Nghịch lý trồng lúa chất lượng cao, thu nhập thấp
Thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ lúa Đông - Xuân 2012-2013, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi phần lớn diện tích sang trồng lúa chất lượng cao. Thế nhưng, vào đợt thu hoạch rộ, giá lúa chất lượng cao lại sụt giảm. Hậu quả là hàng vạn nông dân đang gánh chịu thiệt hại từ việc trồng lúa chất lượng cao nhưng thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân than phiền rằng giá thóc đã bấp bênh thì người trồng lúa tại đây lại phải mất thêm nhiều loại phí cho đội ngũ môi giới, mà người dân thường hay gọi là “cò”.
Lúa thơm khó tiêu thụ
Vụ Đông xuân năm 2012 – 2013, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha diện tích lúa, trong đó diện tích lúa thơm, lúa chất lượng cao tăng đáng kể.
Chỉ riêng Kiên Giang, diện tích lúa thơm chiếm đến 70%, tương đương khoảng 220.000 ha, thành phố Cần Thơ là 60.000 ha. Các tỉnh còn lại như An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long…, lúa thơm cũng chiếm diện tích rất lớn.
Tuy nhiên, qua vài mùa được giá, vụ Đông Xuân năm nay giá lúa thơm bất ngờ rớt "thê thảm," chỉ chênh với lúa thường từ 200-300 đồng/kg trong khi chi phí trồng trọt lại cao hơn rất nhiều.
Chuyến đi thực tế của chúng tôi tại một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long vào đúng lúc người dân đang thu hoạch lúa. Tuy nhiên, khác với mọi năm, khi lúa được thu hoạch đến đâu, bán hết đến đấy, ở vụ này, thương lái chỉ mua lúa cấp thấp IR 40504, còn lúa chất lượng cao hầu như không bán được.
Anh Trần Văn Bình ở thị trấn Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết, hiện một nửa diện tích ở thị trấn này trồng lúa chất lượng cao. Ngay như gia đình anh cũng trồng 15 ha lúa, thì trong đó có hơn một nửa là lúa chất lượng cao. “Tuy nhiên, giờ muốn bán cũng không bán được mà để lại thì không có chỗ bảo quản và nợ lãi ngân hàng. Năm nay hộ nào trồng lúa thơm thì lỗ nặng,” anh Bình ngao ngán nói.
Được biết, nông dân ở một số huyện thuộc Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang đầu tư trồng lúa thơm Jasmine hay lúa chất lượng OM4900 đang phải trữ hàng chục tấn lúa trong nhà vì giá xuống quá thấp, dao động từ 4.900 - 5.500 đồng/kg, thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg vo với vụ trước mà doanh nghiệp cũng không "mặn mà" thu mua.
Cùng với nhiều hộ dân khác, vụ Đông Xuân này, bà Nguyễn Thị Năm ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ đã trữ lúa tại nhà. Biết là sẽ tốn thêm chi phí nhưng nếu bán lúc này thì cầm chắc là hòa hoặc lỗ vốn. Giống lúa Jasmine mà bà canh tác, 1kg chỉ được thương lái thu mua với giá khoảng 4.900 đồng.
"Tôi trữ lại để dành chứ bán bây giờ giá thấp quá. Giá mua tại ruộng chỉ có 4.900 đồng/kg. Còn lúa khô thì 6.300 đồng/kg. So với năm ngoái thấp hơn 1.000 đồng/kg,” bà Mùi than thở.
Phân tích sâu xa căn nguyên này, ông Vũ Quý Mùi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Vạn Lợi, ấp số 8, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất cho rằng: Nông dân hầu như không biết thông tin gì về hoạt động xuất khẩu gạo, loại gạo… mà doanh nghiệp cần cho các hợp đồng trong một năm để từ đó có thể chuẩn bị nguồn hàng. Vì thế, hoạt động canh tác vẫn chỉ dựa vào tập quán lâu đời, dẫn đến luôn bị động mỗi khi thu hoạch và giá trị thu về của cả người trồng lúa lẫn doanh nghiệp đều không cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có thương hiệu gạo riêng nên cũng khó cạnh tranh với các quốc gia khác. Điều này khiến các hợp đồng xuất khẩu mà doanh nghiệp có được chỉ là “có gì bán nấy” chứ chưa định hướng được thị trường.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2013, các doanh nghiệp sẽ cần từ 7 đến 800.000 tấn gạo Jasmine cung cấp cho các đối tác. Vì vậy, nhu cầu mua vào dự trữ là cần thiết. Tuy nhiên, hiện thị trường xuất khẩu loại gạo này chưa nhiều.
