Đầu tư ra nước ngoài: Những phép thử triệu đô
Năm ngoái, đã có 84 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đăng ký 1,41 tỷ USD và 9 dự án tăng vốn. Các thị trường lân cận như Campuchia, Lào, Myanmar đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn lợi từ nông nghiệp
PVFCCo mở rộng thị trường tại ampuchia, Myanmar
|
Sau khi nhà máy mía đường 1 tại tỉnh Kratie, Campuchia đi vào hoạt động trong năm 2012 (đây là dự án phức hợp trồng mía, sản xuất đường, cồn và điện do liên doanh giữa Công ty CP NIVL, tại Long An và Công ty CP Đường Bình Định cùng Tập đoàn VinaCapital đầu tư, với vốn ban đầu 75 triệu USD), chủ đầu tư dự án này đang trong giai đoạn tiếp tục mở rộng đầu tư.
Ông Don Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital chia sẻ, nhà máy thứ hai có quy mô đầu tư lên đến 100 triệu USD, cũng như nhà máy thứ nhất, sau khi hoàn thành, toàn bộ sản phẩm của nhà máy sẽ được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. "Nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư tiềm năng tại Campuchia.
Ở đây không những có đất tốt mà doanh nghiệp (DN) tham gia còn được khuyến khích từ Chính phủ hai nước, Việt Nam và Campuchia", ông Don Lâm cho biết. Đây là ngành đầu tư dài hạn và theo một số DN Việt đầu tư sang Campuchia, tỷ suất lợi nhuận không dưới 22%, hơn nữa lại mang tính ổn định.
Có lẽ, hơn ai hết, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là DN hiểu rõ đặc tính "dài hạn và ổn định" khi đầu tư vào nông nghiệp. Năm 2009, diện tích cây cao su ở Lào và Campuchia của HAG vẫn trong giai đoạn khởi đầu, thì đến nay, đã tiến hành khai thác.
Theo báo cáo nhận định thị trường của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), năm 2013, dự kiến HAG sẽ khai thác 7.000 ha cao su. Ngoài ra, ở mảng mía đường, HAG đã trồng 5.530 ha và sẽ trồng thêm 7.000 ha trong năm nay. Dự báo, doanh thu thuần từ đường và điện sản xuất được sẽ đạt 971 tỷ đồng và lợi nhuận thuần đạt 161 tỷ đồng trong năm 2013.
Do mảng nông nghiệp phát triển nên không ít nhà đầu tư Việt Nam đã tận dụng cơ hội này để phát triển các ngành liên quan. Điển hình như trường hợp của Tập đoàn Phân bón Năm Sao đã đầu tư 52 triệu USD xây dựng nhà máy phân bón ở Campuchia.
Trong khi đó, dù chưa đầu tư nhà máy nhưng Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cũng đã mở chi nhánh ở Campuchia và văn phòng đại diện tại Myanmar nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở hai thị trường tiềm năng này. Ngay từ năm 2009, PVFCCo đã triển khai mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Xác định Campuchia là thị trường tiềm năng nhất, với diện tích canh tác lên tới gần 3 triệu ha, PVFCCo đã tổ chức các cuộc hội thảo hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân tại các thửa ruộng mẫu.
Ngày 7/5/2010, Văn phòng đại diện của PVFCCo tại Campuchia chính thức khai trương và đến tháng 7/2011 được nâng cấp thành chi nhánh để trực tiếp nhập khẩu và phân phối sản phẩm tại thị trường địa phương.
Trong năm 2012, PVFCCo đã xuất khẩu ra nước ngoài được 100.000 tấn urea và con số này sẽ được nâng lên 200.000 - 300.000 tấn/năm trong thời gian tới. Theo ước tính, nhu cầu phân urea tại Lào và Campuchia là 1 triệu tấn; trong khi đó, hai thị trường này không có nhà máy sản xuất phân urea nên đây sẽ là cơ hội cho các DN Việt Nam.
Bất động sản thương mại: Lợi cả đôi đường
Trong năm 2012, đã có 84 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đăng ký 1,41 tỷ USD và 9 dự án tăng vốn, với tổng vốn đầutư tăng thêm là 132,25 triệu USD. Như vậy, vốn đầu tư đăng ký và tăng thêm của các DN Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2012 đạt 1,546 tỷ USD.
- Vốn thực hiện trong năm 2012 đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Như vậy, lũy kế đến ngày 31/12/2012, Việt Nam có 719 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư 29,23 tỷ USD, trong đó vốn của nhà đầu tư Việt Nam đạt 12,87 tỷ USD.
(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)
|
Không chỉ lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản cũng nằm trong Top 5 ngành nghề mà DN Việt đầu tư ra nước ngoài.
Thời điểm năm 2006 - 2010, các DN chú trọng đến bất động sản nghỉ dưỡng, có thể kể đến như trường hợp Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) nghiên cứu đầu tư khu nghỉ dưỡng ở Cuba hay Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) theo đuổi thương vụ mua lại khách sạn 5 sao ở San Francisco (Mỹ)...
Tuy nhiên, kể từ năm 2010 trở đi, DN có xu hướng nghiêng về đầu tư các khu phức hợp hoặc các khu thương mại đơn thuần làm trung tâm phân phối hàng hóa từ Việt Nam.
Theo đó, sau khi phát triển các siêu thị tại Campuchia (hiện ở thị trường này, ngoài một siêu thị do Việt kiều đầu tư, Satra và Saigon Co.op cũng đã hiện diện), một làn sóng đầu tư mới đã tiến vào Myanmar.
Cụ thể, mới đây, Satra đã thành lập văn phòng đại diện tại Myanmar làm đầu mối cho các hoạt động kinh doanh tại thị trường này, đồng thời tiến tới việc hợp tác đầu tư xây dựng trung tâm thương mại đa năng Yangon.
Là một trong những DN tiên phong vào thị trường Myanmar, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn C.T Group, cho biết, ngoài việc thúc đẩy các hoạt động thương mại, DN này cũng đang chuẩn bị triển khai các dự án tại Yangon, với tổng vốn đầu tư lên đến 150 triệu USD.
Trong đó, có hai dự án khu phức hợp (khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở...) là cao ốc CT DaMaSayti Landmark và cao ốc CT Yankin Plaza dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Riêng dự án nhà máy sản xuất bột mì và mì gói có thể sẽ đi vào hoạt động sớm hơn hai dự án trên từ 1-2 năm.
Ông Dương Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nam, cho biết, tuy mới chỉ hoàn tất giai đoạn thăm dò thị trường mới là Myanmar, nhưng với nội lực và ưu thế của thương hiệu Phố Xinh hiện nay, kế hoạch thâm nhập Myanmar rất khả thi. Đại diện Công ty AA Corporation cho biết, đã nhận thầu một đơn hàng lớn với khách sạn Novotel Myanmar, hiện đã hoàn thành giai đoạn một và đang chuẩn bị đấu thầu giai đoạn hai.
Ngoài việc là nhà sản xuất và xuất khẩu số 1 Đông Nam Á đối với sản phẩm tôn mạ, ông Lê Phước Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cũng ấp ủ chiến lược xây dựng nhà máy tại Myanmar, nhưng ông cho biết: "Vẫn đang thăm dò và chỉ kinh doanh theo dạng thương mại, thông qua nhà phân phối.
Bởi vì, thời gian qua, có nhiều DN Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong những lĩnh vực là thế mạnh của Myanmar, nhưng do thiếu kinh nghiệm khi đến làm ăn ở một quốc gia mới với nền văn hóa cũng như tập quán khác biệt nên đã gặp khá nhiều khó khăn".
Và để chuẩn bị nội lực, Hoa Sen cũng đã có những chiến lược đầu tư cho nhân sự và chất lượng sản phẩm. "Đã có những khách hàng nước ngoài ở Đông Nam Á đặt hàng có chất lượng thấp hơn chuẩn của Công ty để có giá rẻ, nhưng chúng tôi không thể ham bán hàng mà làm hàng hạ chất lượng theo yêu cầu của khách, vì chỉ sau một thời gian, nếu có xảy ra sự cố thì mình mất danh tiếng", ông Vũ nói.
Theo ông Vũ Văn Chung, Phó trưởng phòng Đầu tư ra nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư), gần đây, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của DN đang có sự gia tăng đáng kể vào những khu vực và ngành nghề phù hợp với định hướng.
Trong khi đó, về mặt hiệu quả, tính đến cuối năm 2012, các DN Việt đã chuyển về nước khoảng 430 triệu USD, bằng 11,3% tổng vốn đầu tư đã thực hiện.
Ngay từ năm 2009, PVFCCo đã triển khai mở rộng thị trường ra nước ngoài. Xác định Campuchia là thị trường tiềm năng nhất, với diện tích canh tác lên tới gần 3 triệu ha, Ngày 7/5/2010, Văn phòng đại diện của PVFCCo tại Campuchia chính thức khai trương và đến tháng 7/2011 được nâng cấp thành chi nhánh để trực tiếp nhập khẩu và phân phối sản phẩm tại thị trường địa phương. Trong năm 2012, PVFCCo đã xuất khẩu ra nước ngoài được 100.000 tấn urea và con số này sẽ được nâng lên thành 200.000 – 300.000 tấn/năm trong thời gian tới. |
Nam Khang - Ý Nhi
doanh nhân sài gòn
|