Siêu thị điện máy: Giảm giá rồi bán cả DN
Sau một năm "chiến" nhau khốc liệt, thị trường điện máy được cho là đã tạm an bài và bước vào năm 2013 với những hướng phát triển mới.
Mở siêu thị là chết
Năm 2012, thị trường điện máy sụt giảm ghê gớm, tăng trưởng âm 20%. Tất cả DN đều gặp khó khăn, lợi nhuận giảm mạnh, thua lỗ, nhiều siêu thị phải đóng cửa.
Một DN phân phối thiết bị điện tử và công nghệ số ở Hà Nội cho biết, doanh thu năm 2012 khoảng 1.600 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ đạt 30 tỷ, bằng một nửa so với 2011. Trong khi đó, năm 2012, DN đã mở thêm 2 siêu thị điện máy mới tại Hà Nội, chi phí tăng gấp 1,5 lần nhưng doanh số tăng không đáng kể khiến lợi nhuận đã giảm mạnh.
Hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ trong lĩnh vực điện máy khác như Pico, Media Mart, Top Care, Việt Long, Nguyễn Kim, Best Carings... đều gặp phải khó khăn do tiêu thụ giảm sút. Trong đó không ít các siêu thị đang thua lỗ và hàng tồn kho chất đống, phải đóng cửa hàng.
Theo các DN, mỗi siêu thị điện máy phải có doanh số bán từ 20-30 tỷ đồng/tháng (khoảng 700 triệu -1tỷ đồng/ngày) mới tồn tại được. Tuy nhiên, 2012, doanh thu các siêu thị điện máy tại Hà Nội chỉ ở mức 100 triệu đồng/ngày. Có những đại siêu thị mở tại khu vực phía Tây Hà Nội với cả chục ngàn m2 nhưng doanh số mỗi ngày chỉ được 200 triệu đồng, sau 6 tháng đã phải thu hẹp lại một nửa, diện tích thừa cho thuê lại.
Trong lúc khó khăn nhu vậy thì "cuộc chiến" giữa các siêu thị điện máy lại nổ ra khốc liệt. Mục đích chính là giành giật thị phần và tiêu diệt lẫn nhau. Theo tính toán, chi phí từ khâu nhập hàng đến phân phối, bán lẻ, các mặt hàng điện máy hiện nay cần phải tăng giá từ 15-20% DN mới trang trải đủ chi phí. Song ngược lại, các siêu thị đã phải liên tiếp tung chiêu khuyến mãi khủng, nhiều mặt hàng có thời điểm phải giảm giá tới 50% để kéo khách.
Không ai bảo ai nhưng tất cả các siêu thị điện máy đều nhảy vào cuộc, cùng "chơi" trò giảm giá để đánh lại đối thủ. Hễ 1 siêu thị nào sắp tung ra chương trình khuyến mãi thì các siêu thị khác tung quân đến thám thính, nghiên cứu kỹ chương trình của đối thủ và ngay lập tức tung đòn trước, đối thủ giảm giá mặt hàng nào, bao nhiêu thì cũng giảm giá những mặt hàng đó thậm chí thấp hơn để phá kế hoạch.
Trong cuộc chiến đó không ít kẻ đã "thập tử nhất sinh", khi "sức yếu lực kiệt" thì hậu quả là đóng cửa một số hoặc toàn bộ hệ thống siêu thị vốn đã dày công xây dựng, nhường lại thị phần cho kẻ mạnh.
Nhiều thương hiệu tên tuổi 1 thời như Top Care, Việt Long, Best Caring... thì đang dần biến mất hoặc teo lại, ngày càng ít thấy xuất hiện trên thương trường.
Phá sản bán cả DN?
Theo các DN, "cuộc chiến" giá cả đã tạm dừng. Cho đến nay các DN nhận ra rằng cứ "đánh nhau" mãi về giá trong khi đó chất lượng dịch vụ không được nâng cao thì khó tồn tại. Giá cả nhiều sản phẩm điện máy đã ở mức quá thấp, lợi nhuận không còn, vì vậy tạm "ngừng chiến".
Một số siêu thị cho biết năm 2013 họ sẽ đổi mới về bán hàng, chẳng hạn cho khách hàng sử dụng trước trả tiền sau, hay cho đổi hàng nếu không ưng ý... Vì vậy "liên khúc" giảm giá được dự báo là sẽ không lặp lại trong năm 2013.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ là tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối.Diện tích mặt bằng không cần lớn nhưng phải là nơi thuận tiện gần khu đông dân cư, tiết giảm mọi chi phí tăng hiệu quả hoạt động. Đang có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc mở thêm các siêu thị, do chi phí thuê mặt bằng giảm mạnh và dễ dàng thuê được những địa điểm tốt với chi phí thấp.
Ngoài lý do đang có cơ hội tốt để mở rộng hệ thống phân phối, còn có lý do quan trong mà ít người nói ra, đó là mở và chờ để bán cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2013 các DN dự báo thị trường điện máy chưa thể khởi sắc, tăng trưởng vẫn giảm khoảng 10% so với 2012. Việc mở thêm nhiều siêu thị không làm cho doanh số tăng mạnh mà ngược lại khiến chi phí tăng, lợi nhuận giảm. Tuy nhiên một số DN cho biết, chỉ cần quản trị tốt, không để thua lỗ cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ là có cơ hội để bán.
Theo một số nguồn tin, hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu mua lại hệ thống phân phối bán lẻ tại Việt Nam. Đây là thời điểm có thể mua được với giá rẻ. Hiện một số DN Nhật Bản đang đàm phán với các DN bán lẻ Việt Nam trong đó có lĩnh vực điện máy để mua cổ phần. Nguyễn Kim, Trần Anh, Pico... được cho là đang đàm phán với các đối tác Nhật Bản để bán cổ phần.
Nhiều DN đang lo lắng giống hiện tượng tập đoàn Mai Linh khi kinh doanh dựa quá nhiều vào vốn vay, chỉ cần dòng tiền tắc ở 1 khâu nào đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động. Với DN Việt Nam việc bán được cổ phần cho đối tác nước ngoài trong lúc này sẽ giúp thu hồi vốn và có có nguồn tiền dồi dào đưa vào kinh doanh. Ngoài ra, với kinh nghiệm quản lý của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng, quản trị DN...
Theo nhận định, thị trường điện máy Việt Nam sẽ khởi sắc vào đầu năm 2014, vì vậy nhiều DN nước ngoài không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được cho là hấp dẫn với doanh số lên tới cả trăm tỷ USD/năm và số lượng lớn người tiêu dùng trẻ được cho là khách hàng tiềm năng đối với các sản phẩm điện máy.
Tuy nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua tới 51% để trở thành cổ đông chi phối thì rất có thể một cuộc thâu tóm lớn sẽ diễn ra và nhiều thương hiệu bán lẻ tên tuổi được DN Việt Nam dày công gầy dựng rất có thể sẽ lại rơi vào tay người nước ngoài trong thời gian không xa.
Trần Thủy
diễn đàn kinh tế việt nam
|