“Lợi nhuận bằng không”
Trong khi đang đau đầu vì giá lúa thấp không bán được thì người trồng lúa cũng đang phải mất trắng thêm từ 15 – 20% phí cho "cò" tiêu thụ lúa.
Tìm hiểu “đường đi” của hạt lúa từ ruộng tới kho của doanh nghiệp, mới thấy nỗi gian truân của người dân khi không được chủ động quyết định giá cho sản phẩm mình làm ra.
Ông Mùi bộc bạch: Một hạt gạo xuất khẩu phải qua 3 khâu trung gian trước khi đến được với doanh nghiệp. Từ khi lúa lấp ló chín trên đồng, “cò ruộng” đi một vòng xem xét rồi ra giá, sau đó gọi lái ghe đến mua lẻ, lái ghe thu mua tại ruộng rồi chở đến nhà máy xay và cuối cùng lúa khô được nhà máy xay bán cho doanh nghiệp thu mua, tạm trữ.
“Một ghe lúa khoảng 50 tấn, 'cò ruộng' được 2 triệu, lái ghe bán cho thương lái lời từ 5-10 triệu, thương lái bán cho doanh nghiệp lại “ăn” vào đó một khoản nữa, nên thực sự là người nông dân không được bao nhiêu từ hạt lúa của mình,” ông Mùi tính toán.
Nhiều hộ dân ở đây muốn xuất trực tiếp đến người thu mua để giảm khoản phí này nhưng số lượng ít, hơn nữa Kiên Giang chưa có doanh nghiệp Nhà nước đứng ra bao tiêu, đa phần phải bán sang An Giang, Đồng Tháp nên không những người trồng lúa “ngại” vận chuyển mà các thương lái cũng không muốn đi thu mua trực tiếp vì qua hệ thống “cò”, họ sẽ giảm chi phí xăng dầu cũng như thời gian thu mua mà chất lượng lúa lại tốt hơn.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho hay: Thực trạng hiện nay ở Kiên Giang, các doanh nghiệp không đủ "lực" để thu mua lúa cho nông dân nên phải thông qua tư thương, dẫn đến việc nông dân bị ép giá và người thụ hưởng là các doanh nghiệp chứ không phải nông dân, nghĩa là lợi nhuận bằng không.
Nói về giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Long cho biết, để tránh tìnhtrạng “cò” như hiện nay thì các doanh nghiệp nhà nước nên ký hợp đồng với nông dân không qua trung gian. Doanh nghiệp đặt hàng với nông dân, đảm bảo nông dân có lợi nhuận 30%.
Còn theo ông Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang, hiện tỉnh Kiên Giang đang triển khai cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu sản phẩm làm sao để gắn được người nông dân với doanh nghiệp. Tỉnh cũng đang chỉ đạo xây dựng các hợp tác xã, kể cả hợp tác xã dịch vụ thu mua lúa cho người dân để giảm bớt chi phí. Ngoài ra, phương án xây dựng nhà máy ở Hòn Đất để bao tiêu sản phẩm, đồng thời thực hiện cánh đồng mẫu lớn cũng đang được các ban ngành nghiên cứu.
Để chia sẻ khó khăn với bà con, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Kiên Giang cho biết sẽ giãn thời hạn nợ lại không tính lãi trong vòng 1 – 2 tháng cho các hộ dân. Như vậy nông dân sẽ giữ lúa và chủ động giá bán khi thấy hợp lý.
“Các năm trước nông dân trúng giá thì luôn trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Tuy nhiên, năm nay do giá lúa xuống thấp nên Ngân hàng đã gia hạn nợ để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó, nếu các hộ dân có nhu cầu thì Ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay mới,” lãnh đạo Agribank Kiên Giang khẳng định.
Thúy Hà
Vietnam+
|