8.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong đầu năm 2013
Trong 2 tháng đầu năm, cả nước có hơn 8.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập mới chỉ đạt ở mức 8.000.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều nay (28/2), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông báo một số nội dung quan trọng được Chính phủ bàn thảo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, diễn ra chiều cùng ngày.
Trong tháng 02 và hai tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Kết luận của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ (số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP) về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu...; các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo điều hành, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý tỵ.
Về việc kiểm soát lạm phát, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm tăng 2,59% so với cuối năm 2012. Đây là mức thấp so với 2 tháng dịp Tết nhiều năm gần đây, tuy nhiên, cũng không được chủ quan với kết quả này.
Trong các cuộc họp, Chính phủ đều yêu cầu năm nay phải kiểm soát lạm phát thấp hơn năm 2012 (thấp hơn 6,81%), đảm bảo tăng trưởng cao hơn năm trước . Hai mục tiêu kép này luôn được Chính phủ quán triệt trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, hiện Chính phủ đang rất quan tâm đến giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu. Mới đây Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành yêu cầu doanh nghiệp không tăng giá xăng dầu mà sử dụng các công cụ cần thiết để giữ ổn định giá, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2013.
Về tổng phương tiện thanh toán, theo báo cáo kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 21/02/2013, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 3,31% so với tháng 12/2012. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 1,84%.
Lãi suất huy động và thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản thị trường tốt; dự trữ ngoai tệ tăng mạnh và đạt mức cao.
Tình hình xuất nhập khẩu trong hai tháng đầu năm vẫn có tín hiệu tốt. Cụ thể, tính chung hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong hai tháng đầu năm ước đạt 1.050 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012; vốn đăng ký cấp mới đạt 630 triệu USD.
Về công nghiệp, tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2012. Tốc độ tăng IIP hai tháng đầu năm của một số ngành chủ yếu: sản xuất hàng may sẵn tăng 18,9%; sản xuất giầy dép tăng 35,9%; sản xuất xi măng tăng 19,4%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 26,4% ...
Báo cáo cũng cho biết, hai tháng đầu năm ước tạo việc làm khoảng 200 nghìn lao động, đạt 12,5% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 12 nghìn người.
Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn
Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Số doanh nghiệp ngưng hoạt động trong 2 tháng qua là hơn 8.600 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập mới là 8.000.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng giảm (đến 25/2 tín dụng tăng trưởng âm 0,16%). Do vậy, Chính phủ cho rằng cần triển khai những giải pháp tháo gỡ khó khăn quyết liệt hơn. Cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để giữ đà tăng trưởng từ cuối năm 2012. Trong đó, quan tâm giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, phát triển nông nghiệp nông thôn, doah nghiệp nhỏ và vừa, nhà ở xã hội, xuất khẩu...
Ngay trong quý I/2013, Chính phủ yêu cầu phải đẩy mạnh đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng thời chú trọng xây dựng cơ chế thu hút các nguồn vốn đầu tư khác với các hình thức đầu tư phù hợp.
Đinh Bách
vnmedia
|