Xuất siêu, chưa vội mừng…
Theo số liệu của tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm đạt khoảng 18,97 tỉ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hai tháng ước đạt 17,3 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Tính chung hai tháng năm 2013, nước ta xuất siêu khoảng 1,68 tỉ USD, bằng 8,8% kim ngạch xuất khẩu.
Con số xuất siêu đấy là có ý nghĩa, nếu xét trong nhiều năm gần đây, Việt Nam luôn nhập siêu, thậm chí có những năm nhập siêu được coi là một trong những nguyên nhân chính gây mất cân đối kinh tế vĩ mô.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến xuất siêu, theo lý giải của bộ Công thương là do xuất khẩu tăng trưởng tốt, với tốc độ cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu.
Theo số liệu của bộ Công thương thì với nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tháng 2 ước khoảng 222 triệu USD, giảm 33,6% so với tháng trước và giảm 43,9% so với cùng kỳ. Nếu tính cả hai tháng kim ngạch nhập khẩu của nhóm này ước khoảng 556 triệu USD, chiếm 3,2% tỷ trọng nhập khẩu và giảm 18,8% so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong tháng 2 ước khoảng 400 triệu USD, giảm 35,7% so với tháng trước và giảm 3,8% so với cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu nhóm này ước khoảng 1,02 tỉ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ. Hai mặt hàng ôtô nguyên chiếc dưới chín chỗ và xe máy có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh (lần lượt giảm 37,8% và 33,2%).
Nhưng nguyên nhân căn bản của việc xuất siêu vẫn là do sản xuất trong nước trì trệ, nhu cầu mua sắm tiêu dùng các mặt hàng đắt tiền cũng giảm mạnh (như với mặt hàng ôtô) khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.
Biểu hiện rõ rệt là trong nhóm hàng cần thiết nhập khẩu mà bộ Công thương xác định (gồm nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị), là các mặt hàng nhập khẩu để phục vụ sản xuất, xuất khẩu: kim ngạch nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng thấp. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 2 ước khoảng 5,64 tỉ USD, giảm 39,9% so với tháng trước và giảm 25,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hai tháng đầu năm ước khoảng 15,02 tỉ USD, chiếm 86,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, chỉ tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nhập khẩu xăng dầu các loại giảm 22,3% về lượng và 24,2% về trị giá; nhập khẩu khí đốt hoá lỏng giảm 32,3% về lượng và 30,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012.
Ngoài ra, cũng có thể nói, những khó khăn do các thị trường xuất khẩu lớn, ngoài nước (người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu) nên nhiều doanh nghiệp phải giãn tiến độ nhập khẩu và dự trữ nguyên phụ liệu.
Xăng dầu là mặt hàng giảm lớn nhất về giá trị tuyệt đối do sản xuất trong nước có xu hướng chậm; chi phí cao khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, doanh nghiệp và người dân tiết kiệm hơn hoặc chuyển sang các nguyên liệu khác có chi phí thấp hơn…
Tất cả khiến nhu cầu nhập khẩu giảm, trong khi xuất khẩu vẫn tăng khá do các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đa số là hàng thiết yếu: gạo, nông sản thực phẩm, cá, đồ may mặc…
Ngay từ năm 2011, tỷ lệ nhập siêu, con số nhập siêu đã giảm dần, và đã có xuất siêu vào những tháng cuối năm 2012. Cho dù có những tín hiệu như vậy, nhưng nhìn tổng thể, những nguyên nhân chính dẫn đến nhập siêu rất cao trong nhiều năm trước như cơ cấu đầu tư, cơ cấu hàng xuất khẩu, hiệu quả đầu tư thấp, kiểm soát nhập khẩu kém nhất là từ các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… vẫn còn nguyên.
Như vậy, ở thời điểm này, tuy tạm thời có xuất siêu, chưa có gì vội mừng… Một khi sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại, kinh tế tăng trưởng trở lại, nếu những yếu tố dẫn đến nhập siêu cao trong những năm trước đây chưa được xử lý thì rất có thể, nhập siêu lại tăng cao trở lại.
Mạnh Quân
sài gòn tiếp thị
|