Thứ Tư, 27/03/2013 09:36

Giảm lãi suất chỉ gỡ một phần khó cho doanh nghiệp

Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN chia sẻ, giảm lãi suất chỉ là một yếu tố, để gỡ khó cho DN thì cần nhiều giải pháp đồng bộ khác.

Bà Nguyễn Thị Hồng

Xin bà cho biết, dựa trên cơ sở nào, NHNN hạ lãi suất?

Trước hết, phải nói rằng, NHNN điều hành chính sách tiền tệ nói chung và điều hành công cụ lãi suất nói riêng là dựa trên cơ sở bám sát các diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt là diễn biến của lạm phát. Trước diễn biến chỉ số CPI của tháng 3 giảm 0,19% so với tháng 2, tăng 2,39% so với cuối năm 2012, tăng 6,64% so với cùng kỳ, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn thì việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND là cần thiết để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp bớt khó khăn, nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ một phần cho các tổ chức tín dụng (TCTD) hạ lãi suất cho vay, NHNN cũng điều chỉnh trần lãi suất huy động ngắn hạn bằng VND từ 8%/năm xuống 7,5%/năm. Đây là mức giảm nhẹ nhưng phù hợp với kỳ vọng lạm phát năm 2013, ở mức thấp hơn lạm phát của năm 2012. Đồng thời, mức giảm này cũng không ảnh hưởng lớn đến việc thu hút tiền gửi vào hệ thống ngân hàng, bởi hiện nay, thanh khoản của hệ thống đang được cải thiện và dư thừa. Ngoài ra, mức lãi suất này vẫn đảm bảo hấp dẫn so với tiền gửi ngoại tệ trong bối cảnh tỷ giá được giữ ổn định trong năm 2013.

Do đó, với việc giảm lãi suất huy động 0,5%/năm, trần lãi suất cho vay giảm 1%/năm vẫn đảm bảo hài hòa được lợi ích của người gửi tiền, người vay và các TCTD.

Ảnh hưởng của việc hạ lãi suất lần này đối với các TCTD sẽ như thế nào?

Việc giảm trần lãi suất cho vay 1%/năm góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các TCTD, bởi thực tế, trần lãi suất huy động giảm thấp hơn. Tuy nhiên, đây là việc cần thiết để chia sẻ khó khăn cho DN, từ đó đem lại sự ổn định cho hoạt động ngân hàng khi DN bớt khó khăn hơn.

Thời gian qua, các TCTD đã có nhiều cố gắng trong việc giảm lãi suất của những khoản cho vay cũ, cụ thể, trước ngày 15/7/2012, tỷ trọng dư nợ các khoản dư nợ có lãi suất trên 15%/năm chiếm 65% thì nay chỉ còn khoảng 18%. Ngoài ra, năm 2012, các TCTD cũng phải phải trích lập dự phòng rủi ro và trên thực tế, nhiều TCTD đã giảm mạnh lợi nhuận.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, đòi hỏi rất nhiều chính sách, không chỉ là giảm lãi suất

Theo bà, khó khăn của DN hiện nay do đâu, bởi hạ lãi suất tự nó không giúp gì cho các DN yếu kém?

Một DN muốn tồn tại, duy trì hoạt động và phát triển thành công cần phải hội đủ nhiều yếu tố như xây dựng chiến lược hoạt động, phương án huy động và sử dụng nguồn vốn, nhân lực, sản phẩm đầu ra, giá thành, khả năng quản trị hoạt động..., lãi suất vay ngân hàng chỉ là một trong các yếu tố tác động tới chi phí đầu vào của DN.

Trên thực tế, trước những tín hiệu tích cực của chỉ số giá tiêu dùng và diễn biến kinh tế vĩ mô, từ tháng 3/2012, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động VND giảm mạnh từ 3 - 6%/năm, lãi suất cho vay giảm từ 5 - 9%/năm so với đầu năm 2012 (hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 12%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác và tiêu dùng ở mức 11 - 15%/năm, trong đó, lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt chỉ từ 9 - 11%/năm); thanh khoản của các TCTD đảm bảo và dư thừa, tăng trưởng tín dụng của các TCTD ở mức thấp.

Điều này cho thấy, lãi suất không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó khăn của DN mà do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới và từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế nước ta, như: sức mua của thị trường giảm sút, DN không tiêu thụ được sản phẩm dẫn đến hàng tồn kho lớn và thua lỗ; nhiều DN Việt Nam chưa áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng cao vào quá trình sản xuất dẫn đến năng suất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao, không có sức cạnh tranh nên không bán được hàng; một bộ phận không nhỏ DN có tình hình tài chính không lành mạnh, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn, năng lực quản trị, điều hành yếu...

Để tháo gỡ khó khăn, đòi hỏi rất nhiều chính sách không chỉ là việc giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng. Các bộ, ngành chức năng khác cũng cần tích cực đưa ra các giải pháp đồng bộ và thiết thực hơn để tháo gỡ đúng những khó khăn của DN đang gặp phải, bao gồm chính sách thuế, chính sách tiêu thụ hàng tồn kho...

Hạ lãi suất, NHNN có lo ngại về lạm phát hay không, thưa bà?

Kiểm soát lạm phát luôn là mục tiêu kiên định của NHNN, nên NHNN xác định không thể chủ quan trong điều hành chính sách tiền tệ. Do vậy, trong điều hành, NHNN hết sức thận trọng, sử dụng đồng bộ các công cụ bên cạnh công cụ lãi suất để điều hành lượng cung ứng tiền một cách linh hoạt qua các kênh, đảm bảo kiểm soát các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ đề ra từ đầu năm.

Hồng Dung

Đầu Tư Chứng Khoán

Các tin tức khác

>   NHNN yêu cầu các TCTD chấp hành nghiêm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (27/03/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước bị truy về các gói tín dụng (27/03/2013)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Đưa lãi suất cho vay xuống dưới 13%/năm (27/03/2013)

>   Chủ tịch Eximbank: Bài toán lãi suất hết sức đơn giản (27/03/2013)

>   Điều tra bổ sung vụ lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như (27/03/2013)

>   Rối bời lãi suất mới (27/03/2013)

>   Đề xuất thành lập Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng ở tỉnh (26/03/2013)

>   HSBC: Lãi suất khó có thể giảm thêm, AMC chỉ có tác động tâm lý (26/03/2013)

>   VPBank lần thứ 7 đạt giải STP của Ngân hàng Bank of NewYork Mellon (26/03/2013)

>   Ông Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (26/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật