Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi: Miếng ngon mất phần
Trong ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi được xem là có lợi nhuận cao nhất. Song miếng ngon ấy cho đến nay các DN Việt Nam vẫn chưa thể khai thác.
Cứ than…
Cũng như các DN thuộc nhiều lĩnh vực khác, năm 2012 khép lại với muôn vàn khó khăn mà các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phải đối mặt. Và trong năm nay, những khó khăn ấy dường như còn nhiều hơn khi sức ép cạnh tranh từ các DN FDI lớn dần.
“Làm sao cạnh tranh với DN ngoại khi lãi suất năm 2011 chúng tôi vay khoảng 18-24%/năm, năm 2012 có giảm nhưng vẫn ở mức cao 15%/năm. Còn sang năm nay cũng có DN tiếp cận mức 10%/năm. Nhưng nếu nhìn sang các DN nước ngoài cùng ngành, họ chỉ phải vay vốn với mức lãi suất khoảng 3-5%/năm, thậm chí còn thấp hơn. Đó là chưa kể họ được hỗ trợ vốn từ công ty mẹ” - ông Nguyễn Thanh Phúc, đại diện một công ty thức ăn chăn nuôi, phân trần.
Đóng gói thức ăn chăn nuôi tại 1 DN
|
Thiếu vốn hoặc phải sử dụng đồng vốn với lãi suất cao đã khiến nhiều DN e dè trong việc thu mua nguyên liệu số lượng lớn để hạ giá thành đầu vào. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, năm 2012 các DN trong nước phải nhập khẩu 8 triệu tấn nguyên liệu với giá trị trên 3 tỷ USD.
Ngoài ra, việc thiếu những chuỗi khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm con giống, chăn nuôi, chế biến thực phẩm… mà giới trong ngành hay gọi là mô hình từ trang trại đến bàn ăn cũng khiến đầu ra của các DN nội thiếu ổn định, nên khó mạnh dạn tăng sản lượng sản xuất. Đó là chưa kể DN nội phải nộp thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, trong khi DN ngoại thì không.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, cho hay: “Nhà nước và các tổ chức tín dụng nên có chính sách ưu đãi cho DN vay vốn đầu tư tạo vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Song song đó, cũng nên có chính sách hỗ trợ DN đầu tư kho tạm trữ nguyên liệu”. Tuy nhiên, nỗ lực tự thân của DN là hết sức quan trọng. DN cần đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng; liên kết với nhau tạo ra sức mạnh. Trên thực tế, vẫn có những DN nội vươn lên mạnh mẽ trong thời gian vừa qua như Công ty Cám Vina, Công ty Hồng Hà…
Sẽ mất thêm thị phần
Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam có doanh số hàng năm lên tới 6 tỷ USD và mức tăng trưởng luôn trong khoảng 13-15% đã trở thành miếng mồi béo bở cho các tập đoàn nước ngoài nhảy vào khai thác. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 230 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 58 nhà máy thuộc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài với 60% tổng sản lượng cả nước.
Những con số này đang minh chứng rõ nét cho sự chiếm lĩnh mạnh mẽ của các DN ngoại. Và những cái tên quen thuộc như CP Việt Nam, New Hope, Cargrill… đều đang có chiến lược mở thêm nhà máy. Cụ thể, CP cho hay đến năm 2014 sẽ có thêm 6 nhà máy thức ăn chăn nuôi-thủy sản tại Việt Nam.
Tương tự, New Hope cho biết sẽ xây thêm 5-6 nhà máy tại Việt Nam trong những năm tới. Sức hút của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng được thể hiện rõ nét. Riêng trong năm 2012, 95% dòng vốn FDI vào chăn nuôi được đổ vào thức ăn chăn nuôi, 4% vào sản xuất con giống và 1% vào các lĩnh vực khác trong chăn nuôi.
Mới đây nhất, những ngày đầu tháng 3, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz (KSF) của Nhật Bản đã chính thức khánh thành công ty và đưa nhà máy sản xuất tại Long An đi vào hoạt động. Kyodo Sojitz hiện là công ty thức ăn gia súc đầu tiên của Nhật Bản tại Việt Nam.
KSF là liên doanh giữa 2 tập đoàn lớn với nhiều thế mạnh là Sojitz (51%) có thế mạnh về cung cấp nguyên liệu và Kyodo Shiryo (49%) với thế mạnh về sản xuất. Nhà máy được đầu tư 24 triệu USD và công suất là 200.000 tấn/năm.
Việc có thêm nhà máy ngoại sẽ khiến thị phần của các DN trong nước sẽ bị thu hẹp. Điều này đồng nghĩa với việc số nhà máy của DN Việt Nam phải ngừng sản xuất hoặc chuyển hướng kinh doanh do không chịu được sức ép từ khối ngoại, kéo theo hệ quả ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào các DN FDI.
Hiện thức ăn chăn nuôi đang chiếm 70% giá thành chăn nuôi. Khi bị phụ thuộc chúng ta rất dễ bị chi phối mà điển hình là việc CP tăng giá trứng gia cầm một cách bất hợp lý hồi đầu năm 2013. Một số DN chăn nuôi, sản xuất thực phẩm trong nước đang tiến tới mô hình từ trang trại đến bàn ăn để giảm thiểu sự phụ thuộc mà thí dụ điển hình là Vissan.
Thế nhưng bài toán vốn và kinh nghiệm luôn là thách thức với hầu hết DN. Thử nhìn lại CP, ngay khi vào Việt Nam công ty này đã chọn sản xuất thức ăn chăn nuôi, khâu quan trọng nhất sau đó mới phát triển trang trại, sản phẩm… và đây cũng là quy trình của nhiều công ty nước ngoài khác đang áp dụng tại Việt Nam.
Thanh Lâm
sài gòn đầu tư tài chính
|