Thứ Hai, 04/03/2013 06:22

Khó có thị trường điện cạnh tranh

Thị trường phát điện cạnh tranh tuy đã vận hành được gần 8 tháng nhưng vẫn còn hình thức và thực tế vẫn độc quyền.

Sau gần 8 tháng chính thức đi vào vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã được mở rộng với 45 nhà máy tham gia trực tiếp vào thị trường, dự kiến sẽ tăng lên 67 nhà máy chào bán điện trong năm nay. Trong khi đó, bên mua duy nhất là Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền quyết định mua điện của doanh nghiệp (DN) theo thứ tự giá chào từ thấp đến cao.

Vẫn toàn “người nhà” EVN

Trước nhiều ý kiến quan ngại việc mở rộng thêm nhiều nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh sẽ tạo điều kiện cho EVN được quyền lựa chọn mua điện với giá thấp và bán điện giá cao, GS-TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng theo đúng nghĩa của thị trường phát điện cạnh tranh thì không sợ tình trạng độc quyền.

Theo giới chuyên môn, công ty mua bán điện trong thị trường phát điện cạnh tranh đúng nghĩa phải là công ty phi lợi nhuận với hoạt động trung gian mua bán điện cho hai bên và nếu có thì chỉ thu một khoản phí nhỏ để duy trì hoạt động của công ty và trả lương nhân viên. Tuy nhiên, hiện nay, đơn vị duy nhất mua điện từ các nhà máy lại vẫn trực thuộc EVN nên mua bán điện cạnh tranh thực chất vẫn chỉ là hình thức.

Sửa chữa điện tại TPHCM.

Về lâu dài, các nhà máy điện của EVN đang có xu hướng tập hợp vào các tổng công ty phát điện (Genco). Các Genco nhanh chóng đi vào hoạt động sẽ giảm bớt số lượng đối tác tham gia cạnh tranh và giúp mô hình thị trường phát điện vận hành gọn gàng, thuận lợi hơn so với giai đoạn vận hành thử nghiệm ban đầu. Theo lộ trình, đến năm 2015, các Genco sẽ tách khỏi EVN, khi đó, tỉ lệ phát điện của EVN chỉ đạt khoảng 17% - 18%, còn lại phần lớn do các nhà máy ngoài EVN phát.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng khi các Genco còn trực thuộc EVN thì chưa thể có thị trường điện cạnh tranh. “Chỉ khi nào các nhà máy bán điện, khối phát điện, khối truyền tải điện phải được nhanh chóng tách khỏi EVN thì thị trường mới hình thành” - ông Long lưu ý.

Trễ so với lộ trình

Theo Quyết định 26 của Thủ tướng, thị trường điện cạnh tranh chia làm 3 cấp độ, trong đó, cấp độ 1 là phát điện cạnh tranh hình thành từ năm 2005-2014, cấp độ 2 là thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2014-2022 và cấp độ 3 là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ sau năm 2022. Khi đưa ra lộ trình này, nhiều chuyên gia ngành điện cho rằng toàn bộ quá trình thiết kế hình thành thị trường điện cạnh tranh chỉ cần 2 cấp độ và chỉ làm trong vòng tối đa 5 năm chứ không kéo dài tới 17 năm (từ năm 2005 đến 2022) như hiện nay.

Tuy nhiên, GS-TSKH Trần Đình Long cho rằng cần nhìn vào thực tế xuất phát điểm ngành điện của Việt Nam. Muốn hình thành thị trường điện thực sự cạnh tranh, trong đó người mua có thể được lựa chọn người bán điện cho mình thì cần thời gian chuyển đổi từ các cấp độ. Khi chuyển đổi từ cấp độ này sang cấp độ khác có rất nhiều việc phải làm như cơ cấu lại DN, cơ sở vật chất, kỹ thuật phải được trang bị đầu tư tương ứng, nhất là thiết bị đo đếm, thiết bị thông tin…

Nhìn lại 8 tháng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, nhiều chuyên gia ngành điện cho rằng về cơ bản, thị trường vẫn độc quyền, chưa hướng tới thị trường thực sự. Mục tiêu đến năm 2014 hoàn thành thị trường phát điện cạnh tranh và chuyển sang thị trường bán buôn cạnh tranh là khó hoàn thành khi nhiệm vụ trong giai đoạn đầu vẫn thực hiện một cách quá hình thức.

“DN được độc quyền quá lâu nên sẽ không dễ dàng từ bỏ đặc lợi của mình, nếu tiếp tục trì hoãn việc tái cơ cấu thì việc hình thành thị trường điện cạnh tranh vẫn giậm chân tại chỗ và nhiều khả năng sẽ bị trễ so với lộ trình đề ra” - ông Long nhận xét.

Khó tách Genco khỏi EVN

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khi các Genco đủ điều kiện cổ phần hóa sẽ tách khỏi EVN. Tuy nhiên, theo EVN, hiện nay chưa thể tách ngay các Genco khỏi tập đoàn do nguồn lực tài chính của các tổng công ty này còn yếu. Tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu quá cao, thậm chí có tổng công ty nợ trên vốn chủ sở hữu đến 5-6 lần nên không đi vay vốn được, dẫn tới một loạt dự án ách tắc. Một vị đại diện EVN cho biết Thủ tướng chỉ đạo khi tách khỏi tập đoàn thì các Genco phải “khỏe”. Hiện nay, Genco chưa đủ lực nên Chính phủ yêu cầu EVN đi vay vốn về cho Genco vay lại, bảo đảm dòng tiền các dự án đầu tư không bị gián đoạn.


Phương Nhung

người lao động

Các tin tức khác

>   Ham xuất khẩu, quên trong nước (04/03/2013)

>   Xuất khẩu đồ gỗ 2013: Mỹ sẽ là thị trường chủ lực (03/03/2013)

>   Việt Nam sẽ trong tốp 3 về tăng trưởng xuất khẩu (03/03/2013)

>   Bức thiết tái cấu trúc nông nghiệp (03/03/2013)

>   Thành lập ban chỉ đạo để “cứu” Vinalines! (02/03/2013)

>   Trớ trêu Vinacafe (02/03/2013)

>   Điều tra tiêu cực ở CTCP Dầu khí Mê Kông (02/03/2013)

>   Chủ tịch Air Mekong: 'Bay tốt vẫn có thể lỗ' (02/03/2013)

>   Cái bắt tay của ba ông lớn (02/03/2013)

>   TS. Trần Du Lịch: Tái cơ cấu doanh nghiệp nghiệt ngã chắc chắn diễn ra trong 2013 (01/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật