Tái cấu trúc nền kinh tế: Cơ hội vàng cho DN?
Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, các tập đoàn, TCty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt. Vậy cơ hội nào cho DN khi các nguồn lực được phân bổ lại?
Đề án tái cơ cấu kinh tế cần xác định rõ hệ thống phân bổ nguồn lực
trong nền kinh tế để tập trung hành động
|
Mục tiêu của đề án là tạo lập hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, ổn định và dài hạn, nhất là ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích đầu tư khác, thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.
Bốn giải pháp
Để đạt được mục tiêu trên Chính phủ sẽ tập trung: Thứ nhất là thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả. Duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định; trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu không khuyến khích.
Thứ hai là đổi mới cơ chế phân bố và quản lý sử dụng vốn. Huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 30 - 35% GDP, duy trì ở mức hợp lý các cân đối lớn của nền kinh tế như: Tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, ngân sách nhà nước, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ công và nợ nước ngoài quốc gia... Duy trì tỉ trọng đầu tư nhà nước hợp lý, khoảng 35 - 40% tổng đầu tư xã hội; dành khoảng 20 - 25% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển. Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng phát triển và các vùng kinh tế động lực...
Thứ ba là tập trung xử lý nợ xấu. Trong giai đoạn 2013 - 2015, sẽ tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng, trước hết tập trung xử lý nợ xấu của cả hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức tín dụng, tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh chính, bảo đảm khả năng thanh toán, chi trả và phát triển ổn định, bền vững, tập trung xử lý tình trạng sở hữu chéo và tăng tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…
Thứ tư là phân loại, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu…
Cần cơ chế thực thi
Trên thực tế, các giải pháp hoặc một phần của các giải pháp trên đã được Chính phủ thực hiện khá quyết liệt trong thời gian vừa qua và đã tạo chuyển biến tích cực cho nền kinh tế.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện những nội dung cơ bản của đề án, đưa ra các mục tiêu chi tiết. Không phải mọi ý tưởng, yêu cầu của đề án đã hoàn hảo; cần tiếp tục có những mổ xẻ thấu đáo hơn. Cũng rất cần khẩn trương thiết kế chương trình hành động cụ thể với những giải pháp chính sách, bước đi và mức độ ưu tiên thực thi. Bên cạnh đó phải rất quyết liệt hành động để ngay trong năm 2013-2014 có được những thành quả thật sự có ý nghĩa trong tái cấu trúc kinh tế, đối với cả khu vực DN Nhà nước, ngân hàng, và đầu tư công. Có như vậy mới thực sự tạo được niềm tin cho cộng đồng DN và toàn xã hội.
Đặc biệt là khi đã tạo ra một hệ thống động lực mới thì cần có cơ chế thực thi mới để đảm bảo các nguồn lực đang có và sẽ có được phân bổ thật sự hiệu quả.
Theo viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên: Đề án có mục tiêu rộng lớn, bao quát nhiều mặt, hướng tới việc thay đổi toàn bộ mô hình tăng trưởng kinh tế, thể hiện quyết tâm tạo ra sự thay đổi căn bản và triệt để trong cách thức phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đề án cần xác định rõ “tọa độ lửa” để tập trung hành động. Tọa độ đó, theo tôi là hệ thống phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.
Còn ông Đỗ Mạnh Hùng - Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Đề án tái cấu trúc muốn đạt đến nền công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp có sản phẩm cạnh tranh toàn cầu, dịch vụ làm hài lòng mọi người, nhưng không có nhân lực đáp ứng thì cũng bất khả thi. Điều quan trọng, đề án cũng phải làm rõ cơ chế đào tạo thu hút nguồn nhân lực.
Hấp thụ nguồn lực thế nào ?
Với hàng loạt giải pháp mà Chính phủ đưa ra, đặc biệt là việc tập tái cấu trúc khu vực DN Nhà nước đang và sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các DN dân doanh tiếp cận các nguồn lực kinh doanh một cách bình đẳng như yếu tố vốn, đất đai hay công nghệ... Vậy nhưng các DN sẽ nắm bắt cơ hội này như thế nào để bứt phá?
Con số 100,000 DN phá sản hoặc phải ngừng hoạt động trong 2 năm vừa qua, tương đương với tổng số DN ngừng hoạt động trong suốt 20 năm trước đó, ở góc độ nào đấy là sự sàng lọc tự nhiên đầy nghiệt ngã. Những DN còn tồn tại cũng đã rút ra được cho mình nhiều bài học kinh nghiệm xương máu. Thậm chí có không ít DN đã chứng tỏ được năng lực cạnh tranh của mình trong lúc khó khăn coi đây là cơ hội “ngàn vàng” để bứt phá vươn lên.
