Quy mô tín dụng ngân hàng/GDP của Việt Nam đang lớn cỡ nào?
Cộng hòa Síp có một hệ thống ngân hàng rất lớn so với quy mô nền kinh tế, và đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm đã khiến nước này chao đảo. Quy mô cấp tín dụng, tài sản ngành ngân hàng Việt Nam đang lớn như thế nào?
* Những số phận quốc gia dưới trướng hệ thống ngân hàng
Mới đây, kế hoạch đánh thuế rất cao đối với tiền gửi ngân hàng ở Cộng hòa Síp, một phần trong điều kiện của gói giải cứu từ Liên minh châu Âu (EU) dành cho nước này, đã khiến người dân đổ xô tới các máy ATM để rút tiền mặt.
Hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán của Síp sau đó đã phải tạm ngừng hoạt động. Mặc dù cuối cùng không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Síp, sự kiện này đã làm rúng động cả thị trường tài chính Châu Âu, và đe dọa đẩy khu vực này trở lại khủng hoảng.
Khá trùng hợp, trước đó Hiệp hội bất động sản TPHCM cũng có đề xuất tương tự là đánh thuế tiền gửi tiết kiệm và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận.
Hệ thống ngân hàng Síp: Tài sản gấp 9 lần GDP – Tín dụng 3 lần GDP
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Síp có một hệ thống ngân hàng rất lớn so với quy mô nền kinh tế.
Cụ thể, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Síp bằng 896% GDP trong năm 2010, so với mức trung bình ở khu vực EU và Eurozone lần lượt là 357% và 334% (số liệu trong năm 2009).
Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng nền kinh tế Síp so với GDP tăng liên tục từ khoảng 80% trong năm 1985 lên đến hơn 330% trong năm 2011, tức tăng hơn 4 lần. Riêng giai đoạn 2005 – 2011, tỷ lệ này cũng đã tăng gần 2 lần.
Tỷ lệ tín dụng nền kinh tế so với GDP của Cộng hòa Síp (%)
Nguồn: TradingEconomics – World Bank. Đơn vị: %
|
Quy mô hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ở đâu?
Quy mô của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ vừa qua.
Cụ thể, tỷ lệ tín dụng nền kinh tế so với GDP đã tăng hơn 3.4 lần trong giai đoạn 2000 – 2011, và tăng 1.6 lần trong giai đoạn 2006 – 2011. Đáng chú ý, quy mô tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ cả theo tương đối lẫn số tuyệt đối kể từ sau những năm 2004, 2005.
Đến cuối năm 2012, tổng tín dụng nền kinh tế theo số liệu công bố của NHNN ước đạt 3,038,265 tỷ đồng (tăng khoảng 7% so với cuối năm 2011), và tổng tài sản của hệ thống ngân hàng là 5,085,780 tỷ đồng.
Như vậy, nếu so với GDP năm 2012 ước tính ở mức 2,950,684 tỷ đồng, thì tổng tài sản của hệ thống ngân hàng năm 2012 bằng 172.36% GDP và tín dụng nền kinh tế bằng 102.97% GDP.
Sau gói kích thích kinh tế “khủng” năm 2009 và một số “hiệu ứng” tăng trưởng tín dụng được cho là ảo, quy mô tín dụng trong nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại rõ rệt. Hiện tượng này đang đi cùng với giai đoạn trì trệ của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng bước vào lộ trình tái cơ cấu toàn diện.
Tỷ lệ tín dụng nền kinh tế so với GDP của Việt Nam (%)
Nguồn: TradingEconomics – World Bank. Đơn vị: %
|
So với các nước ASEAN thế nào?
Nếu như hệ thống ngân hàng của Việt Nam dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008 kéo dài, thì mức độ tác động này là không đáng kể ở một số nước khu vực ASEAN. Một lý do quan trọng là hệ thống ngân hàng ở các nước này đã trải qua cuộc “thanh lọc” sâu sắc sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997 – 1998.
Biểu đồ bên dưới cho thấy, tỷ lệ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở một số nước như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia đã đạt đỉnh trong những năm 1997 – 1998 và đi xuống sau đó đáng kể.
Trong khi tín dụng nền kinh tế Singapore giữ mức tăng trưởng tương đối ổn định, thì Việt Nam lại có sự mở rộng vượt bậc từ năm 1998 đến nay và ngược xu hướng so với các nước ASEAN còn lại. Tỷ lệ tín dụng nền kinh tế so với GDP của Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Philippines, Indonesia).
Tỷ lệ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở một số nước ASEAN (%)
Nguồn: TradingEconomics – World Bank. Đơn vị: %
|
Hoàng Vũ (Vietstock)
FFN
|