Năm thăng hoa của xuất khẩu phần mềm
Nền kinh tế chung khó khăn nhưng lĩnh vực xuất khẩu phần mềm năm qua vẫn phát triển, đạt mức tăng trưởng cao với nhiều tín hiệu khả quan cho giai đoạn sắp tới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được những dự án có độ phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao hơn trước rất nhiều.
Ông Trần Lương Sơn, giám đốc chiến lược kinh doanh quốc tế của Vietsoftware, cho biết năm 2012 công ty ông tăng trưởng doanh số gấp đôi năm trước, kéo theo nguồn nhân lực tăng mạnh. Ngay từ đầu năm đã có nhiều hợp đồng mới, các dự án ký dài hạn hơn và có độ phức tạp cao hơn. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đạt kết quả kinh doanh lạc quan.
Các nhà khoa học đang làm việc tại viện Khoa học tính toán TP.HCM – ngành khoa học ra đời tận dụng sự phát triển của ngành công nghệ thông tin
|
Tăng cả chất và lượng
Ông Sơn dự kiến năm nay mảng xuất khẩu phần mềm tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ thị trường chung phát triển tốt. Về toàn cục, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được những dự án có độ phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao hơn trước rất nhiều. “Chưa kể thị trường trong nước, nhiều dự án lớn bắt đầu xuất hiện do nhu cầu đầu tư công nghệ thông tin ở khối Chính phủ. Điều này sẽ giúp cải thiện thị trường, có thể tạo ra xu hướng mới và thúc đẩy toàn ngành tăng trưởng ổn định hơn”, ông Sơn dự báo.
FPT Software (FSoft) – doanh nghiệp phần mềm lớn nhất Việt Nam, đã thành công ấn tượng với doanh số xuất khẩu 81 triệu USD, tăng 30% và nguồn nhân lực hiện hơn 4.000 kỹ sư. Năm 2012, FSoft là công ty Việt Nam đầu tiên có tên trong top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu do Global Services (Ấn Độ) và NeoGroup (Mỹ) đánh giá dựa vào năng lực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm (ITO) và gia công quy trình kinh doanh (BPO). Tổng giám đốc Nguyễn Thành Lâm cho biết, mục tiêu doanh thu năm 2013 là 100 triệu USD cùng với kế hoạch tuyển dụng 1.000 – 1.500 kỹ sư/năm trong nhiều năm tới.
Theo ông Lâm, những yếu tố khách quan đã giúp lĩnh vực này tăng trưởng tốt là do kinh tế thế giới còn khó khăn, nhiều đối tác, khách hàng vẫn tiếp tục cắt giảm chi phí, Việt Nam đã được lựa chọn vì là nơi có mức chi phí thấp. Bên cạnh đó, các khách hàng Nhật có xu hướng chuyển sang khu vực ASEAN và Việt Nam cũng được nhắm đến. Về chủ quan, FSoft đã điều chỉnh lại mô hình tổ chức nhằm khai thác tối ưu theo từng thị trường.
Ông Ngô Văn Toàn, phó tổng giám đốc công ty Global CyberSoft (GCS), cho biết ngay từ cuối năm 2012 GCS đã thiết kế văn phòng cho hơn 100 kỹ sư mới và mở thêm trung tâm huấn luyện. Nhìn chung thị trường gia công khả quan và dự tính tăng trưởng 30% năm nay. Điều quan trọng nhất là các dự án ngày càng mang lại giá trị gia tăng cao với độ chuyên môn cao hơn nhiều. “Những năm qua, doanh nghiệp dần khẳng định được năng lực trong toàn chuỗi giá trị sản xuất phần mềm, thay vì những công đoạn đơn giản đã dần dịch chuyển sang khâu nghiên cứu, thiết kế, tạo được tính chủ động hơn về thị trường”, ông Toàn cho biết.
