Sản xuất - tiêu thụ lúa gạo: Lúng túng tìm hướng đi
Thiếu liên kết và kế hoạch dài hơi nên doanh nghiệp vẫn luôn trong cảnh “gặp gì, xuất nấy” khiến cho người nông dân bị động khi trồng lúa thơm nhưng lại chỉ bán được lúa cấp thấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện nhưng lại không được phép xuất khẩu.
Thiếu liên kết và “mù” thông tin
Từ năm 2010, nhiều giống lúa thơm, đặc sản của Việt Nam được thị trường ưa chuộng nên các bộ, ngành chức năng đã khuyến khích người trồng lúa giảm bớt diện tích sản xuất lúa cấp thấp để đầu tư cho lúa chất lượng cao. Tính riêng năm 2012, Việt Nam xuất khẩu (XK) được gần 3,6 triệu tấn gạo cao cấp (chiếm 46,29% tổng số lượng gạo XK), gạo trung bình hơn 1,9 triệu tấn (23,50%), gạo thơm gần 600.000 tấn, gạo cấp thấp chỉ còn 900.000 tấn.
Tuy nhiên, qua vài mùa được giá, vụ đông xuân năm nay, giá lúa thơm bất ngờ rớt thê thảm, chỉ chênh với lúa thường từ 200- 300 đồng/kg, trong khi chi phí trồng trọt lại cao hơn rất nhiều. Người dân chịu lỗ đã đành nhưng muốn bán cũng không được. Nông dân Trần Văn Bình ở thị trấn Hòn Đất (Kiên Giang) ngao ngán nói: “Năm nay hộ nào trồng lúa thơm thì lỗ nặng”. Nhiều nông dân đang phải trữ hàng chục tấn lúa thơm trong nhà vì giá xuống quá thấp, dao động từ 5.200- 5.600 đồng/kg, thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ trước.
Nông dân bị "mù" thông tin về XK gạo
|
Phân tích sâu xa căn nguyên này, ông Vũ Quý Mùi- Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Vạn Lợi (ấp số 8, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất) cho rằng: Nông dân hiện vẫn hầu như “mù” thông tin về hoạt động XK gạo cũng như loại gạo doanh nghiệp (DN) cần cho các hợp đồng trong một năm để từ đó có thể chuẩn bị nguồn hàng. Vì thế, việc canh tác vẫn chỉ dựa vào tập quán lâu đời, luôn bị động mỗi khi thu hoạch và giá trị thu về của cả người trồng lúa lẫn DN đều không cao. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có thương hiệu gạo riêng nên cũng khó cạnh tranh với các quốc gia khác. Điều này khiến các hợp đồng XK gạo mà DN có được chỉ là “có gì bán nấy” chứ chưa có định hướng rõ về thị trường.
Đủ điều kiện vẫn phải “xuất chui”
100 DN đủ điều kiện XK gạo đã được công bố, tuy nhiên, theo tinh thần của Nghị định 109 thì số các DN đáp ứng được tiêu chí để tham gia XK gạo đã lên đến khoảng 150. Vì thế, số DN còn lại không được cấp phép sẽ không được tham gia tạm trữ lúa gạo và cũng không được trực tiếp XK gạo.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết- Giám đốc Sở Công Thương An Giang - chia sẻ: DN đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết, đầu tư cả trăm tỷ đồng để xây kho chứa theo đúng quy định của Nghị định 109 nhưng không được cấp phép. Nhiều DN có thị trường, ký được hợp đồng tốt mà không được trực tiếp XK, phải “xuất chui” qua DN có giấy phép. “Tạm trữ mà không có đầu mối XK thì cũng chịu, vì thế, DN đang mong chờ Chính phủ thông qua đề án của Bộ Công Thương, cho phép mở rộng đầu mối XK gao”- bà Tuyết bày tỏ.
Do không chủ động được hoạt động XK nên DN cũng không tính toán được thời điểm mua dự trữ hàng. Thêm vào đó lại mất thêm chi phí cho đơn vị ủy thác nên những thiệt hại này không chỉ DN phải gánh chịu mà người trồng lúa cũng bị “vạ lây”.
Thùy Linh
Báo công thương
|