Thứ Hai, 25/03/2013 09:18

Nhà băng hạ lãi vay: Buồn như ôm… nợ cũ

Tuần qua, một lần nữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Theo ông, hiện nay mức 10 - 13%/năm là hợp lý.

Vốn khả dụng dư thừa, liên tiếp các gói tín dụng giá mềm được đưa ra, người vay mới dường như đang đứng trước cơ hội thuận lợi

Không phải đến lúc này, ngay từ đầu năm nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục mở các gói tín dụng lãi suất thấp, chỉ khoảng 10 - 12%/năm.

Điển hình như tại Ngân hàng Á Châu (ACB) là dồn dập bốn gói khác nhau, chỉ 10,5 - 12,5%/năm, áp cho cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Hay tại Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), từ 22/3, là gói tín dụng lãi suất chỉ 11 - 12%/năm…

Vốn khả dụng dư thừa, liên tiếp các gói tín dụng giá mềm được đưa ra, người vay mới dường như đang đứng trước cơ hội thuận lợi. Còn với những người đang ôm nợ cũ, gánh nặng lãi suất vẫn còn đó.

Trò chuyện với VnEconomy cuối chiều 22/3, một lãnh đạo ngân hàng thương mại nói rằng: “Mình thấy buồn với nhiều chuyện hiện nay. Có lúc mình muốn ngồi viết một bài nào đó cho hoàn chỉnh, đầy đủ để tham gia với các bạn, để góp thêm một góc nhìn của người trong cuộc. Sắp tới, không tham gia công tác điều hành nữa, chuyển sang quản trị, có thời gian hơn và bớt ràng buộc, có thể mình sẽ viết”.

Và điều ông chia sẻ là tình cảnh những khách hàng cũ của mình. Nhận thấy không công bằng, nhưng ngay tại ngân hàng ông đang điều hành, cũng không làm khác được.

Một loạt chương trình cho vay lãi suất 10 - 12%/năm ra đời, lôi kéo khách hàng mới. Còn khách hàng cũ, nhiều người vẫn còn phải gánh lãi suất từ 16 - 18%/năm.

Khác biệt đó không mới, hay là rất bình thường bao lâu nay trong hoạt động ngân hàng. Nó thường được lý giải: trước đây ngân hàng phải huy động lãi suất cao, lãi suất đầu ra cần có thời gian để cân đối.

Nhưng nay, đã một năm trôi qua kể từ điểm khởi đầu của đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2012. Các khoản huy động chi phí cao phần lớn cũng đã đáo hạn (chưa nói mức lãi suất huy động bình quân sẽ thấp hơn nhiều so với mốc 14%/năm trước đây). Một năm trước, tại hội nghị ngành địa bàn Hà Nội, các lãnh đạo ngân hàng cũng từng phản ánh một khó khăn trong hoạt động là các khoản tiền gửi dài hạn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, trên dưới 10% cơ cấu vốn.

“Đến nay có một sự trái ngược. Năm trước tôi mua nhà giá cao, gánh lãi suất rất cao. Nay, anh là khách hàng mới mua được nhà giá thấp hơn, lãi suất cũng được thấp hơn rất nhiều, còn tôi vẫn chịu lãi suất cao như vậy. Vấn đề không phải là phân biệt lợi ích giữa anh và tôi, mà là không công bằng trong hệ thống ngân hàng, vì anh và tôi đều là khách hàng giống nhau cùng lúc lại chịu hai chi phí khác nhau. Đáng buồn là thị trường nó tồn tại như vậy”, vị lãnh đạo ngân hàng trên dẫn giải.

Một điểm khác liên quan mà người trong cuộc này cho rằng cần xem xét thêm là chính sách hỗ trợ lãi suất mua nhà sắp ra đời. Lãi suất dự kiến chỉ 6%/năm, quy mô 30.000 tỷ đồng. Theo đó, sự trái ngược trên sẽ càng bị khoét sâu.

Đương nhiên, chính sách hỗ trợ, người dân được lợi. Nhưng cũng là nhu cầu mua nhà ở, cùng sống trong một môi trường, cùng đóng thuế như nhau, song người thì được lãi suất rất ưu đãi, người thì vẫn đang và sẽ phải trả lãi suất cao hơn nhiều.

Rộng hơn, tại sao lại chỉ có vay mua bất động sản mới được lãi suất thấp như vậy? Sao không phải là các hộ nông dân vay vốn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hay vay vốn cho con cái học tập, thậm chí cho tiêu dùng…?

“Dù chính sách nhắm tới kích cầu và hỗ trợ người dân mua nhà ở, có ý nghĩa an sinh xã hội, nhưng có thể nó vô tình không công bằng, tạo nên nhóm lợi ích, hay vẫn có quan điểm xem đó là “giải cứu” bất động sản. Theo tôi thì không nên giải cứu như vậy, phải có sự trả giá cho những bất cập trước đây. Ai phải trả giá cho tình trạng bong bóng trước đây, hay chính là những người vay mua nhà cũ vẫn đang phải đeo đuổi lãi suất cao?”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nêu quan điểm.

Và ông cho rằng, trong một thị trường mà các thành viên tham gia bình đẳng như nhau, cùng một phạm vi và nhóm đối tượng, lại tồn tại hai giá, người được lãi suất 6%/năm song song với người vẫn phải trả 16 - 18%/năm, thì dễ bị méo mó.

Minh Đức

tbktvn

Các tin tức khác

>   Vốn ngoại cứu NH yếu kém: Trông đợi và hoài nghi (25/03/2013)

>   Thận trọng với lãi suất thấp (25/03/2013)

>   Nhìn lại 16 năm “tranh giành” mặt bằng hội sở Ngân hàng ACB (25/03/2013)

>   Nguy cơ ngân hàng thành tổng kho hàng ế (24/03/2013)

>   Lãi suất cho vay: Kỳ vọng 10%/năm (23/03/2013)

>   Một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất huy động (22/03/2013)

>   Các chủ nợ thống nhất nguyên tắc cơ cấu lại tiền vay/tiền gửi tại SCB (22/03/2013)

>   NHNN cam kết sẽ hạ lãi suất cho vay (22/03/2013)

>   VAMC sẽ mua nợ xấu bằng 100% giá trị sổ sách (22/03/2013)

>   “Hạ lãi suất mới giải quyết được các điểm nghẽn khác” (22/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật