Thứ Tư, 27/02/2013 22:08

Nông nghiệp 2013: Lo cho lúa gạo, hy vọng tôm cá

Trong khi lợi nhuận người nông dân thu được ở vụ lúa đông xuân đang thu hoạch rất thấp, dù hợp đồng xuất khẩu gạo ký được khá cao, thì những vấn đề về rào cản kỹ thuật Ethoxyquin, dịch bệnh, kiện chống trợ cấp… tiếp tục đưa ngành thủy sản gặp khó trong năm 2013.

Lợi nhuận nông dân trồng lúa thu được không đủ đầu tư cho vụ sản xuất kế tiếp. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân 2012-2013

Lúa gạo: Thu không đủ chi

Tại hội nghị: “Bàn về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản khu vực ĐBSCL” được tổ chức tại Đồng Tháp ngày 27-2, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết tính đến ngày 26-2, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo đạt 2,3 triệu tấn.

“Nếu cộng thêm khối lượng 700.000 tấn của năm 2012 chuyển sang, đến giờ này Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu đạt 3 triệu tấn, trong đó, khối lượng hợp đồng sẽ giao trong 6 tháng đầu năm nay dự kiến đạt 3,5 triệu tấn”, ông Phong cho biết.

Bên lề hội nghị trên, một số nhà chuyên môn cho biết, với số lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký (2 tháng đầu năm 2013 ký được 2,3 triệu tấn) như công bố của VFA, rõ ràng nói xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó là không đúng.

“Vấn đề khó đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam là giá bán quá thấp. Những doanh nghiệp ký bán ở tháng 1 với giá 380 – 390 đô la Mỹ/tấn, đến nay coi như lỗ hết”, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp cho biết.

Chính việc ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá quá thấp nên khả năng giá lúa gạo tăng thêm trong thời gian tới rất khó nên ông Phong nói: “Với giá mua lúa như hiện tại là phù hợp với giá quốc tế, nếu tăng thêm sẽ đụng với Ấn Độ, Pakistan và Myanmar, lúc đó doanh nghiệp sẽ rất khó bán được”.

Theo ông Quốc, muốn đảm bảo lợi nhuận của nông dân trong vụ đông xuân này đạt tối thiểu 30% theo chỉ đạo của Thủ tướng thì giá mua lúa cho nông dân phải 5.500 đồng/kí lô gam trở lên đối với lúa IR 50404 khô.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết tính đến ngày 26-2, các doanh nghiệp hội viên của họ đã triển khai thu mua tạm trữ đạt trên 211.800 tấn gạo, đạt 21% kế hoạch tạm trữ lần này. 

“Như trường hợp của chúng tôi, với giá thành sản xuất vụ đông xuân là 4.100 đồng/kí lô gam mà giá bán thực tế chỉ 5.100 – 5.200 đồng/kí lô gam (lúa IR 50404 khô) thì rất khó bảo đảm để nông dân có lãi tối thiểu 30%”, ông Quốc cho biết.

Theo tính toán của bà con nông dân trồng lúa ở ĐBSCL, với năng suất khoảng 7,5 tấn/héc ta cộng với giá bán 4.200 – 4.400 đồng/kí lô gam đối với lúa IR 50404 tươi, thì lợi nhuận người nông dân thu được không đủ để tái đầu tư cho những vụ kế tiếp.

Thủy sản: Huy vọng đạt 6 – 6,5 tỉ đô la Mỹ

Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn tham dự hội nghị trên, với những khó khăn xuất phát từ bên trong lẫn bên ngoài mà ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt như dịch bệnh trên tôm, rào cản kỹ thuật Ethoxyquin bên ngoài, kiện chống trợ cấp… chắc chắn xuất khẩu thủy sản 2013 sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết ông chỉ hy vọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2013 sẽ đạt được chỉ tiêu 6 - 6,5 tỉ đô la Mỹ.

Theo ông Hòe, có 3 nguyên nhân cơ bản khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp khó, đó là rào cản kỹ thuật Ethoxyquin từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, kiện chống trợ cấp đối với thị trường Mỹ; dịch bệnh trên tôm và thiếu vốn sản xuất.

“Đối với con cá tra, cung, cầu nguyên liệu trong quí 1 sẽ không thiếu, tuy nhiên, sang quí 2 sẽ xuất hiện tình trạng khan hiếm nguyên liệu. Riêng mặt hàng tôm, hiện nay bắt đầu khan hiếm nguyên liệu do dịch bệnh trên tôm chưa được khống chế, một số doanh nghiệp đã phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Còn về vấn đề kiện chống trợ cấp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), có thể sau tháng 9 mới có phán quyết cuối cùng nhưng đây thật sự là một thách thức lớn đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường này”, ông Hòe cho biết.

Ngoài ra, theo ông Hòe tình hình khó khăn về tín dụng cũng làm cho hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục gặp khó trong năm nay.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết trong tháng 1-2013 xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái, tức đạt trên 486 triệu đô la Mỹ nhưng mức tăng trưởng này không báo hiệu tích cực cho tình hình xuất khẩu năm 2013.

“Xuất khẩu năm nay tăng so với cùng kỳ năm 2012 vì thời điểm này của năm ngoái là giai đoạn nghỉ lễ nên kết quả xuất khẩu thấp”, ông Khánh cho biết.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết cũng không nên quá bi quan vào tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm nay vì một số thị trường mới đang mở ra, chẳng hạn Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về tôm và cá tra của Việt Nam và họ hy vọng xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt 6,5 tỉ đô la Mỹ.

Trung Chánh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Hai tháng đầu năm 2013: Chỉ số công nghiệp tăng 6,8% (27/02/2013)

>   Cần tháo gỡ “rào cản Ethoxyquin” cho xuất khẩu tôm (27/02/2013)

>   Khơi dòng tín dụng cho tôm và cá tra (27/02/2013)

>   Ôtô nhập khẩu giảm mạnh trong tháng 2 (27/02/2013)

>   Các doanh nghiệp Thái quan tâm đầu tư ở Việt Nam (27/02/2013)

>   Tái cấu trúc nền kinh tế: Cơ hội vàng cho DN? (27/02/2013)

>   Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho 5 dự án mới của Việt Nam (27/02/2013)

>   Xây dựng hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí (27/02/2013)

>   Công nghiệp đi xuống vì... Tết (27/02/2013)

>   Đạm Cà Mau quyết toán thấp hơn tổng đầu tư gần 200 triệu USD (27/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật