Thứ Tư, 20/03/2013 15:21

Một số khuyến nghị về phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ

Cả hai chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều đóng vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo tiền đề cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế. Việc nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp giữa hai chính sách nói trên là nhiệm vụ quan trọng giúp cho các chính sách điều hành của Nhà nước đạt hiệu quả cao, giảm những tổn thất không cần thiết...

Cơ sở và điều kiện phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ

Chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) là hai chính sách quan trọng trong quản lý kinh tế vĩ mô. Mặc dù CSTK và CSTT sử dụng hệ thống các công cụ khác nhau, cơ chế truyền tải cũng khác nhau nhưng mục tiêu cuối cùng cả hai chính sách đều hướng đến là ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững nên các mục tiêu kinh tế vĩ mô chính là cơ sở để thực hiện phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ. Không chỉ cùng hướng đến mục tiêu chung, giữa CSTK và CSTT còn có mối quan hệ gắn bó qua lại với nhau.

Do CSTK mở rộng (hay thắt chặt) có xu hướng gắn liền với tăng (giảm) thâm hụt ngân sách nên phương thức tài trợ thâm hụt ngân sách sẽ tác động đến việc thực hiện mục tiêu ổn định tiền tệ của CSTT. Ngược lại, hiệu quả của CSTK ở một chừng mực nhất định cũng phụ thuộc vào việc kết quả điều hành CSTT. Chẳng hạn, khi thực hiện CSTT thắt chặt có thể sẽ làm cho đầu tư giảm, kéo theo đó là nguồn thu ngân sách cũng có thể giảm do giảm khả năng thu thuế.

Như vậy, trong quá trình thực thi, chính sách này sẽ tác động đến chính sách kia và ngược lại, nếu thiếu sự phối hợp, các chính sách có thể gây hậu quả xấu cho nhau và cho nền kinh tế. Sự phối hợp chính sách trong trường hợp này sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực qua lại giữa các chính sách, gia tăng tác động tích cực của chính sách đối với nền kinh tế.

Thông thường, khi nền kinh tế có biểu hiện suy thoái, thiếu hụt về tổng cầu thì Chính phủ có thể áp dụng CSTK mở rộng thông qua giảm thuế và tăng quy mô chi tiêu ngân sách kết hợp với CSTT mở rộng, cung ứng thêm tiền cho nền kinh tế, nhằm khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm. Ngược lại, khi nền kinh tế có dấu hiệu của lạm phát cao, tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân thì Chính phủ có thể sử dụng CSTK thắt chặt bằng cách giảm chi ngân sách, giảm vay nợ và tăng thuế đồng thời sử dụng CSTT thắt chặt làm giảm cung ứng tiền cho nền kinh tế, nhằm hạn chế đầu tư, kìm hãm sự phát triển quá nóng của nền kinh tế.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, để đạt được hiệu quả phối hợp tài khóa - tiền tệ trong điều tiết kinh tế vĩ mô, cần phải:

Thứ nhất, xác định được các mục tiêu tài chính - tiền tệ; đảm bảo tính nhất quán trong việc phối hợp và thực thi nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Thứ hai, phối hợp CSTK và CSTT phải được sử dụng trong sự phối hợp với các chính sách khác, đặc biệt là các biện pháp giám sát vĩ mô thận trọng nhằm quản lý dòng vốn, tạo sự ổn định tài chính. Sự kết hợp phong phú hơn các công cụ chính sách sẽ đem lại ổn định kinh tế, tài chính bền vững hơn là các chính sách đơn phương.

Thứ ba, việc phối hợp chính sách đòi hỏi phải có những sự trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng chính sách, đặc biệt là sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương. Đồng thời, chất lượng công tác dự báo kinh tế - tài chính vĩ mô có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc xây dựng mục tiêu và kế hoạch phối hợp CSTK và CSTT.

Thứ tư, cơ chế phối hợp thực hiện chính sách tài khóa - tiền tệ thường thông qua các ủy ban, cơ quan chính thức hoặc không chính thức: Thành viên của các cơ quan phối hợp này bao gồm các đại diện của Bộ Tài chính, Kho bạc, cơ quan quản lý nợ và Ngân hàng Trung ương. Các ủy ban, cơ quan phối hợp này thường tổ chức họp định kỳ để chia sẻ thông tin liên quan đến những yêu cầu tài trợ của Chính phủ, thảo luận và và phân tích kết quả cân đối ngân sách, giám sát thanh khoản và sự phát triển của thị trường; xây dựng chiến lược để đạt được các mục tiêu về nợ công và quản lý tiền tệ. Các ủy ban phối hợp này là cầu nối để các thành viên Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương có thể hiểu về các mục tiêu và cách thức hoạt động của nhau cũng như tạo được sự đồng thuận trong cách quản lý nợ công và quản lý tiền tệ.

Phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ giai đoạn 2007-2013

Giai đoạn 2007-2013, do nền kinh tế đã hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu nên Việt Nam cũng chịu tác động bởi khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới 2008, 2009. Những diễn biến phức tạp của kinh tế trong nước và kinh tế thế giới khiến cho Việt Nam đứng trước nhiều bất ổn về kinh tế vĩ mô. Trước thực tế đó, các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là 2 chính sách tài khóa và tiền tệ đòi hỏi phải được điều chỉnh và có sự phối hợp chặt chẽ hơn nhằm ổn định nền kinh tế và duy trì tăng trưởng.

Để tăng cường công tác phối hợp giữa hai cơ quan hoạch định chính sách tài khóa - tiền tệ, ngày 29/2/2012, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký kết quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin. Theo đó, bản ký kết bao gồm 5 nội dung chính:

- Phối hợp xây dựng và điều hành CSTK, CSTT, trong đó tập trung vào: Xây dựng và điều hành CSTK, CSTT; Quản lý ngân quỹ của Chính phủ và phát triển hệ thống thanh toán; Quản lý nợ quốc gia và quản lý vốn ODA.

- Phối hợp trong việc phát triển các thị trường tài chính (tín dụng, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu) và công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các thị trường này, nhằm đảm đảm bảo tính liên thông và phát triển an toàn, bền vững.

- Phối hợp trong việc quản lý thuế, hải quan; trong đó hai bên chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin trong việc xây dựng và ban hành các chính sách, biện pháp và thực hiện công tác quản lý, giám sát liên quan đến thu thuế, hải quan qua hệ thống ngân hàng; hoạt động xuất nhập khẩu vàng, bạc, đá quý và công tác phòng chống buôn lậu, rửa tiền.

- Phối hợp trong lĩnh vực hợp tác quốc tế thông qua việc chia sẻ thông tin và thống nhất quan điểm khi tham gia các diễn đàn, sáng kiến hợp tác song phương và đa phương về tài chính, tiền tệ.

- Phối hợp trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, đảm bảo phù hợp với nhu cầu của hai cơ quan.

5 nội dung phối hợp nêu trên cho thấy hai cơ quan hoạch định chính sách tài khóa - tiền tệ sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau trong hầu hết mọi lĩnh vực có liên quan của hai chính sách.

Mặc dù còn nhiều khó khăn song phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ trong giai đoạn 2007-2013 đã đạt được những thành công nhất định như ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, kiềm chế lạm phát, duy trì mức tăng trưởng hợp lý… Kết quả của phối hợp còn thể hiện rõ nét qua việc Chính phủ nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất và áp dụng các biện pháp hoãn, miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh tổng cầu trong nước và cầu xuất khẩu suy giảm như hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ thời gian vừa qua còn có những điểm hạn chế:

Vào những thời điểm nền kinh tế phải đối mặt với lạm phát, mặc dù CSTK và CSTT đều đã được thực hiện theo hướng thắt chặt, trong đó hầu hết các công cụ của CSTT đều đã được sử dụng, tuy nhiên việc kiềm chế lạm phát vẫn chưa thành công. Năm 2008, lạm phát lên đến 19,89%; năm 2010 là 11,75% và năm 2011 là 18,13%.

Sự phối hợp trong việc trao đổi thông tin điều hành, trong việc xây dựng, ra quyết định và thực thi chính sách cũng ảnh hưởng đến quá trình phối hợp chính sách. Bên cạnh đó, thời gian báo cáo, tính chính xác, đầy đủ và kịp thời của các báo cáo, số liệu... đang là những khó khăn đối với các bộ, ngành trong công tác phân tích, dự báo. Công tác tuyên truyền, công bố thông tin, ví dụ như thông tin về lạm phát, quản lý giá cả các mặt hàng chủ đạo, lộ trình tăng giá của các mặt hàng, thông tin về điều hành và thực thi chính sách… đôi khi làm ảnh hưởng đến tâm lý kỳ vọng lạm phát.

Việc xây dựng và thực thi chính sách của các bộ, ngành thường được đưa ra khá độc lập, và đôi khi thời điểm ban hành chính sách cũng có độ trễ giữa các cơ quan; tính nhất quán trong việc thực thi chính sách cũng ảnh hưởng không ít đến hiệu quả của sự phối hợp.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, xác định mục tiêu, trọng tâm phối hợp chính sách trong điều tiết kinh tế vĩ mô là một vấn đề tương đối rộng, vì vậy trong mỗi giai đoạn, việc xác định trọng tâm phối hợp là điều hết sức cần thiết, đồng thời sự phối hợp cần phải được xem xét trong tương quan với các mục tiêu dài hạn của nền kinh tế. Trong giai đoạn tới, đối với CSTT, NHNN phải kiên trì theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát nhằm tạo sự ổn định vĩ mô cho phát triển kinh tế. Đối với CSTK, vấn đề kiểm soát chi tiêu công, nâng cao hiệu quả đầu tư công là những vấn đề cần phải được quan tâm chặt chẽ hơn nữa.

Thứ hai, tăng cường trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành để có cơ sở xây dựng và thực thi chính sách một cách có hiệu quả. Xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ các số liệu, thông tin liên quan... nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu tốt có thể dùng chung cho các bộ, ngành trong việc xây dựng và dự báo các vấn đề phục vụ điều tiết kinh tế vĩ mô, từ đó mới có thể đưa ra các quyết định chính sách phù hợp, kịp thời.

Thứ ba, xây dựng kịch bản phối hợp chính sách. Tùy vào từng bối cảnh cụ thể, trên cơ sở thực trạng nền kinh tế trong nước và thế giới cũng như các kết quả phân tích dự báo cần thiết phải xây dựng các kịch bản phối hợp chính sách để chủ động hơn trong việc ứng phó với những diễn biến kinh tế của thế giới và trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ tư, xác định liều lượng phối hợp chính sách. Cần phải có sự nghiên cứu trên cả 2 giác độ định lượng và định tính để phát huy tối đa hiệu quả của sự phối hợp chính sách.

Thứ năm, xác định thời điểm phối hợp, can thiệp chính sách. Mỗi chính sách mỗi giải pháp được đưa ra đều có độ trễ nhất định mới phát huy tác dụng, vậy khi nào cần can thiệp thị trường, khi nào cần thoái lui cũng là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.

Thứ sáu, về phương pháp can thiệp, trong những điều kiện đặc biệt, việc sử dụng các công cụ hành chính đôi khi là cần thiết. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này trong một thời gian dài sẽ làm méo mó nền kinh tế. Mặt khác, việc thoái lui các loại công cụ hành chính cũng cần phải có một lộ trình phối hợp nhằm tránh tạo ra những tác động “đột ngột” đến nền kinh tế. Vì vậy, lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp cũng sẽ tác động đến sự thành công của phối hợp chính sách.

Ths. Nguyễn Thị Hải Thu - Viện chiến lược và chính sách tài chính

Tài Chính

Các tin tức khác

>   WB tài trợ 250 triệu USD cho cải cách kinh tế ở VN (20/03/2013)

>   Long An: CPI tháng 3/2013 giảm 0,07% so với tháng trước (20/03/2013)

>   Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Chất thay vì lượng (20/03/2013)

>   Con số thất nghiệp chắc chắn “có vấn đề” (19/03/2013)

>   Cựu Thủ tướng Italy: 'Việt Nam cần kiên định mở cửa kinh tế' (19/03/2013)

>   Vốn FDI giải ngân gần 100 tỉ USD (18/03/2013)

>   Bộ Tài chính: Nợ công trong tầm kiểm soát (14/03/2013)

>   Lo ngại sự chuyển dịch dòng vốn FDI (14/03/2013)

>   Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012 và xu hướng năm 2013 (13/03/2013)

>   Lạm phát năm nay có thể ở mức 8 - 9% (13/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật