Khơi thông dòng chảy vốn
Bên cạnh việc kéo hạ lãi suất cho vay hỗ trợ DN, một loạt quyết định cắt giảm lãi suất của NHNN lần này cũng giúp hệ thống NHTM giải quyết được vấn đề dư thừa vốn.
Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, việc gỡ hay hạ trần lãi suất huy động không còn là ưu tiên hàng đầu của chính sách tiền tệ cũng như là mối quan tâm lớn trong 2013. Vì thực tế diễn biến 2012 cho thấy, mặc dù trần lãi suất huy động đã giảm mạnh (14% xuống 8%), lãi suất cho vay cũng giảm mạnh về còn 12 - 14%/năm, nhưng tăng trưởng tín dụng thời gian qua vẫn ở mức khá thấp.
Dòng vốn huy động kẹt lại trong hệ thống ngân hàng và ngân hàng phải chuyển sang kênh tín phiếu, trái phiếu Chính phủ. Huy động tốt, cho vay không được cũng khiến các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn về dưới mức trần là 8%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn dài cũng giảm mạnh, có ngân hàng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng chỉ khoảng 10,5%.
Trần lãi suất huy động giảm giúp ngân hàng và DN giải tỏa được mối lo về vốn.
Tính đến 21/3, tín dụng cũng chỉ tăng có 0,03% so với cuối năm 2012; trong khi huy động vốn tăng 3,86%. Nguyên nhân khiến tín dụng tăng rất chậm một phần do yếu tố mùa vụ (kỳ nghỉ lễ dài khiến nhu cầu vốn thấp); Lãi suất còn ở mức cao so với khả năng chấp nhận của DN; Các gói lãi suất thấp của ngân hàng đều đi kèm điều kiện khắt khe, DN không đủ năng lực đáp ứng hoặc ngân hàng không dám cho vay, chi phí vốn của ngân hàng còn cao do vấn đề nợ xấu…
Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, nếu so sánh với diễn biến của các chỉ số vĩ mô khác như CPI, PMI, chỉ số sản xuất công nghiệp… có thể thấy, tín dụng không tăng còn có nguyên nhân mấu chốt khác là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu.
Để góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn giải quyết vấn đề này, NHNN đã có một loạt quyết định cắt giảm lãi suất.
Theo đó các mức lãi suất điều hành được giảm thêm 01 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn được giảm xuống mức 8% từ 9%; lãi suất tái chiết khấu cũng được giảm từ 7% xuống còn 6%; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm từ 10%/năm xuống còn 9%/năm.
NHNN cũng giảm 0.5 điểm phần trăm mức trần lãi suất huy động, từ 8% còn 7,5%/năm với kỳ vọng thúc đẩy các NH giảm lãi suất cho vay.
Không những vậy, NHNN cũng giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 11%/năm. Lý giải cho động thái hạ lãi suất lần này, NHNN cho biết, từ đầu năm tới nay, NHNN đã tích cực triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cùng với các giải pháp điều hành đồng bộ của Chính phủ và các Bộ, ngành trong 3 tháng qua, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát tốt, thanh khoản ngân hàng cải thiện, thị trường tiền tệ và lãi suất ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao.
Tuy vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, sức mua của thị trường vẫn còn thấp, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của DN còn hạn chế nên NHNN quyết định giảm lãi suất để hỗ trợ thị trường.
Ủng hộ quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, lần hạ lãi suất này của NHNN phù hợp với chu kỳ nền kinh tế và đáp ứng được sự trông đợi của DN.
Cụ thể, lạm phát 2013 đang tiệm cận vùng đáy do lạm phát giảm tốc trong tháng 3 nhờ hưởng lợi từ xu hướng giá tiêu dùng thấp của 2012. Dù không kỳ vọng xu hướng này sẽ duy trì trong 2013 do kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục hồi phục dẫn đến việc tăng giá của các mặt hàng nguyên, nhiên liệu đầu vào.
Bên cạnh đó, khi lạm phát ở trong vùng kiểm soát, khả năng sẽ có sự điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản như điện, nước, xăng, than, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu do nhóm hàng này đang được trích bù khá lớn từ quỹ bình ổn và các DN đầu mối chưa được tính lợi nhuận định mức. Mặc dù vậy theo bà Lan, với nền kinh tế vĩ mô ổn định, thì việc hạ trần lãi suất huy động này sẽ kéo hạ được lãi suất cho vay.
Tương tự, trong báo cáo nhanh của ANZ, ngân hàng này cho rằng, chỉ số lạm phát hiện đang tạo điều kiện để NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ. Nền kinh tế của Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các phản hồi tiêu cực về tăng trưởng trong nước chậm, thiếu nguồn cung cho vay bởi tỷ lệ nợ xấu cao trong hệ thống ngân hàng, và nhu cầu tín dụng của các DN và hộ gia đình yếu.
Việc cắt giảm lãi suất này phần nhiều hướng đến giải quyết nhu cầu tín dụng yếu. Theo các chuyên gia của ANZ, mặc dù những biện pháp này sẽ mất một thời gian để mang lại lợi ích cho nền kinh tế, nhưng điều quan trọng là những cải cách này đang được tiếp tục duy trì trong những năm tới.
Ngoài ra, còn khá nhiều ý kiến đồng tình xuất phát từ phía các ngân hàng. Vì bên cạnh việc kéo hạ lãi suất cho vay hỗ trợ DN, lần này NHNN cũng giúp hệ thống NHTM giải quyết được vấn đề dư thừa vốn. Nguyên nhân trong 3 tháng đầu năm lượng tiền vào ngân hàng vẫn rất lớn, trong khi đầu ra gặp khó, khiến các ngân hàng cũng rất đau đầu.
Trước khi các quyết định hạ lãi suất được ban hành, một số ngân hàng đã hạ lãi suất huy động, song mức hạ không nhiều vì còn phải thăm dò phản ứng của khách hàng, đặc biệt là sợ nguồn vốn chạy sang ngân hàng bạn. Ngay khi quyết định được ban hành, lo ngại này đã được hóa giải.
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Không lo tác động đến lạm phát
Đây là một động thái tích cực của NHNN trong lúc này. Mục tiêu của lần giảm lãi suất này là tác động làm giảm lãi suất cho vay để cứu, gỡ khó cho DN, bởi việc giảm lãi suất cho vay lúc này giúp các DN giảm chi phí vốn. Với việc giảm lãi suất huy động, có thể kéo lãi suất cho vay xuống còn 11-13%/năm.
Lãi suất cho vay giảm sẽ khuyến khích đầu tư để tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên lãi suất thấp lúc này cũng không tác động đến những DN yếu kém, vì họ không còn khả năng để tiếp xúc với nguồn tín dụng của ngân hàng. Năm nay, thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho toàn hệ thống là rất khó. Nên không có gì phải e ngại về việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.
Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất lần này không ảnh hưởng nhiều đến lượng tiền gửi vào ngân hàng.Vì hiện nay tất cả các kênh đầu tư như: vàng, chứng khoán, ngoại tệ, bất động sản không đủ hấp dẫn. Do vậy, gửi tiền tiết kiệm trong lúc này là an toàn và có một lợi tức tốt.
Ông Đỗ Minh Toàn – Tổng Giám đốc ACB: ACB sẽ giảm lãi suất cho vay về mức 10,5%-12%/năm
Hiện nay, nhiều ngân hàng lớn đang dư thừa vốn. Lạm phát quý I chỉ ở mức 2,39%. Đây là những cơ sở để hạ lãi suất rất tốt. Tôi cho rằng lãi suất huy động giảm lúc này là hợp lý. Hiện ACB đang huy động các kỳ hạn trên 12 tháng ở mức dưới 10%/năm và sẽ tiếp tục giảm hơn nữa về mức khoảng 9,2%/năm.
Hiện ACB đang đẩy mạnh huy động tiền gửi trung, dài hạn vì ngân hàng tập trung vào 2 mục tiêu, thứ nhất là tăng cường nguồn vốn cho vay trung, dài hạn để đáp ứng nhu cầu vốn này của đông đảo khách hàng. Nếu chỉ huy động tiền gửi ngắn hạn thì chỉ số cho vay trung, dài hạn trên huy động sẽ không đảm bảo.
Thứ hai, tập trung huy động nguồn vốn trung dài hạn sẽ gia tăng sự ổn định cho ngân hàng. Thời gian tới ACB sẽ giảm lãi suất cho vay tương ứng với mức giảm lãi suất huy động. Hiện nay lãi suất cho vay của ACB đang là 12-13%/năm, và sẽ giảm lãi suất cho vay còn 10,5-12%/năm tùy từng khách hàng.
Hiện nay, dư nợ của ACB đang tăng rất chậm vì sức hấp thụ vốn của thị trường rất yếu. Các DN có nhu cầu vốn lưu động hiện nay cũng không nhiều, còn những khách hàng có nhu cầu thì không cho vay được vì bản chất cho vay món này là đảo nợ.
Ông Trần Cao Sơn - Giám đốc Công ty Thiết kế và Xây dựng Đông Á: Chính sách cần duy trì ổn định, lâu dài
Do điều kiện kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian khá dài nên hoạt động của Công ty cũng phải co hẹp lại đến 40%. Trước kia khi ký được một hợp đồng lớn, việc vay vốn của ngân hàng là tất yếu, nhưng tại thời điểm đó, lãi suất được đẩy lên khá cao thường là 19-21%/năm, nên sau khi trừ chi phí và trả lãi suất ngân hàng, thì lợi nhuận thu được rất khiêm tốn.
Trong thời điểm hiện tại, NHNN đã ban hành các văn bản điều chỉnh lãi suất là cần thiết để hỗ trợ các DNNVV như của tôi vượt qua khó khăn, cũng như giúp chúng tôi củng cố về tài chính. Trước mắt, Công ty chưa có kế hoạch tăng tín dụng với hệ thống ngân hàng, nhưng theo tôi, vấn đề chính sách phải được duy trì và ổn định lâu dài thì những DNNVV mới có cơ hội phục hồi và phát triển.
|
Thiên Kim
Thời báo ngân hàng
|