Ngoại hối cần được quản lý như tài nguyên quốc gia
Việt Nam chưa tới thời kỳ nới lỏng quản lý ngoại hối và nó cần được quản lý như tài nguyên quốc gia. Đây là khẳng định của Chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Trần Du Lịch tại buổi Toạ đàm về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối do Ủy ban Kinh tế (Văn phòng Quốc hội) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 6/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, nông dân Việt Nam cả năm vất vả mới xuất khẩu nông sản trị giá 3,5 tỷ USD, trong khi trong một năm đó, nhiều hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài chữa bệnh, du học, mua bất động sản… của người Việt Nam cũng hết chừng đó ngoại tệ, vì vậy quản lý ngoại hối chưa thể tự do hóa trong điều kiện hiện nay.
Ông cũng nhấn mạnh, vấn đề chảy máu ngoại tệ là vô cùng nguy hiểm, quản lý ngoại hối nếu lỏng lẻo sẽ gây thất thoát nghiêm trọng, nhất là tình trạng chuyển ngân lậu.
Ngoài ra, tiến sĩ Trần Du Lịch cũng đề nghị nên đưa thêm mục quản lý vàng vào Pháp lệnh sửa đổi, cần xem vàng như ngoại tệ để quản lý chặt chẽ.
Đề cập đến vấn đề dịch vụ cung ứng ngoại hối, đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu một thực tế liên quan đến kiểm tra khoản vay trung và dài hạn có quy định của điều 28.8 và 24.4 của Nghị định 134 về trả nợ nước ngoài, theo đó các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, ngân hàng chỉ được rút vốn trả nợ nước ngoài khi khoản vay đã được đăng ký theo quy định.
Như vậy, các ngân hàng khi nhận được các lệnh chuyển tiền của nước ngoài về không thực hiện được ngay vì phải kiểm tra các nội dung liên quan.
Hiện nay, trên hệ thống ngân hàng Việt Nam, dịch vụ thanh toán được thực hiện tự động qua hệ thống máy tính, không có sự can thiệp của con người, nếu một doanh nghiệp trong nước vay trung dài hạn của nước ngoài yêu cầu đối tác nước ngoài chuyển tiền về ngân hàng Việt Nam, hệ thống sẽ thực hiện chuyển tự động và không phân loại được lệnh nào đã được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước theo Nghị định 134.
Vì vậy, đại diện của Vietcombank kiến nghị trong Pháp lệnh mới nên quy định giao trách nhiệm cho người đi vay phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước hơn là giao việc kiểm tra việc đăng ký cho ngân hàng, đảm bảo người đi vay đã thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại buổi toạ đàm, nhiều đại biểu quan tâm tới quy định tại Điều 22 về hạn chế sử dụng ngoại hối, theo đó “trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá trong hợp đồng thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”
Các đại biểu cho rằng ở đây cần nêu rõ các trường hợp được phép theo quy định là gì, tránh gây khó hiểu trong Pháp lệnh.
Ngoài ra, có đại biểu cho rằng Điều 22 sẽ gây khó khăn cho thực hiện, vì trong Điều 23 lại ghi “người cư trú, người không cư trú được mở tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép,” như vậy là Pháp lệnh chỉ cho phép mở tài khoản ngoại tệ nhưng ở trên lại “trói” bằng việc mọi giao dịch không thực hiện bằng ngoại hối…
Liên Phương
vietnam+
|