Tuy nhiên, đề án tái cơ cấu kinh tế không phải là cây đũa thần để các DN có thể “lột xác”. Để hấp thụ được nguồn lực đang được phân bổ lại thì vấn đề làm sao là phải nâng cao năng lực cho các DN, để DN có thể có đủ trình độ và năng lực khai thác tối đa quá trình dịch chuyển nguồn lực kinh doanh. Bản thân các DN phải tái cấu trúc để có thể nắm bắt được cơ hội mới. Và như vậy cơ hội chỉ đến đối với các DN đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động.
Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ:
Thay đổi tư tưởng cơ bản
Đề án phản ánh một tư tưởng rất cơ bản rằng VN phải thay đổi cách thức tăng trưởng, phát triển và về bản chất, đó chính là sự cải tổ mạnh mẽ, tạo ra một hệ thống động lực mới (kết hợp cơ chế thị trường, cam kết hội nhập và những chính sách “khôn ngoan”) và thể chế thực thi mới để các nguồn lực đang có và sẽ có được phân bổ thật sự hiệu quả.
Đề án tập trung vào những nỗ lực cơ bản để có bước đột phá phát triển giai đoạn 2013-2020. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu 3 lĩnh vực đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), tài chính-ngân hàng (trọng tâm là các tổ chức tín dụng), DN (trọng tâm là các tập đoàn, TCty nhà nước) và các ngành, có tính đến kinh tế vùng.
Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện Đề án không đơn giản, phát sinh không ít phức tạp, đòi hỏi phải xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội gắn với cải cách thể chế, tương tác giữa trong và ngoài nước, quan hệ lợi ích và chi phí cũng như trước mắt và lâu dài.
TS Vũ Đình Ánh: Xác lập đúng vai trò của các DNNN
Được xác định là một trong những nội dung trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế của VN, cốt lõi của cơ cấu lại khu vực DNNN phải là xác lập đúng vai trò của các DNNN trong nền kinh tế thị trường của chúng ta gắn với vai trò kinh tế của Nhà nước, trong đó cần làm rõ Nhà nước sử dụng công cụ gì để quản lý và can thiệp vào nền kinh tế, Nhà nước trực tiếp tham gia vào những lĩnh vực kinh tế nào thông qua thành lập và phát triển các DNNN, thông qua đầu tư công.. Theo đó, nội dung quan trọng nhất của cơ cấu lại DNNN là tổ chức sắp xếp lại khu vực DNNN phù hợp với vai trò mới của Nhà nước trong nền kinh tế. Tiếp theo mới là hoàn thiện khả năng quản lý nhà nước, giám sát tài chính đối với các DNNN đi đôi với tăng cường quản trị DNNN sao cho hiệu quả, thực hiện lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành các hàng hoá và dịch vụ mà DNNN cung cấp...
TS Nguyễn Minh Phong: Đối diện nhiều áp lực
Việc đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc có thể đối diện với áp lực về lao động theo cả hai hướng: Một mặt, sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao theo yêu cầu cơ cấu kỹ thuật mới mà không thể tạo ra trong ngày một ngày hai; Mặt khác, sự dư thừa đội ngũ lao động không còn phù hợp từ các cơ sở triển khai tái cấu trúc và kéo theo những gánh nặng về thất nghiệp và an sinh xã hội.
Hơn nữa, dưới góc độ đầu tư, nếu thiếu kiểm soát thì tái cấu trúc kinh tế cả cấp vĩ mô hay vi mô, quy mô lớn hay nhỏ đều có thể làm tăng rủi ro khi DN từ bỏ sản phẩm, thị trường và sở trường kinh doanh cũ để tham gia kinh doanh trên thị trường mới, với những áp lực mới không dễ vượt qua về sức cạnh tranh, kinh nghiệm, đối tác và kỹ năng phản ứng thị trường; từ đó có thể kéo theo các rủi ro về nợ nần mới hoặc thiếu hụt nguồn vốn và áp lực vay mới.
Đồng thời, nếu thiếu thận trọng, quá trình tái cấu trúc kinh tế còn có thể tạo cớ gây lãng phí các dự án đầu tư dở dang theo mô hình đầu tư cũ, gia tăng sự lạm dụng, thất thoát và tham nhũng mới những dự án đầu tư mới nhân danh tái cấu trúc, nhất là khu vực đầu tư công...
|
Phan Nam
Diễn đàn DN
|