xuất khẩu tôm (27/02/2013)

>   Khơi dòng tín dụng cho tôm và cá tra (27/02/2013)

>   Ôtô nhập khẩu giảm mạnh trong tháng 2 (27/02/2013)

>   Các doanh nghiệp Thái quan tâm đầu tư ở Việt Nam (27/02/2013)

>   Tái cấu trúc nền kinh tế: Cơ hội vàng cho DN? (27/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật