Thứ Hai, 04/03/2013 21:35

Bộ Công thương lạc quan về hiệu quả dự án bôxít

"Với cơ chế hiện hành, với giá như tại thời điểm 12.2012 thì thấy dự án không hiệu quả. Nhưng nếu áp dụng cơ chế chính sách hợp lý, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh cộng với xu thế gia tăng giá bán nhôm trên thế giới thì hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai và Nhân Cơ - cho dù ở giai đoạn thử nghiệm - thì cũng có cơ sở tin cậy để tin rằng dự án có hiệu quả kinh tế", vụ trưởng vụ Công nghiệp nặng (bộ Công thương) Nguyễn Mạnh Quân tỏ ra lạc quan khi nói với báo chí về hiệu quả dự án bôxít tại buổi họp báo thường kì tháng 2 của bộ này, vào chiều 4.3.

Trách nhiệm thẩm định dự án của bộ Công thương như thế nào khi mới đây dự án cảng Kê Gà phải dừng vì quy mô của dự án bôxít chưa cần phải xây dựng cảng?

Ông Nguyễn Mạnh Quân

Theo quy định trong xây dựng cơ bản thì hai dự án này không phải là dự án quan trọng quốc gia hay nguồn ngân sách, nên Chính phủ chỉ thông qua chủ trương đầu tư còn quyết định đầu tư là chủ đầu tư tự lập dự án, tự thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên vì là dự án nhạy cảm và tập đoàn Nhà nước triển khai dự án nên Chính phủ đã yêu cầu bộ Công thương thành lập hội đồng thẩm định để kiểm tra lại hiệu quả kinh tế của dự án Nhân Cơ (chứ không phải dự án Tân Rai) để Chính phủ xem có khởi công dự án Nhân Cơ hay không. Bộ Công thương đã lập hội đồng rất lớn, gần 40 người, có các chuyên gia đầu ngànhvề bô xít, có mời có cơ quan phản biện như viện Kinh tế bộ Xây dựng – là đơn vị thẩm tra dự án để trình hội đồng thẩm định… kết quả thẩm định được trình lên Chính phủ.

Năm 2010, trả lời báo chí, đại diện cục Công nghiệp nặng của bộ và Vinacomin (khi ấy là TKV) nói dự án đảm bảo hiệu quả kinh tế, nhưng theo Vinacomin thì nay phải tính lại?

Bộ Công thương đã chỉ đạo Vinacomin rà soát tính toán lại hiệu quả để đề xuất cơ chế chính sách và có cơ chế điều hành. Kết quả kiểm tra hiệu quả kinh tế thời điểm 12.2012 cho thấy: với cơ chế chính sách hiện hành, với tổng mức đầu tư gia tăng khoảng 30% (nguyên nhân do tỉ giá, cơ chế chính sách thay đổi như thuế tài nguyên, thuế môi trường tăng, giá nguyên vật liệu, tiền lương tăng)… đặc biệt yếu tố hết sức quan quan trọng là giá bán alumin tại thời điểm tính toán (tháng 9.2009) là 365 USD, nhưng đến tháng 12.2012 đã giảm 42 đô/tấn (nguyên nhân do suy thoái kinh tế, sản xuất nhôm chững lại, quặng sắt hay quặng thiếc sắt đều giảm)…

Với cơ chế hiện hành, với giá như tại thời điểm kiểm tra thì thấy dự án không hiệu quả, có mức độ rủi ro lớn. Cho nên chúng tôi đồng tình với Vinacomin rằng có một số điểm cần điêu chỉnh chính sách như cơ chế đền bù diện tích khai thác: trước đây chính sách đền bù vĩnh viễn nên giá cao, trong khi với quặng bôxít chỉ sâu 4m, nên chỉ mất 2-3 năm có thể phục hồi để sản xuất song Vinacomin đang phải đến bù thời gian chiếm dụng đất 30-40 năm, với giá 800 triệu-1tỉ đồng/ha, vậy nên chúng tôi kiến nghị chỉ nên đền bù 2-3 năm, tức giá đền bù tính lại khoảng 250 triệu/ha. Hay như phí môi trường hiện là 30.000 đồng/tấn là chưa hợp lí, là quá cao và tập đoàn đề xuất chỉ còn 5.000 đồng/tấn như với than. Thuế tài nguyên cũng vậy, Vincomin đề xuất cơ chế điều chỉnh trong giai đoạn thử nghiệm. Với đề xuất vậy, cộng giá bán như hiện nay thì khi đó dự án mới có hiệu quả.

Tôi cũng thông báo tin mừng: dự án tính giá bán alumin 326 USD/tấn, nhưng Vinacomin vừa kí hợp đông bán tại mỏ với giá 340 USD/tấn, như vậy là giá có nhích lên. Một tin mừng nữa, viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đã nghiên cứu thành công tận dụng hồ bùn đỏ thu hồi lấy quặng sắt. Theo đó cứ 10 tấn bùn thì có 2,6 tấn sắt xốp. Chính phủ đang yêu cầu chỉ đạo triển khai với quy mô công nghiệp. Khi đó sẽ có lợi: giảm đầu tư hồ bùn đỏ vì tận dụng thu hồi bùn để làm được sản phẩm có ích vì đầu tư khoang bùn đỏ rất tốn kém: 150 tỉ đồng/khoang chứa một năm.

Ngoài ra, phải đồng tình với Vinacomin, là khi tính hiệu quả thì cần xem giá bán lâu dài. Một số tổ chức thế giới dự báo giá alumin sẽ tăng theo giá nhôm, vì khi kinh tế phục hồi, nhu cầu xây dựng cơ bản phục hồi thì giá nhôm tăng, theo tổ chức này, sẽ tăng bình quân lên 450USD/tấn, tức có cơ sở tin cậy để thấy tương lai dự án có hiệu quả kinh tế. Hoặc với dự án Nhân Cơ: có công ty đã được Chính phủ chấp thuận cho đầu tư nhà máy điện phân nhôm sử dụng toàn bộ sản phẩm alumin của nhà máy Nhân Cơ. Họ tính việc đầu tư nhà máy, tận dụng được sản phẩm tại chỗ… Chúng tôi rất hy vọng vào dự án này và đang chỉ đạo lập dự án để trình Chính phủ. Khi đó sẽ hỗ trợ hiệu quả kinh tế của dự án Nhân Cơ.

Giá alumin trên thị trường 5 năm qua có thay đổi so với kế hoạch và theo bộ thì hai dự án này sẽ lỗ hay lãi?

Alumin biến động thất thường. Tháng 8.2008 lên đến 600 USD/tấn nhưng tháng 12.2012 chỉ còn 326 USD. Lúc này có tăng lên một chút. Nhưng với xu thế phục hồi, giá nhôm và alumin sẽ tăng là tất yếu.Nếu áp dụng cơ chế chính sách hợp lý, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh cộng với xu thế gia tăng giá bán nhôm trên thế giới thì hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai và Nhân Cơ - cho dù ở giai đoạn thử nghiệm thì cũng có cơ sở tin cậy để tin rằng dự án có hiệu quả kinh tế. Cũng phải nói thêm, toàn bộ kết quả tính toán mà Vinacomin tính toán và thông báo là hiệu quả thuần túy tài chính của chủ đầu tư chứ chưa tính hiệu quả lan tỏa của dự án như khoản thuế khóa nhà nước thu được, tạo công ăn việc làm, phát triển dịch vụ, như Bảo Lộc, Gia Nghĩa có hàng loạt dịch vụ ra đời để đón đầu cho dự án này. Chúng tôi đang yêu cầu Vinacomin tính toán hết hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội, ngoài hiệu quả tài chính thuần túy của dự án.

Được biết tới đây bộ và Chính phủ sẽ họp điều chỉnh dự án và có thể quy hoạch lại tổng thể về bôxít, vậy sau sự kiện Kê Gà có tính đến điều chỉnh quy hoạch của hai dự án và cả quy hoạch tổng thể, nếu có thì theo xu hướng nào?

Quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác chế biến bôxít đến năm 2020 có dự báo đến 2030 đã được lập trong vòng 2 năm, nhiều cuộc hội thảo, sử dụng các chuyện gia trong và ngoài nước. Tháng 1 vừa qua, thường trực Chính phủ đã họp để nghe quy hoạch này và có kết luận định hướng sắp tới: phát triển thận trọng, đi từng bước một, từ thử nghiệm đến quy mô lớn, quy mô công nghiệp đảm bảo lợi ích tổng thể kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Chính phủ chỉ đạo từ nay đến năm 2015, chỉ có hai dự án này vào thử nghiệm, nghiên cứu và hoàn thiện. Đến 2020, trên kết quả thử nghiệm của hai dự án này, nếu có hiệu quả và điều kiện vận tải, cơ sở hạ tầng cho phép thì sẽ nhân đôi hai dự án này lên. Sau 2020 nếu có đường sắt, kết quả thử nghiệm tốt thì sẽ đầu tư các dự án có quy mô lớn 2-3 triệu tấn/năm

Chúng tôi sẽ hoàn thiện theo hướng này sau đó sẽ trình cả bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo rồi Thủ tướng Chính phủ mới xem xét phê duyệt.

Chí Hiếu

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Dấu hiệu tích cực từ sản xuất công nghiệp (04/03/2013)

>   Không đăng ký giá, phạt 150 triệu đồng (04/03/2013)

>   Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thể mạo hiểm (04/03/2013)

>   Xuất siêu, chưa vội mừng… (04/03/2013)

>   Bế tắc đầu ra, nhà máy đường “dọa” giảm giá mía (04/03/2013)

>   Cần cẩn trọng khi nói “hỗ trợ doanh nghiệp” (04/03/2013)

>   Giá trị hợp đồng khai thác mới của AIA tăng 27% (04/03/2013)

>   Khó có thị trường điện cạnh tranh (04/03/2013)

>   Ham xuất khẩu, quên trong nước (04/03/2013)

>   Xuất khẩu đồ gỗ 2013: Mỹ sẽ là thị trường chủ lực (03/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật