Rắc rối lãi phạt
Quy định lãi phạt trong hợp đồng khi đưa ra cơ quan pháp luật rất có thể không được chấp nhận, do có các quy định pháp luật khác nhau về lãi suất.
Tranh chấp khoản chậm thanh toán, nguyên đơn đã đòi bị đơn phải trả lãi phạt 24%/năm theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm có hai kết luận khác nhau về lãi phạt vi phạm hợp đồng, cũng bởi có nhiều quy định rắc rối và thiếu thống nhất về cách tính khoản lãi này.
Ngày 30/1, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa nguyên đơn là CTCP Điện máy V.K và bị đơn là CTCP Phòng cháy chữa cháy và đầu tư xây dựng Sông Đà. Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 10/2007, CTCP Phòng cháy chữa cháy Sông Đà đã ký hợp đồng mua điều hòa nhiệt độ Daikin với CTCP Điện máy V.K. Tổng giá trị lô hàng tạm tính là 140.000 USD. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, CTCP V. K đã bàn giao hàng hóa theo 9 hóa đơn và bên mua không có bất cứ khiếu nại nào về chất lượng hàng hóa. Phía CTCP Phòng cháy chữa cháy Sông Đà đã thanh toán 6 đợt, với tổng số tiền là 2,1 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 148,3 triệu đồng. Hết thời hạn thanh toán, phía CTCP Phòng cháy chữa cháy Sông Đà không chịu thanh toán nốt số tiền còn lại, CTCP V.K đã đâm đơn khởi kiện đòi nợ gốc và lãi phạt do vi phạm hợp đồng theo mức 2%/tháng, tính từ ngày 13/10/2007 đến ngày 20/9/2012 là 197,2 triệu đồng.
Tại phiên sơ thẩm, phía bị đơn đã chấp nhận trả khoản nợ gốc là 148,3 triệu đồng. Vấn đề khó thống nhất là mức lãi phạt được áp dụng với hợp đồng. Theo thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng, mức lãi phạt được tính là 2%/tháng, tương đương với 24%/năm. Đại diện nguyên đơn cho rằng, lãi phạt này là phù hợp với lãi suất thị trường tại thời điểm năm 2010, khi bên mua thanh toán đợt cuối cùng cho bên bán và tranh chấp bắt đầu phát sinh. Nguyên đơn viện dẫn Điều 306, Luật Thương mại quy định trường hợp chậm thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác, bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Trong khi đó, bị đơn không chấp nhận lãi phạt này vì cho rằng lãi phạt này quá cao, không phù hợp với các quy định của pháp luật. Bởi theo điều 476, Bộ luật Dân sự thì lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố.
Bản án sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của CTCP V. K và buộc CTCP Sông Đà thanh toán 148,3 triệu đồng nợ gốc và lãi phạt là 197,2 triệu đồng (tương ứng lãi phạt 2%/tháng). Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội cho rằng, lãi phạt 24%/năm không phù hợp với các quy định của pháp luật và cao so với lãi suất trên thị trường. Cuối cùng, HĐXX buộc bị đơn phải trả tiền gốc và lãi phạt bằng 150% lãi suất cho vay trung hạn trung bình của 3 ngân hàng tại thời điểm xử sơ thẩm vào tháng 9/2012.
Theo một luật sư, khi ký kết hợp đồng kinh tế, các bên nên đặt ra các điều khoản phạt rõ ràng là bao nhiêu tiền hoặc bằng tỷ lệ phần trăm so với giá trị hợp đồng. Việc quy định lãi phạt khi đưa ra cơ quan pháp luật, rất có thể không được chấp nhận do có các quy định pháp luật khác nhau về lãi suất. Do đó, điều khoản kiểu này có hiệu lực không cao.
Hoàng Duy
đầu tư chứng khoán
|