Chú trọng công nghệ mới
Ông Lâm cho biết, FSoft đã đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo công nghệ nhằm hướng tới vai trò là một đối tác tin cậy, có thể tham gia vào các công đoạn khó hơn trong quy trình sản xuất phần mềm, đưa ra giải pháp cho đối tác chứ không chỉ gia công đơn thuần. Bên cạnh việc cung cấp và phát triển các dịch vụ truyền thống hiện nay như phần mềm nhúng (embedded), dịch vụ di động (mobile services), y tế, ứng dụng web… sẽ đầu tư mạnh nguồn lực vào các mảng dịch vụ mới để theo kịp xu thế công nghệ toàn cầu như điện toán đám mây (cloud computing), ứng dụng di động (mobility)…
TS Nguyễn Hữu Lệ, chủ tịch TMA Solutions, nhận định cơ hội cho doanh nghiệp phần mềm ngày càng cao và đa dạng, bởi giải pháp/sản phẩm công nghệ thông tin đang hiện diện trong tất cả các hoạt động kinh tế. Những doanh nghiệp xuất phát từ gia công phần mềm hiện đang có nhiều sự chọn lựa hơn nhờ quá trình phát triển đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, năng lực tài chính lẫn công nghệ.
Sau nhiều dự án triển khai cho đối tác, phát triển các ứng dụng di động, TMA Solutions đang hợp tác với các chuyên gia đầu ngành của nước ngoài trong dự án ứng dụng công nghệ phân tích nhanh để xác định DNA với kỳ vọng tạo ra sản phẩm riêng. “Chỉ ý tưởng chưa đủ vì phải am tường thực tiễn bên ngoài, sự hiểu biết công nghệ trong một địa phận nào đó và việc thực thi phải gắn với đầu ra thị trường. Đầu tư cho các dự án R&D là cơ hội làm và thêm để doanh nghiệp có thể có những sản phẩm công nghệ cao ra thị trường”, ông Lệ chia sẻ.
Điểm sáng thị trường Nhật
Ông Sơn cho biết, trong làm ăn doanh nghiệp Nhật vốn nổi tiếng khắt khe với thời gian tìm hiểu lâu khiến đối tác dễ bỏ cuộc. Nhưng xu hướng gần đây cho thấy thời gian nghiên cứu và tìm hiểu đối tác của các công ty Nhật tại Việt Nam đã rút nhanh từ hàng năm xuống hàng tháng, là bước tiến đáng kể trong gia công xuất khẩu phần mềm với thị trường này.
Năm 2012, thị trường Nhật đóng góp trên 50% doanh số của F-Soft. Ông Lâm xác định năm 2013 đây vẫn là thị trường đóng góp doanh thu chính.
Các khách hàng lớn của FSoft từ Nhật như Hitachi, Panasonic, Fujitsu… đều tăng trưởng tốt về doanh thu lẫn phạm vi công việc. Nhiều dự án chuyên sâu hơn như nâng cấp các hệ thống phần mềm trên thiết bị y tế Hitachi sử dụng công nghệ xử lý ảnh 3D – là công nghệ mới trong chẩn đoán hình ảnh kết hợp y học hạt nhân... Ông Lâm khẳng định: FSoft sẽ tiếp tục hướng phát triển này với những dự án chất lượng và chuyên sâu nhằm thuyết phục đối tác chọn Việt Nam như một trung tâm nghiên cứu phát triển các dịch vụ IT và ITO.
Ở GCS, thị trường Nhật cũng chiếm cơ cấu gần 50% doanh thu với mức tăng ổn định nhiều năm từ 25 – 30%/năm. “Kỹ sư nói giỏi tiếng Nhật hiện vẫn được xem là “hàng hiếm” trong khi các dự án với Nhật luôn đòi hỏi tính chặt chẽ cao, nếu không gặp rào cản chung về nguồn nhân lực thì thị trường này có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nhiều”, ông Toàn cho biết.
Tuyết Ân
sài gòn tiếp thị
|